Người dân nổi giận vì nạn tham nhũng
Đất nước được Pelé gọi là quê hương của lễ hội Carnival và của “môn thể thao đẹp” cuối cùng cũng đã đủ ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội để đăng cai World Cup lần đầu tiên kể từ năm 1950. Brazil là quốc gia duy nhất trên thế giới giành chức vô địch World Cup trong 5 lần.
Sau nửa thế kỷ với nền bóng đá phát triển vượt trội so với nền kinh tế, cuối cùng quốc gia lớn nhất vùng Mỹ Latinh này cũng đã có đủ sức mạnh ở cả hai lĩnh vực.
Nhưng chưa đầy một tuần trước khi
World Cup khai mạc vào ngày 12/6, Brazil không có bầu không khí của lễ hội. Trong thập kỷ qua, bùng nổ kinh tế đã giúp 40 triệu người dân Brazil thoát khỏi đói nghèo trong thập kỷ qua và giúp nước này có điều kiện đăng cai giải bóng đá lớn nhất thế giới này. Tuy nhiên, “vầng hào quang” của bùng nổ kinh tế ở Brazil đang phai nhạt.
|
Người Brazil biểu tình tại Sao Paulo trước thềm World Cup. |
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nạn tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng ở các khu đô thị và tội phạm gia tăng, trong năm qua người dân Brazil liên tục biểu tình phản đối nước này chi 11 tỷ USD cho World Cup. Người biểu tình cũng cáo buộc nạn tham nhũng đã đẩy chi phí xây dựng các sân vận động và các cơ sở hạ tầng phục vụ cho giải đấu này. Một số cơ sở đến thời điểm này vẫn chưa được bàn giao.
Xen giữa các chương trình thể thao về quá trình chuẩn bị cho World Cup là các bản tin về việc quân đội và cảnh sát được điều động tới 12 thành phố để đảm bảo các cuộc đình công, biểu tình và nạn tội phạm không làm gián đoạn giải đấu.
Hơn hết, các đường phố, quảng trường và các quán cà phê ở Brazil không có bầu không khí nhiệt tình cho một “lễ hội” bóng đá toàn cầu. Nhiều khu công cộng vẫn đang im ắng ngay cả khi Brazil sắp là chủ nhà của sự kiện mà nước này mong chờ từ lâu.
“Người dân cảm thấy phẫn nộ”, Mariana Faria, chủ một cửa hàng ở thành phố Rio de Janeiro, cho biết. Doanh số bán hàng ở thành phố này thấp hơn ở Nam Phi, nơi tổ chức World Cup cách đây 4 năm.
“Không ai muốn chi tiền vào thứ gì gắn với sự lãng phí và tham nhũng”, chị nói.
Không khí ảm đạm ở Brazil đối lập hẳn với những gì người hâm mộ bóng đá toàn cầu kì vọng về một tháng lễ hội thể thao tưng bừng. Và có thể, người dân Brazil sẽ ngẩng cao đầu kiêu hãnh nếu đội bóng của họ tiếp tục tỏa sáng.
World Cup 2014 là giải đấu đầu tiên mà tất cả các đội bóng cựu vô địch đều được quyền tham dự. Gần như tất cả các ngôi sao lớn của bóng đá thế giới hiện nay cũng sẽ có mặt – từ Neymar - niềm hi vọng của Brazil, Lionel Messi – người được mệnh danh là cầu thủ giỏi nhất thế giới hiện nay cho tới Cristiano Ronaldo- cầu thủ Bồ Đào Nha nổi danh không thua kém Messi.
Bầu không khí căng thẳng ở Brazil bây giờ cũng khác xa sự tưởng tượng của mọi người khi nước này vận động để giành quyền đăng cai vào năm 2007. Khi đó, các nhà vận động Brazil đã vẽ lên hình ảnh về một đất nước đang “hồi sinh” và một đội tuyển quốc gia sẵn sàng “trả mối thù lịch sử” - thất bại “đau đớn” của Brazil trước Uruguay tại World Cup 1950 diễn ra ngay trên đất Brazil.
Đi chân đất, cưỡi lừa đến xem bóng đá
Cựu Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, người đã dùng uy tín cá nhân giúp Brazil giành quyền đăng cai World Cup 2014, cho hay ông và nhiều nhà lãnh đạo khác rất bất ngờ khi sự kiện này bị phản đối nhiều như vậy.
Bác bỏ những nghi vấn về tình trạng quá tải của tàu điện ngầm tới các sân vận động cũng như các công trình cơ sở hạ tầng khác không được hoàn thiện như hứa hẹn ban đầu, ông Lula cho rằng người dân Brazil có thể xoay xở được.
“Chúng ta chưa bao giờ gặp rắc rối về vấn đề đi lại cả”, ông Lula nói và đề xuất các cổ động viên tới sân vận động bằng cách “đi bộ, đi chân đất, đi xe đạp, cưỡi lừa”.
|
Bức hình vẽ trên tường với ý nghĩa "Fifa cút về nhà" nhằm phản đối World Cup ở Brazil. |
Trong khi đó, đương kim Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã đề nghị người dân nước này gạt bỏ sự giận dữ sang một bên và tạo bầu không khí hòa bình chào đón hơn 800.000 du khách nước ngoài dự kiến sẽ tới nước này theo dõi giải bóng.
Trong đình công diễn ra ở một số thành phố tổ chức thi đấu, bà Rousseff điều động 57.000 binh sĩ hỗ trợ lực lượng cảnh sát bảo vệ an ninh quanh các sân vận động và hộ tống xe chở các đội bóng.
“Đất nước chúng ta sẽ chào đón các du khách không phải bằng bạo lực mà bằng sự yêu mến”, bà phát biểu tại sân bay quốc tế Rio tuần trước. Trong lúc bà phát biểu, các hoạt động sửa chữa sân bay vẫn diễn ra bình thường.
Bà
Rousseff vẫn mong muốn được tái cử vào tháng Mười tới. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy bà có thể sẽ bị các đối thủ công kích dựa vào sự bất mãn của người dân về nền kinh tế và World Cup.
Một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Pew ở Washington (Mỹ) vừa qua cho thấy 72% người Brazil tỏ ra bất mãn, trong khi cách đây một năm tỉ lệ này là 55%. Cũng theo cuộc điều tra, 61% người dân được hỏi phản đối Brazil đăng cai World Cup.
Những lời hứa hẹn bị phá vỡ
Đối với nhiều người, sự kiện bóng đá này là minh chứng cho thấy sự khác biệt lớn giữa những gì giới lãnh đạo Brazil hứa hẹn và những gì họ thực sự làm được. Những lời hứa về việc xây dựng trường học và bệnh viện tốt hay tài nguyên dầu mỏ lúc Brazil giành quyền đăng cai đã không thành hiện thực cho chi phí thực hiện cao và tình trạng quan liêu.
|
Khung cảnh nghèo khổ tại các khu ổ chuột ở Brazil là sự tương phản mạnh mẽ với số tiền nước này bỏ ra chuẩn bị World Cup. |
Công tác chuẩn bị cho World Cup diễn ra quá chậm chạp, thậm chí các ghế ngồi ở sân vận động diễn ra lễ khai mạc vẫn đang được lắp đặt. Hồi đầu năm 2012, Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) cho rằng Brazil cần bị “đá vào mông”.
Tất nhiên, sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới nào cũng bị chỉ trích hay gặp nhiều trục trặc trước khi diễn ra. Thông thường, các nhà tổ chức có thể bắt đầu “thở phào nhẹ nhõm” khi lễ khai mạc kết thúc và các trận thi đấu bắt đầu.
Vì thế, một số nhà lãnh đạo Brazil đang tìm cách để khuấy động tinh thần người dân nước này trước khi World Cup diễn ra.
Tùng Lâm