Thị trưởng Seoul Park Won-soon, quan chức quyền lực thứ 2 ở Hàn Quốc, đồng thời là một ứng viên Tổng thống tiềm năng, được phát hiện đã tử vong chỉ vài ngày sau khi một thư ký ở văn phòng của ông tố với cảnh sát rằng cô từng bị ông Park quấy rối tình dục từ năm 2017, giới chức ngày 10/7 cho biết.
Một nhân viên cảnh sát Seoul sáng 10/7 xác nhận thi thể thị trưởng Park Won-soon đã được phát hiện tại một ngọn đồi phía bắc Seoul, vài giờ sau khi con gái ông thông báo về việc ông mất tích.
|
Thị trưởng Seoul Park Won-soon. Ảnh: TASS |
Ông Park, 64 tuổi, đã hủy các cuộc hẹn theo lịch trình trước đó, đồng thời gọi điện tới Tòa thị chính báo ốm hôm 9/7, một ngày sau khi thư ký nộp đơn khiếu nại. Con gái ông nói với cảnh sát rằng, ông đã rời nhà sau khi để lại một thông điệp khó hiểu “giống như di chúc”, theo Yonhap. Chi tiết này ngay lập tức củng cố thêm nghi vấn ông Park tự sát.
Thi thể Thị trưởng Park được phát hiện sau khi gần 600 nhân viên cảnh sát, nhân viên y tế khẩn cấp cùng sự hỗ trợ của chó nghiệp vụ, đã tìm kiếm khắp các ngọn đồi ở miền bắc Seoul, nơi cuối cùng phát hiện tín hiệu điện thoại di động của ông.
Ông Park rời nhà bằng taxi sáng 9/7 và tới một công viên vài phút sau đó, theo Choi Ik-su, một thám tử cấp cao tại Cơ quan cảnh sát Đô thị Seoul. Thi thể của ông Park được phát hiện ở một ngọn đồi đằng sau công viên.
Cảnh sát không tìm thấy thư tuyệt mệnh ở hiện trường và cũng không có dấu hiệu cho thấy ông Park bị người khác sát hại.
“Cú ngã” của một ngôi sao chính trị tiềm năng?
Thông tin về cái chết của Thị trưởng Park và các mối liên quan tiềm tàng với hành vi quấy rối tình dục đã gây chấn động Hàn Quốc, không chỉ vì ông Park là một “ngôi sao chính trị” mà còn vì lâu nay ông vẫn đánh giá cao vì bảo vệ nữ quyền.
Các quan điểm của ông là đáng chú ý ở một đất nước mà lâu nay các nhà phân tích cho là nam giới luôn chiếm phần lớn trong số các vị trí bậc cao trong xã hội, phụ nữ dễ bị lạm dụng và thường phải im lặng khi trở thành nạn nhân của các vụ quấy rối tình dục.
|
Thi thể Thị trưởng Park Won-soon được phát hiện ở phía Bắc Seoul. Ảnh: AFP/Getty |
Ông Park, giữ chức thị trưởng Seoul nhiệm kỳ thứ 3, thường được nhắc tới như người kế nhiệm tiềm năng của Tổng thống Moon Jae-in vào năm 2020.
Trước khi trở thành thị trưởng, ông Park là một luật sư nổi tiếng về nhân quyền. Ông cũng là người đã sáng lập nhóm quyền công dân có ảnh hưởng nhất ở Hàn Quốc.
Là một luật sư, ông Park từng giúp thân chủ thắng trong một số vụ kiện bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trong đó có cả vụ quấy rối tình dục đầu tiên của Hàn Quốc. Ông cũng đấu tranh mạnh mẽ cho quyền của những “phụ nữ mua vui”, các nô lệ tình dục bị buộc phục vụ Quân đội Nhật trong Thế chiến 2.
Trong thời kỳ chính quyền quân sự những năm 1980, ông Park từng đã giúp thắng kiện vụ kết tội nhân viên cảnh sát quấy rối nhà hoạt động sinh viên trong một cuộc thẩm vấn.
Liên tiếp bê bối của các chính trị gia sáng giá ở Hàn Quốc
Những năm gần đây, phong trào #MeToo đã lan truyền rộng rãi ở Hàn Quốc, dẫn tới một loạt các vụ kiện về quấy rối tình dục. Nhiều phụ nữ đã đứng ra cáo buộc lạm dụng tình dục đối với một loạt nhân vật nổi bật, trong đó có cả giám đốc nhà hát, chính trị gia, giáo sư, lãnh đạo tôn giáo và thậm chí là cựu huấn luyện viên đội trượt ván quốc gia. Rất nhiều trong số những người bị cáo buộc đã phải lên tiếng xin lỗi và phải từ chức.
Hồi tháng 4, Oh Keo-don, thị trưởng Busan, thành phố lớn thứ 2 của Hàn Quốc, thừa nhận đã hành xử không đúng đắn và từ chức sau khi một công chức cáo buộc bị ông tấn công tình dục ở văn phòng.
Năm 2018, Ahn Hee-jung, một nhân vật nổi bật trong đảng Dân chủ cầm quyền của Tổng thống Moon-Jae-in, và cũng là một nhân vật tiềm năng tranh cử tổng thống, đã phải từ chức thống đốc tỉnh Nam Chungcheong sau khi bị thư ký cáo buộc tấn công tình dục. Ông bị kết án 3 năm 6 tháng tù vì các cáo buộc hiếp dâm.
Tổng thống Moon Jae-in ủng hộ phong trào #MeToo, nhưng các cáo buộc nhằm vào các đồng minh nổi bật cũng gây ảnh hưởng tới danh tiếng của đảng cầm quyền.
Ông Park Won-soon, Ahn Hee-jung và Oh Keo-don đều được xem là các thành viên nổi bật trong đảng Dân chủ của tổng thống. Thị trưởng Seoul Park Won-soon và thống đốc Ahn Hee-jung đã xây dựng được sự nghiệp thành công trong vai trò là những nhà hoạt động đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền dưới thời kỳ chế độ quân sự trước đây.
|
Ông Park Won-soon (giữa, năm 2019) được nhắc đến như một ứng viên tiềm năng thay thế tổng thống Moon Jae-in và năm 2022. Ảnh: AFP/Getty.
|
Đáng chú ý, thị trưởng Seoul Park Won-soon còn là người sáng lập nhóm Nhân dân đoàn kết vì dân chủ, một phong trào chống các mối quan hệ tham nhũng giữa chính giới và các doanh nghiệp lớn ở Hàn Quốc. Ông cũng nổi tiếng là nhà phê bình không ngừng nghỉ đối với tình trạng bất bình đẳng.
Ông Park là một trong những nhà lãnh đạo tích cực nhất ở Hàn Quốc trong việc chống dịch Covid-19 khi áp dụng một loạt biện pháp bao gồm cả đóng cửa các hộp đêm. Seoul chỉ ghi nhận 1.390 ca Covid-19.
Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các nước thành viên của tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế (OECD). Dù vậy, nước này cũng hiếm khi xảy ra các vụ chính trị gia tự tử vì các bê bối công khai.
Tuy nhiên, cựu Tổng thống Roh Moo-hyun đã tự sát giữa những cáo buộc tham nhũng nhằm vào gia đình ông năm 2009. Một chính trị gia tự do nổi tiếng khác là Roh Hoe-chan cũng tự tử năm 2018 khi đối mặt với cáo buộc tham nhũng.
Theo Hoàng Phạm/VOV.VN