Mỹ-Iran: Nhìn lại một năm bộn bề căng thẳng!

Google News

Trước thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ quan trọng năm 2020, chắc chắn ông Trump không hề muốn kịch bản xấu nhất là xung đột nóng xảy ra với Iran.

Dư luận đặt câu hỏi, vì sao chính quyền Mỹ năm qua dường như vẫn giữ thái độ rất cứng rắn, thậm chí “ép” Tehran?
Để hiểu rõ hơn chính sách của Mỹ đối với Iran trong năm 2019, chúng ta cần ngược dòng thời gian. Ngay từ lúc còn vận động tranh cử và kể từ khi lên nắm quyền ngày 20/1/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần tuyên bố từ bỏ vai trò “cảnh sát toàn cầu”, giảm dần sự can dự của Washington vào các điểm nóng trên thế giới, đồng thời rút khỏi các cam kết và thỏa thuận song phương được cho là gây bất lợi cho Mỹ.
My-Iran: Nhin lai mot nam bon be cang thang!
Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Tổng thống Iran Rouhani. Ảnh: AP. 
Sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran với Nhóm P5+1, được biết đến dưới tên gọi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) vào tháng 5 năm ngoái, quan hệ Mỹ-Iran đã rơi vào thế đối đầu hết sức căng thẳng, có lúc “cận kề miệng hố chiến tranh” trong năm nay, nhất là sau vụ máy bay không người lái của Mỹ bị bắn hạ và các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia bị tấn công.
Mục tiêu, chính sách nhất quán của Chính quyền Donald Trump trong năm 2019 là ngăn chặn chương trình hạt nhân, tên lửa của Iran và ảnh hưởng ngày càng tăng của Tehran tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Mỹ triệt để áp dụng biện pháp “gây sức ép tối đa” với Iran thông qua đe dọa về mặt quân sự, áp đặt trừng phạt về kinh tế-thương mại và thực hiện cô lập chính trị-ngoại giao đối với Iran trên trường quốc tế.
Về mặt quân sự, sau hai vụ việc máy bay không người lái và cơ sở đầu mỏ của Saudi Arabia nêu trên, các quan chức có quan điểm cứng rắn của Mỹ, gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn An ninh Quốc gia lúc bấy giờ John Bolton, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Gina Haspel, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Lindsey Graham, Đại diện đặc biệt về Iran Brian Hook và một số tướng lĩnh quân sự đã khuyên Tổng thống Trump thực thi hành động quân sự chống Iran.
Tuy nhiên, ông Trump đã rút lại quyết định 10 phút trước khi cuộc không kích diễn ra vào lúc 19h ngày 20/5 nhằm vào hệ thống radar và dàn tên lửa của Iran, qua đó loại bỏ cuộc “xung đột nóng” được dự báo gây tổn thất lớn về sinh mạng và kinh tế cho cả hai bên.
Về mặt kinh tế - thương mại, trong năm, Chính quyền Donald Trump áp đặt hàng loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào những thực thể, cá nhân và các định chế tài chính, ngân hàng, vận tải liên quan tới ngành sản xuất dầu mỏ của Iran. Mỹ đồng thời đe dọa và áp đặt trừng phạt các nước vi phạm lệnh trừng phạt của Washington đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Tehran.
Đích đến của các biện pháp này là đưa hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran về “mức số không”, theo đó khiến Tehran lâm vào cảnh kiệt quệ về kinh tế, không có tiền đầu tư cho quân sự và hỗ trợ các phong trào vũ trang trong khu vực, gồm Hezbollah ở Lebanon, Hamas ở Palestine, Houthis ở Yemen, những nhóm bị Mỹ liệt vào tổ chức khủng bố và cáo buộc đe dọa tới các lợi ích và an ninh Washington cùng các đồng minh trong vùng, nhất là Israel và Saudi Arabia.
Về mặt chính trị - ngoại giao, ngày 8/4, Tổng thống Donald Trump liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài và là lần đầu tiên Mỹ tuyên bố lực lượng quân đội của một nước trên thế giới là "khủng bố". Bước đi đó nhằm cô lập Iran, tác động đáng kể tới binh sĩ cũng như chính sách của Mỹ tại Trung Đông.
Tháng 9 vừa qua, Mỹ lại từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho 40 thành viên phái đoàn tháp tùng Tổng thống Iran Hassan Rouhani tới New York dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 74. Washington cũng chỉ cho phép Tổng thống Rouhani, Ngoại trưởng Mohammad Zarif di chuyển giữa nơi ở tại Mahattan, tòa nhà Liên Hợp Quốc và phái bộ Iran tại Liên Hợp Quốc trong thời gian dự họp Đại hội đồng nhằm hạn chế ảnh hưởng của họ.
Theo Phạm Huân/VOV.VN