|
Một giếng khai thác dầu ở Mỹ. |
Chính sách đối ngoại của Mỹ từ lâu vốn chịu tác động của nhu cầu năng lượng ngoại nhập kếch xù khi Washington nỗ lực liên minh chặt chẽ với các chế độ quân chủ Arab sở hữu nguồn dầu mỏ dồi dào.
Tuy nhiên, sự bùng nổ rõ rệt trong việc sản xuất khí đốt, trong đó chủ yếu thông qua quá trình khoan dầu được gọi là “fracking” - vận dụng kỹ thuật thủy lực bẻ gãy hay bơm nước áp lực cao trộn với cát và hóa chất để cắt phá đá phiến sét, qua đó giải phóng dầu và khí đốt bị kẹt lại trong lớp đất đá nằm sâu dưới lòng đất – mang lại cho Mỹ triển vọng không chỉ độc lập về năng lượng mà còn định vị, củng cố vai trò chíến lược kiểu Trung Đông khi trở thành một nhà xuất khẩu năng lượng lớn.
Báo cáo của Vụ Nghiên cứu châu Á Quốc gia có trụ sở ở Seattle dự báo, nhu cầu khí đốt nhập khẩu của châu lục này, trong đó dẫn đầu là người khổng lồ Trung Quốc, sẽ gia tăng đáng kể.
4 quốc gia phương Tây – Mỹ, Canada, Na Uy- có thể kiểm soát 40% nguồn cung cấp khí đốt của thế giới vào năm 2020, Nikos Tsafos, một chuyên gia của hãng cố vấn PFC Energ nhấn mạnh.
Chuyên gia Amy Myers Jaffe thuộc Đại học California-Davis bình luận, Mỹ sẽ có khả năng lợi dụng nguồn năng lượng dồi dào của họ để làm phương tiện thúc đẩy tầm nhìn toàn cầu của họ. Từ đó, Washington có thể theo đuổi một “chính sách đối ngoại quyết đoán hơn”. “Nhưng họ cũng phải bận tâm về những thay đổi về vị thế và vai trò năng lượng của họ sẽ ảnh hưởng đến các tính toán quân sự của Trung Quốc”.
Còn Mikkal Herberg của Đại học California-San Diego lưu ý, sự gia tăng về an ninh năng lượng của Mỹ diễn ra trong bối cảnh nước này suy giảm vì những cuộc chiến tranh tốn kém và đang phải gồng mình cắt giảm ngân sách quân sự vì khủng hoảng tài chính. Sự suy giảm vai trò của Mỹ trong khu vực "sẽ có tác động đáng kể đối với châu Á”. Lý do là vì các quốc gia châu Á vẫn phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ và khí đột tự nhiên hóa lỏng của Trung Đông. Phần lớn dầu nhập khẩu và khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Trung Đông cũng như các tuyến đường biển nối Trung Đông tới châu Á được bảo về bằng các lực lượng Mỹ trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố chính sách "xoay trục" hướng về châu Á, nhấn mạnh đây là chiến lược chìa khóa cho tương lai của Mỹ.
“Nếu bạn đang ngồi ở Washington DC, đây có vẻ là một tin tốt lành. Nhưng nếu bạn ngồi ở Bắc Kinh, bạn sẽ không thể nghĩ như vậy”, ông Nikos Tsafos nhấn mạnh trong một buổi họp báo công bố báo cáo tại thủ đô của Mỹ.
Ông Tsafos cho rằng, những nghi ngờ của Trung Quốc về các ý định của Mỹ sẽ ngày càng gia tăng. Ông lưu ý phản ứng dữ dội của Bắc Kinh khi những quan ngại về an ninh quốc gia của giới nghị sĩ Mỹ buộc nước này phải ngậm ngùi từ bỏ kế hoạch thu mua lại hãng dầu khí Mỹ Unocal năm 2005.
Nếu những quan ngại của Trung Quốc về Mỹ ngày càng tăng, Bắc Kinh sẽ “tìm cách ve vãn” người láng giềng Nga để tìm kiếm sự hợp tác về năng lượng hoặc các quốc gia xa xôi hơn như Sudan, Venezuela hay Iran.
Chuyên gia Amy Myers Jaffe thuộc Đại học California-Davis nhấn mạnh, Trung Quốc – vốn để mắt chặt chẽ đến Đài Loan và các lợi ích khác trong khu vực - có khả năng cân nhắc việc củng cố và tăng cường khả năng quân sự để bảo vệ và đảm bảo an toàn cho mang lưới khí đốt và dầu mỏ được xây dựng và hình thành ở những vùng xa xôi.
Bạch Dương (Theo CNA)