Mỹ vạch kế hoạch “chặt” tham vọng biển của Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Thời gian qua, Trung Quốc liên tục có những hành động phi pháp nhằm thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông. Trước tình hình này, Mỹ đã vạch ra kế hoạch nhằm ngăn chặn tham vọng bành trướng trên biển của Bắc Kinh.

Mỹ lên kế hoạch ngăn chặn tham vọng biển của Trung Quốc
Theo Asia Times, trong báo cáo gần đây có tựa đề "Cách tiếp cận chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc" được trình lên Quốc hội Mỹ, Nhà Trắng cho rằng: "Bắc Kinh đã mâu thuẫn với chính lời nói của mình và coi thường những cam kết với các láng giềng bằng cách thực hiện các hành động quân sự và bán quân sự khiêu khích và cưỡng ép ở Hoàng Hải, Hoa Đông, Biển Đông, eo biển Đài Loan và các khu vực biên giới Ấn Độ-Trung Quốc”.
Báo cáo cảnh báo rằng Trung Quốc đã cho thấy “khả năng và sự sẵn sàng…để thực hiện các hành vi hăm dọa và cưỡng ép trong nỗ lực nhằm loại trừ mối đe dọa đối với lợi ích của mình và thúc đẩy các mục tiêu chiến lược của nước này trên toàn cầu”.
Miêu tả Trung Quốc như một cường quốc bành trướng, báo cáo của Nhà Trắng lập luận rằng hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và các vùng biển tranh chấp khác đã "đi ngược với tuyên bố của các lãnh đạo Trung Quốc rằng phản đối sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước khác hay cam kết giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình".
Trong chiến lược ngăn chặn lớn hơn, Mỹ đang tìm kiếm sự ủng hộ của các nước trong khu vực, trong đó có Ấn Độ, nhằm "chặn đứng" các tham vọng biển của Trung Quốc ở Biển Đông và hơn thế nữa.
My vach ke hoach “chat” tham vong bien cua Trung Quoc
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề tại Hội nghị G20 ở Nhật Bản hồi tháng 6/2019. Ảnh: AT.  
Trong một cuộc trò chuyện công khai gần đây tại Washington, Alice Wells, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Trung và Nam Á, đã kêu gọi các đối tác trong khu vực chống lại “sự gây hấn liên tục, nỗ lực liên tục của Trung Quốc nhằm thay đổi các quy định và hiện trạng”.
“Điều đó cần phải bị chặn đứng, dù là ở Biển Đông, nơi chúng tôi đã có hoạt động chung cùng Ấn Độ hay ở sân sau của Ấn Độ, cả trên đất liền cũng như Ấn Độ Dương”, Phó trợ lý Alice Wells nói, đồng thời hối thúc sự hợp tác quân sự và chiến lược mạnh mẽ hơn giữa Mỹ và Ấn Độ.
“Bất kỳ ai ảo tưởng rằng sự gây hấn của Trung Quốc chỉ là lời nói xuông thì tôi nghĩ họ cần trò chuyện với Ấn Độ, nơi hàng tuần, hàng tháng, nhưng chắc chắn là rất thường xuyên, phải chứng kiến các hành động gây hấn của Quân đội Trung Quốc”, vị quan chức Mỹ nói thêm.
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Nhà Trắng đã nhấn mạnh mối liên kết ngày càng tăng giữa chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Trump và chính sách an ninh-phát triển của Ấn Độ, tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở cửa của Nhật Bản, chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc và chính sách hướng Nam mới của Đài Loan.
Mối lo ngại về một Trung Quốc ngày càng bành trướng và hung hăng đang thúc đẩy các sáng kiến chính sách ngoại giao liên kết mới giữa Mỹ và các đối tác lớn của Mỹ trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Họ cũng đi theo hướng rằng Mỹ đang xây dựng một chiến lược ngăn chặn kiểu Chiến tranh Lạnh để đối phó Trung Quốc, dù điều này có làm gia tăng nguy cơ leo thang quân sự.
“Được dẫn dắt bởi sự trở lại của 'chủ nghĩa hiện thực có nguyên tắc', Mỹ đang đối phó với thách thức trực tiếp từ Trung Quốc bằng cách thừa nhận rằng chúng ta đang ở trong một cuộc cạnh tranh chiến lược và cần bảo vệ các lợi ích của chúng ta một cách phù hợp”, báo cáo của Nhà Trắng nhấn mạnh.

Mời độc giả xem thêm video: Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam (Nguồn video: VTC10)

Mac Thornberry, một thành viên của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, đã ca ngợi báo cáo của Nhà Trắng. Ông cho rằng báo cáo này sẽ đưa ra cái nhìn tổng quan về cách thức cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc và ngăn chặn hành động bành trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và trên khắp thế giới.
"Chiến lược này cũng củng cố sự cần thiết phải đầu tư vào các khía cạnh quân sự của chiến lược đó, cũng như đẩy mạnh sự hợp tác với các đồng minh và đối tác”, Mac Thornberry bình luận.
Mưu mô sâu hiểm chiếm Biển Đông của Trung Quốc
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, trong lúc Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới phải căng mình đối phó, Trung Quốc lại liên tiếp thực hiện hàng loạt hành động phi pháp tại biển Đông.
Hồi tháng 3/2020, Trung Quốc đã công bố một loạt các hoạt động phi pháp trên biển Đông như lắp đặt các "trạm nghiên cứu” tại đá Chữ Thập và đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đầu tháng 4, Trung Quốc đưa tàu hải cảnh, tàu dân quân biển là lực lượng vũ trang trá hình hoạt động xua đuổi các ngư dân Việt Nam đánh cá trong đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thậm chí còn đâm chìm tàu cá và bắt giữ ngư dân Việt Nam.
Đến ngày 18/4, bất chấp luật pháp quốc tế, Trung Quốc ngang ngược thông báo thành lập cái gọi là “huyện Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “huyện Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa” để thâu tóm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
My vach ke hoach “chat” tham vong bien cua Trung Quoc-Hinh-2
 Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters.
Không chỉ vậy, ngày 19/4, Trung Quốc tiếp tục công bố cái gọi là "danh xưng tiêu chuẩn" cho 80 thực thể ở Biển Đông, bao gồm 25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý dưới đáy biển.
Cũng trong tháng 4/2020, Trung Quốc điều đội tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 vào biển Đông cũng như ngang ngược ngăn cản các quốc gia khác thăm dò dầu khí ngoài khơi.
Gần đây, Trung Quốc ngang ngược áp đặt nội luật của nước này vào khu vực Biển Đông, coi Biển Đông thành khu vực của mình. Cụ thể là việc ban hành thông báo cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1/5-16/8/2020, bao gồm một phần vịnh Bắc Bộ, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và bãi cạn Scarborough, đồng thời triển khai biện pháp thực thi thông báo này.
Có thể thấy rõ, tham vọng của Trung Quốc là từng bước độc chiếm toàn bộ biển Đông một cách phi pháp. Trước đó, Trung Quốc đã công bố yêu sách "đường chín đoạn" phi pháp, tiến hành bồi đắp và tôn tạo trái phép các thực thể ở Biển Đông. Nước này cũng công khai chối bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 vốn khẳng định rằng Trung Quốc không có quyền lịch sử ở biển Đông và yêu sách "đường chín đoạn" không có cơ sở pháp lý.
Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế... nên "xử" thế nào?
Rõ ràng, các hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông đã phớt lờ yêu sách của các bên liên quan trong khu vực, vi phạm các quy tắc của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), đi ngược lại chuẩn mực và luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận.
"Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", bà Hằng nói.
Việt Nam nhiều lần yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có các hành động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định ở biển Đông và khu vực cũng như nỗ lực của các nước trong tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Tuy nhiên, việc kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và chấm dứt các hành vi xâm phạm chủ quyền của các quốc gia trong khu vực là chưa đủ.
Trao đổi với PV Kiến Thức trước đó, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an cho rằng, để Trung Quốc hết ngang ngược, Nhà nước cần công khai việc này ra cho 100 triệu người dân Việt Nam biết; đồng thời tuyên bố chủ quyền, vận động các nước trên thế giới và tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc và ASEAN để đấu tranh, phản bác hành động sai trái, bất chấp luật pháp của Trung Quốc cũng như vạch mặt Trung Quốc ra dư luận quốc tế.
Ngoài ra, sự phối hợp, thống nhất giữa các nước cũng rất cần thiết để có thể góp phần ngăn chặn hành động bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông.
Thiên An (T.H)