Giới trẻ Hàn Quốc hoãn kết hôn vì gánh nặng... thiếu tiền

Google News

Tôi sẽ kết hôn nếu có tiền”, Yoon, người hiện đang chuẩn bị thi để trở thành kỹ sư điện tử, cho biết.

Yoon Hwan có cảm giác như “ở trên chín tầng mây” vào năm ngoái khi bạn gái chấp nhận lời cầu hôn của anh. Anh mường tượng ra một tương lai hạnh phúc đầy những khoảnh khắc quý giá bên vợ con. Nhưng sự háo hức đó nhanh chóng nhường chỗ cho một trái tim nặng trĩu khi giấc mơ của anh bị đè nặng bởi vấn đề “cơm áo gạo tiền”.
Không dám kết hôn
Yoon cảm thấy thiếu tự tin do lo ngại tương lai tài chính không chắc chắn và khi kết hôn sẽ không kiếm đủ tiền để mua nhà. Người đàn ông 30 tuổi này hiện có khoảng 10 triệu won (8.800USD) tiền tiết kiệm, quá ít không đủ để đặt cọc mua thậm chí một căn hộ nhỏ ở Seoul.
“Tôi sẽ kết hôn nếu có tiền”, Yoon, người hiện đang chuẩn bị thi để trở thành kỹ sư điện tử, cho biết.
Anh là một trong hàng trăm nghìn người trẻ Hàn Quốc không kiếm đủ tiền để mua nhà và trì hoãn hôn nhân vì thất vọng với khả năng tài chính của bản thân trong tương lai.
Nền kinh tế của Hàn Quốc đang lâm vào suy thoái và nhiều người trẻ không thể tìm được việc làm tử tế. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ - những người trong độ tuổi từ 15 đến 29 - ở mức 10,8% trong tháng 3, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp chung là 4,3%, theo dữ liệu của chính phủ.
Việc thiếu việc làm ổn định ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác của cuộc sống. Một cuộc khảo sát do Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc công bố vào tháng 3-2019 cho thấy 9,7% trong số 846 nam giới và 1,5% trong số 904 phụ nữ cho biết họ không hẹn hò vì lý do tài chính. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã hạ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á xuống còn 2,5% trong năm nay, từ mức 2,6% được thực hiện vào tháng 1, với lý do bất ổn kinh tế và hoạt động xuất khẩu chậm lại.
Giá trung bình của các căn hộ ở Seoul đạt mức cao kỷ lục 829 triệu won vào tháng 9 năm ngoái, tăng từ 480 triệu won hồi tháng 12-2008, khi dữ liệu đó bắt đầu được tổng hợp, theo KB Kookmin Bank, một trong những ngân hàng bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên giá trung bình vượt mốc 800 triệu won ở một quốc gia có thu nhập hộ gia đình trung bình hàng năm là 41,28 triệu won trong năm 2017, năm gần nhất có số liệu thống kê.
20 năm nhịn ăn, nhịn tiêu mới mua được nhà
Giá cả leo thang có nghĩa là nếu người có thu nhập trung bình tiết kiệm toàn bộ thu nhập hàng năm của mình, thì phải mất gần hai thập kỷ mới có thể mua một căn hộ trị giá 800 triệu won.
Sự lo lắng lan rộng trong giới trẻ dường như là một yếu tố dẫn đến tỷ lệ kết hôn thấp kỷ lục ở Hàn Quốc. Năm 2018, có 256.622 cặp đôi kết hôn, mức thấp nhất kể từ năm 1972, theo Viện Thống kê Hàn Quốc.
“Tôi có bạn gái và muốn kết hôn, nhưng hôn nhân vẫn là giấc mơ xa vời vì thiếu tiền”, Kim Myoung-soo, 30 tuổi, làm nghề bán dầu nhớt công nghiệp, chia sẻ.
Kim Myoung-soo nói rằng anh lo lắng về việc liệu anh có thể mua một căn hộ ở Seoul với thu nhập hàng năm ít ỏi của mình hay không. Nếu Kim kết hôn, anh ta cho biết không có kế hoạch sinh con do chi phí giáo dục cao.
Tỷ lệ kết hôn giảm kéo theo tỷ lệ sinh giảm. Số trẻ sơ sinh ở Hàn Quốc là 326.900 trẻ vào năm 2018 - giảm mạnh từ mức cao 1 triệu trẻ vào năm 1970, theo Viện Thống kê Hàn Quốc. Hồi tháng 3-2019, cơ quan thống kê của Hàn Quốc dự báo, dân số nước này có khả năng đạt 51,94 triệu vào năm 2028 trước khi giảm xuống còn 39,29 triệu vào năm 2067.
Xu hướng thích độc thân cũng đang gia tăng ở Hàn Quốc trong những năm gần đây, đây là một trong những vấn đề gây lo lắng liên quan đến thay đổi nhân khẩu học của Hàn Quốc. Một thương nhân 45 tuổi họ Lee, nói rằng ông ta không có kế hoạch kết hôn vì muốn sống thoải mái một mình. Cuộc khảo sát - do Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc công bố - cho thấy 12,2% nam giới và 20,6% phụ nữ nói rằng họ không hẹn hò vì không muốn mất tự do và sự thuận tiện khi sống một mình. Được biết, Hàn Quốc có 5,62 triệu hộ gia đình độc thân vào năm 2017, năm gần nhất có số liệu thống kê, chiếm 28,6% tổng số hộ gia đình ở Hàn Quốc.
Theo ANTĐ