Biden bất lực thuyết phục Tập Cận Bình về ADIZ

Google News

(Kiến Thức) - Đối thoại trực tiếp, thẳng thắn, Phó Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc không đạt được dấu hiệu tiến bộ nào về Khu vực Nhận dạng Phòng không gây tranh cãi của Bắc Kinh.

Truyền thông đưa tin, dù Phó Tổng thống Joe Biden đã phản ánh rõ ràng và trực tiếp mối bận tâm sâu sắc của Mỹ, cũng như nhiều chính phủ khác trong suốt cuộc thảo luận kéo dài 5 tiếng rưỡi với Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc vẫn kiên quyết giữ vững lập trường. Chủ tịch Tập tái khẳng định, động thái lập Khu vực Nhận dạng Phòng không mới trên Biển Hoa Đông (ADIZ) của Trung Quốc không nhắm vào bất cứ nước nào.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo một quan chức Mỹ giấu tên, người có trách nhiệm thông tin về cuộc đối thoại giữa 2 nhà lãnh đạo Trung-Mỹ, Phó Tổng thống Biden đã bày tỏ quan ngại, yêu sách của Bắc Kinh về ADIZ có thể làm tăng các nguy cơ va chạm, đối đầu ngoài tầm kiểm soát nguy hiểm. Đồng thời, ông Biden yêu cầu, đã đến lúc Bắc Kinh phải thực hiện các bước để giảm căng thẳng và xoa dịu các mối quan ngại về hành vi của họ.
Tuy nhiên, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố, ADIZ mới của Trung Quốc có mục đích tránh các tình huống va chạm, đối đầu, tăng cường hòa bình và ổn định khu vực. Không có bất cứ dấu hiệu tiến bộ nào để xoa dịu căng thẳng trong khu vực đang ngày càng leo thang.
Giới quan sát bình luận, dù ông Biden cố gắng bày tỏ sự không thất vọng trong bài phát biểu công khai, song chuyến thăm Trung Quốc của ông đã không đạt được những gì Washington kỳ vọng.
Chuyến thăm Bắc Kinh của Phó Tổng thống Mỹ Biden được cho là đã thất bại.
Theo giới chức cấp cao Mỹ, dù ADIZ trở thành vấn đề thảo luận chính trong các cuộc hội đàm, cả Phó Tổng thống Biden cũng như Chủ tịch Tập đều không đề cập đến mâu thuẫn (về ADIZ) khi họ xuất hiện cùng nhau trước báo giới trong vài phút sau vòng đàm phán đầu tiên.
Ông Biden chỉ nhấn mạnh về sự phức tạp của quan hệ Trung-Mỹ và tuyên bố, 2 cường quốc đang tìm kiếm và nỗ lực xây dựng quan hệ gần gũi hơn dựa trên nền tảng tin tưởng lẫn nhau.
Về phần mình, trước công chúng, Chủ tịch Tập Cận Bình đề cập đến những lợi ích của việc tăng cường và củng cố quan hệ Trung-Mỹ thân mật và gần gũi hơn trong bối cảnh “châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung đang trải qua những thay đổi sâu sắc và phức tạp”. Đằng sau cánh gà, bên trong cuộc họp kín, các quan chức Mỹ cấp cao giấu tên cho biết, Chủ tịch Tập dù chăm chú lắng nghe quan điểm của Phó Tổng thống Biden nhưng không hề suy chuyển lập trường.
Một ngày trước đó, tại Tokyo, Phó Tổng thống Biden đã tuyên bố chắc nịch với các nhà lãnh đạo của Nhật Bản - đối thủ khu vực của Trung Quốc rằng, ông sẽ mạnh mẽ đề cập đến vấn đề ADIZ trong cuộc gặp trực tiếp với Chủ tịch Tập.
Tuy nhiên, khi ông Biden đặt chân đến Bắc Kinh, tờ China Daily (Trung Quốc hàng ngày do chính phủ quản lý) đăng ngay một bài xã luận cáo buộc, Washington “nhắm mặt làm ngơ để mặc Tokyo hành động khiêu khích". Đồng thời, bài viết cũng cảnh báo, Biden đi vào ngõ cụt nếu ông đến Bắc Kinh "chỉ đơn giản để lặp lại những lời chỉ trích, kêu gọi sai lầm và một phía của Washington".
Cuối hôm qua, tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cũng lặp lại cáo buộc động thái đơn phương lập ADIZ của Trung Quốc "gây bất ổn" khu vực.
Hôm nay, sau khi hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc cũng như các lãnh đạo kinh tế, Phó Tổng thống Biden sẽ bay tới Seoul – một láng giềng khác có ADIZ chồng chéo với ADIZ mới của Bắc Kinh trên Biển Hoa Đông. Tại đây, ông sẽ hội đàm với nữ Tổng thống Hàn Quốc.
Bạch Dương (theo Straits Times, BBC)