Tại sao người Việt muốn “đi lậu” vào Anh, trót lọt... tốn bao nhiêu ngàn USD?

Google News

(Kiến Thức) - Dù danh tính các nạn nhân vụ 39 người chết trong container ở Anh chưa được xác minh nhưng thảm kịch này có lẽ đã khiến không ít người đặt câu vì sao lại có nhiều người, trong đó có cả lao động người Việt, muốn "đi lậu" vào Anh đến như vậy?

Tại sao người Việt muốn "đi lậu" vào Anh?
Hôm 23/10, thế giới bàng hoàng khi chứng kiến thảm kịch 39 người chết trong container ở Essex, Anh, mà trong đó nghi có nạn nhân đến từ Việt Nam và Trung Quốc. Theo South China Morning Post (SCMP), vụ việc đã cho thấy ngày càng nhiều người đến từ hai quốc gia Châu Á này trở thành nạn nhân trong các vụ buôn bán người.
Được biết, số người Việt trong các vụ việc nô lệ hiện đại được chuyển tới Cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia Anh trong năm 2018 nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác, ngoại trừ Anh và Albania, với 702 trường hợp. Trong khi đó, số nạn nhân Trung Quốc cũng tăng 50%, với 451 người Trung Quốc được đưa tới cơ quan này trong năm 2018, trong đó có 17 trẻ em, cao hơn con số 293 người vào năm 2017. Trung Quốc trở thành nước đứng thứ 4 về số lượng nạn nhân bị bắt làm nô lệ thời hiện đại.
Tuy nhiên, con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi đó là những trường hợp mà giới chức Anh đã giải quyết. Hàng nghìn người vẫn đang ẩn nấp trong "bóng tối" của các trang trại trồng cần sa bất hợp pháp, tiệm làm nail (móng) hay nhà thổ và bị bóc lột sức lao động.
Tai sao nguoi Viet muon “di lau” vao Anh, trot lot... ton bao nhieu ngan USD?
 Vụ 39 thi thể trong container ở Anh đang thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Ảnh: Reuters.
Việc người nước ngoài nhập cư vào Anh thông qua con đường bất hợp pháp không phải là chuyện hiếm thấy. Số lượng người nhập cư trái phép từ châu Á vào Anh là không nhỏ, trong đó có cả những lao động người Việt, song điều này có lẽ khiến nhiều người đặt câu vì sao lại có không ít người, trong đó có cả lao động người Việt, muốn "đi lậu" vào Anh đến như vậy?
Đó cũng là câu hỏi mà Duc Tuan, điều phối viên tại câu lạc bộ Vietnamese Luncheon ở London, luôn thắc mắc và muốn biết câu trả lời.
"Họ (các nạn nhân buôn người) không muốn nói chuyện với chúng tôi. Họ không bao giờ tìm đến chúng tôi để nhờ giúp đỡ. Tại sao mọi người chọn đi Anh? Lúc nào bản thân tôi cũng tự hỏi câu đó", Duc Tuan nói.
Một trong những lý do có thể là vì nền kinh tế tự do của Anh, giúp tạo điều kiện cho việc thuê đất hay khởi nghiệp kinh doanh khá dễ dàng, cùng với những chính sách hạn chế tương đối về ma túy so với các nước khác thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Ngoài ra, theo BBC, nhu cầu về lao động trình độ thấp tại Anh khá cao như trong các nhà hàng Việt Nam, tiệm làm móng và ngành công nghiệp cần sa bất hợp pháp. Chính vì vậy, nhiều lao động Việt nghĩ rằng, nếu đến Anh, họ sẽ có khả năng tìm được việc và kiếm tiền để gửi về cho gia đình ở Việt Nam.
Tai sao nguoi Viet muon “di lau” vao Anh, trot lot... ton bao nhieu ngan USD?-Hinh-2
Nhiều lao động nhập cư bị bọn buôn người biến thành tù nhân trong các khu nhà được sử dụng để trồng cần sa bất hợp pháp ở Anh. Ảnh: EPA.
Trên thực tế, trong nhiều năm qua, các tổ chức từ thiện đã cảnh báo thực trạng người Việt bị bọn buôn người biến thành tù nhân trong các khu nhà được sử dụng để trồng cần sa bất hợp pháp ở Anh.
Những phụ nữ làm việc trong các tiệm làm móng có thể kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng họ vẫn bị bóc lột sức lao động bởi những kẻ tổ chức để họ đi lậu sang Anh. Theo BBC, không ít nhân viên làm móng là trẻ vị thành niên, phải làm việc 6 ngày một tuần và ít nhất 8 giờ mỗi ngày. Họ thường ở chen chúc với nhau tại một nơi do chủ sắp xếp.
"Một nạn nhân bị ép phải làm việc đủ 7 ngày từ sáng tới 18h hoặc 19h tối với mức lương chỉ 30 bảng (gần 40 USD) mỗi tuần", cảnh sát cho biết.
Họ biết tình thế của mình là phi pháp nên không dám hoặc không thể đi trình báo nhà chức trách.
Đầu tháng này, cảnh sát ở Rochdale, phía bắc nước Anh đã giải cứu được 3 thiếu niên người Việt trong độ tuổi từ 15-17 đang phải chăm sóc cây cần sa trong điều kiện sống tồi tệ. Cảnh sát tin rằng, họ bị cấm rời khỏi ngôi nhà trồng cần sa này. Tuy nhiên, những kẻ chủ mưu vẫn chưa bị bắt giữ.
Hành trình dài mạo hiểm, tốn cả chục nghìn USD
Tổ chức cho người "đi lậu" sang Anh, buôn bán ma túy và mại dâm bấp hợp pháp là những lĩnh vực làm ăn trị giá nhiều tỉ USD tại Anh. Theo báo cáo được một tổ chức từ thiện chống nô lệ công bố năm nay, hành trình từ Việt Nam đến Châu Âu mất khoảng từ 10.000 USD đến 40.000 USD.
Gia đình Anna Bui Thi Nhung, 19 tuổi, đến từ huyện Yên Thành, Nghệ An, tin rằng cô nằm trong số 39 người chết trong thùng container ở Anh hôm 23/10. Theo Daily Mail, cô đã phải đưa cho bọn môi giới 10.000 USD với hy vọng được làm việc trong các tiệm nail tại Anh.
Những băng nhóm buôn người có thể cho nạn nhân vay chi phí sang Anh rồi dùng chính món nợ khổng lồ này để gây áp lực với nạn nhân, bắt nạn nhân làm việc không công để trả nợ để trả nợ cho chúng.
"Chúng tôi chưa thấy đủ số trường hợp những kẻ buôn người bị kết tội vì hành vi bóc lột trong các nhà thổ, tiệm nail, nhà trồng cần sa, nhưng phần lớn những nạn nhân mà tôi đại diện đã phải trải qua khoảng thời gian đáng kể tại các trại giam sau tất cả những gì mà họ phải chịu đựng trong tay những kẻ buôn người. Họ đã bị coi là phạm pháp vì là những nạn nhân", Shalini Patel, một luật sư đến từ Duncan Lewis Public Law đại diện cho các nạn nhân buôn người, nói.
Tai sao nguoi Viet muon “di lau” vao Anh, trot lot... ton bao nhieu ngan USD?-Hinh-3
Người dân ở Anh thắp nến cầu nguyện cho 39 nạn nhân. Ảnh: EPA. 
Luật sư Patel đã đại diện cho một số phụ nữ Trung Quốc bị đưa đến Anh để làm việc trong các tiệm massage và nhà thổ. Phụ nữ Trung Quốc. Theo thống kê của Bộ Nội vụ Anh, phụ nữ Trung Quốc chiếm đông nhất tại trại giam giữ phụ nữ di cư, với 420 người bị giam năm 2018.
Hầu hết họ đều được đưa tới Trung tâm giam giữ người di cư Yarls Wood ở Bedfordshire do công ty dịch vụ đa quốc gia Serco điều hành.
"Tất cả khách hàng Trung Quốc của tôi đã đi máy bay tới Anh sau khi những kẻ cho vay nặng lãi lấy visa và hộ chiếu giả cho họ. Chi phí cho hành trình này được cộng thêm vào khoản nợ khổng lồ trước đó, và dự kiến họ sẽ phải trả lại thông qua các dịch vụ họ bị ép buộc làm khi đến và trên hành trình đến Anh", luật sư Patel cho hay.

Mời độc giả xem video về vụ 39 thi thể người nhập cư được tìm thấy trong container của xe tải ở Anh (Nguồn: Vietnam Plus)

Cũng theo luật sư Patel, một phần nguyên nhân của thực trạng này là việc thiếu những tuyến đường an toàn và hợp pháp cho người di cư. "Trách nhiệm của đất nước chúng ta là phải đảm bảo cho những hành trình này an toàn, và mọi người không bị bóc lột khi đến Anh trong những hoàn cảnh khủng khiếp như vậy mà kết thúc là cái chết", luật sư Patel nói tiếp.
Còn theo Duc Tuan, chính quyền (Anh) có thể làm ngay những việc nhỏ hơn để hỗ trợ những người dân di cư: "Tại sao chính phủ không thiết lập một đường dây nóng chuyên trợ giúp. Chi phí làm đơn xin tị nạn khoảng 2.000 bảng Anh. Bộ Nội vụ có khả năng tài chính. Tại sao họ không làm một bộ phim để nói cho những người dân ở Việt Nam biết thực tế là như thế nào để họ không tới (Anh) nữa".
Thiên An