Vì sao hàng vạn người kéo đến chùa Tam Chúc của đại gia Văn Trường?

Google News

(Kiến Thức) - Từ Tết đến nay, hơn 10 vạn khách đã đến chùa Tam Chúc - ngôi chùa được cho là lớn nhất thế giới - dù chưa xây dựng xong, còn ngổn ngang khắp chốn. Điều này khiến không ít người ngạc nhiên.

Trong các siêu dự án của đại gia Văn Trường – ông chủ doanh nghiệp Xuân Trường - ngoài quần thể chùa Bái Đính (Ninh Bình) lớn nhất Đông Nam Á, thời gian qua, dư luận lại xôn xao trước ngôi chùa Tam Chúc được cho là lớn nhất thế giới, xây dựng tại Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).
Đến nay, dù ngôi chùa lớn nhất thế giới tại Hà Nam này đang được xây dựng và chưa hoàn thiện nhưng vẫn là điểm đến của nhiều du khách dịp đầu xuân. Theo thống kê từ ngày mùng 1 đến mùng 7 Tết, chùa Tam Chúc đã đón trên 10 vạn lượt khách. Mỗi ngày gần đây, nhất là ngày nghỉ cuối tuần, ngôi chùa này đón hàng nghìn lượt khách tham quan, vãn cảnh, bái Phật.
Lượng du khách đến đông cũng đồng nghĩa với việc mang lại những khoản thu đầu tiên nhưng không hề nhỏ khi bất cứ du khách nào đến chùa đều phải sử dụng dịch vụ xe điện với giá vé 60.000 đồng/ khứ hồi nếu không muốn đi bộ 3km từ bãi gửi xe vào khu tâm linh. Ngoài ra, theo tìm hiểu của Kiến Thức, số tiền thu được từ công đức tại 3 điện thuộc khu tâm linh không hề nhỏ khi người công đức thấp nhất 50.000 đồng nhưng nhiều nhất lên đến 2 tỷ đồng.
Vi sao hang van nguoi keo den chua Tam Chuc cua dai gia Van Truong?
 Chùa Tam Chúc đang xây dựng dang dở vẫn thu hút hàng vạn du khách.
Chắc hiếm có ngôi chùa nào ở Việt Nam đang trong quá trình xây dựng đã thu hút hàng vạn du khách khi mở cửa đón du khách thập phương như vậy. Ngoài tư tưởng tín ngưỡng truyền thống của người dân Việt thì theo tìm hiểu của Kiến Thức, điểm nổi bật để thu hút sự tò mò của du khách, khiến họ không ngại đến tham quan, chiêm ngưỡng ngôi chùa đang xây dựng này đa số từ những “cái nhất” mà ngôi chùa đang sở hữu.
Những ngày qua, trên hàng loạt mặt báo khi đăng tải thông tin về chùa Tam Chúc đều nói đến những “cái nhất”, “cái đặc biệt” mà ngôi chùa này đang sở hữu. Theo đó, ngôi chùa này nằm ở nơi có thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ được ví như “Vịnh Hạ Long” trên cạn khi ba mặt được bao bọc bởi dãy núi Thất Tinh, dưới lòng hồ là 6 quả núi nhô lên in hình bóng nước. Ngôi chùa này được xây dựng trong Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao (tỉnh Hà Nam) - dự án "ngốn" tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, được xây dựng với tổng diện tích lên đến 5.100 ha, diện tích vùng lõi là 4.000 ha và khi hoàn thành sẽ là ngôi chùa lớn nhất thế giới.
Đáng chú ý, chùa Tam Chúc của đại gia Văn Trường đang sở hữu nhiều báu vật như toàn bộ tường của chùa Tam Chúc được ráp bằng 12.000 bức tranh đá nham thạch miêu tả các sự tích của Đức Phật. Những phiến đá nham thạch được tạc thành tượng tại Indonesia, sau đó chuyển về chùa Tam Chúc và ráp lại thành bức tường. Khuôn viên của ngôi chùa thiết lập một vườn cột kinh khổng lồ với 1.000 cột đá, mỗi cột cao 12 m, nặng 200 tấn. Đặc biệt, chùa Tam Chúc có 3 bức tượng phật tổ được đúc bằng đồng đen, mỗi bức nặng hơn 200 tấn.
Ngoài ra, tại khuôn viên điện Tam Thế trong chùa Tam Chúc đang được trồng cây bồ đề do Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka tặng. Cây bồ đề này được chiết từ "Cây Bồ Đề Vĩ Đại Cát Tường" (Jaya Sri Maha Bodhi) ở Thánh tích Mahamegha, Cố đô Anuradhapura - Sri Lanka. Cây bồ đề này có tuổi thọ 2.250 tuổi và được coi là báu vật của đất nước Sri Lanka. Năm 247 (trước công nguyên), Vua A Dục đã cho chiết một nhánh phía nam của cây bồ đề thiêng ở Bodh Gaya - Ấn Độ (nơi đức Phật thành đạo) và phái Công chúa Sanghamitta đem sang tặng cho quốc đảo Sri Lanka.
Không những thế, ngôi chùa này còn sở hữu thiên thạch mặt trăng có trọng lượng 5,5 kg được đặt tên là “The Moon Puzzle” trị giá trên 600.000 USD tương đương 14 tỷ đồng. Những thiên thạch mặt trăng này từ không gian vũ trụ rơi xuống sa mạc Sahara từ hàng nghìn năm trước, được tìm thấy vào năm 2017. Ngày 19/10/2018, tại Trung tâm đấu giá RR Auction, bang Boston (Mỹ), Doanh nghiệp Xuân Trường tại Ninh Bình đã trúng đấu giá khối đá thiên thạch này...
Bên cạnh những “cái nhất”, “báu vật đặc biệt” mà chùa Tam Chúc đang sở hữu thì những thông tin về nguồn gốc ngôi chùa cũng như mang ý nghĩa tâm linh lại khá ít ỏi, mờ nhạt. Theo một số thông tin, vào năm 2000, khi khảo sát làm thuỷ lợi lòng hồ Tam Chúc, một số công nhân xây dựng phát hiện ra rất nhiều dấu tích liên quan đến chùa Tam Chúc xưa. Từ các hiện vật khảo cổ, các nhà khoa học cho biết ban đầu có thể kết luận chùa Tam Chúc đã có niên đại trên 1.000 năm. Trải qua rất nhiều năm tháng, giờ chỉ còn lại những di tích cột gỗ, cột đá, xà đá còn vùi lấp ở nền móng cũ, trong đó có những cột gỗ có đường kính trên 1m, những xà đá, cột đá.
Vi sao hang van nguoi keo den chua Tam Chuc cua dai gia Van Truong?-Hinh-2
 Đa số du khách đến chùa để thỏa chí tò mò.
Cùng với đó, theo truyền thuyết được nhân dân kể lại, ngày xưa có 7 vì sao sáng sa xuống vùng Tam Chúc chính là 7 nàng tiên của nhà trời xuống trần thế ngao du. Khi thấy cảnh Tam Chúc “sơn thủy, hữu tình”, “tả thanh long, hữu bạch hổ” thì các nàng tiên quên đường về. Nhà trời đã 6 lần mang binh khí (chuông) xuống để gọi các nàng về nhưng lần nào cũng vô ích. Sự tích “Tiền lục nhạc - Hậu thất tinh” bắt nguồn từ đó. Tiền lục nhạc nghĩa là mặt trước có 6 quả núi giữa lòng hồ được ví là 6 quả chuông của nhà trời. Hậu thất tinh có nghĩa là phía sau có 7 ngọn núi có thể phát sáng khi có ánh trăng về ban đêm.
Trao đổi với Kiến Thức về nguồn gốc chùa Tam Chúc, ông Trần Đình Cơ – Chủ tịch UBND thị trấn Ba Sao (huyện Kim Bảng, Hà Nam) cho biết, chùa Tam Chúc hiện nay được xây dựng trên chùa Tam Chúc cổ. Tuy nhiên “Chúng tôi ít tuổi nên không biết nguồn gốc ngôi chùa này, phải hỏi các cụ cao niên và nhà chùa”.
Trong khi đó, khi nói về nguồn gốc chùa Tam Chúc, ông Lưu Trần Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng – phụ trách văn hóa, xã hội nói rằng, bên phòng văn hóa huyện sẽ nắm chắc hơn. Tuy nhiên, khi liên hệ với ông Trần Trọng Đại – Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Kim Bảng, ông Đại cho biết, Sở VH,TT&DL Hà Nam chấp thuận cho việc tổ chức lễ hội chùa Tam Chúc mà điều kiện để tổ chức lễ hội phải kèm theo nguồn gốc chứng minh. Bản thân ông Đại cũng nói rằng “không thể trao đổi qua điện thoại được”.
Đa số các du khách cho rằng, họ đến chùa Tam Chúc chủ yếu để tham quan vãn cảnh và để thỏa chí tò mò về quy mô lớn của chùa cũng như những báu vật mà hiện có tại ngôi chùa này. “Tuy nhiên, khi đến tham quan ngôi chùa, dù lớn nhưng vẫn chưa hoàn thiện, còn nhiều ngổn ngang cũng khiến bản thân tôi khá hụt hẫng”, bà Nguyễn Thị Hiền, du khách đến từ Hải Dương chia sẻ.
Điều khiến các du khách rất bất ngờ, là dù Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao được giao với tổng diện tích lên đến 5.100 ha, diện tích vùng lõi là 4.000 ha nhưng diện tích xây dựng chùa chỉ chiếm phần nhỏ. Phần diện tích còn lại, doanh nghiệp dự kiến dành để phát triển các khu chức năng như khu trung tâm đón tiếp, khu bảo tồn tự nhiên Quèn Vồng và hồ Tam Chúc, khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng Tam Chúc, khu sân golf Kim Bảng, hồ Ba Hang và trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khu du lịch tại Thị trấn Ba Sao.
Nhiều ý kiến đặt nghi vấn, việc xây dựng chùa Tam Chúc nhằm để hút khách đến các khu dịch vụ này - nơi mang lại nhiều nguồn thu cho doanh nghiệp?
Nhóm Phóng viên