Vì sao Trung Quốc vượt qua vạch đỏ bồi đắp và xây dựng trái phép 7 đảo nhân tạo ở Biển Đông, đối đầu với Mỹ và khiến cho các nước láng giềng lo ngại?
Trung Quốc: Cường quốc kiểu gì?
Học giả Zhang Jie, phụ trách Chương trình An ninh Châu Á -Thái Bình Dương của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc thừa nhận: "Từ lâu, Trung Quốc đã muốn làm điều này. Bây giờ, Trung Quốc có trong tay tàu nạo vét (hút bùn), tiền bạc và nguồn nhân lực. Vì vậy, Trung Quốc làm được việc đó”.
Nhưng những phương pháp mà Bắc Kinh đang sử dụng để biến những bãi đá ngầm và rạn san hô thành các căn cứ quân sự...đang gây ra tâm trạng bất an trong khu vực.
|
Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan nước sâu 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
|
Cộng đồng thế giới tự hỏi Trung Quốc đang trở thành cường quốc kiểu gì vậy và liệu Bắc Kinh có vượt quá “vạch đỏ” ở Biển Đông?
Xem ra, Trung Quốc đã thay đổi chính sách "trỗi dậy hòa bình" và thể hiện một gương mặt khác, đầy hăm dọa ở Thái Bình Dương. Điều này đã thúc đẩy một số quốc gia ven Thái Bình Dương hướng tới liên minh với Mỹ.
Các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm dấy lên nghi ngờ về ý định thực sự của Bắc Kinh. Trung Quốc cho biết nước này sẽ tạm dừng công việc bồi đắp đảo mới, nhưng không hề cam kết về việc không tiếp tục xây dựng và không “quân sự hóa” 7 hòn đảo đã được bồi đắp này.
Học giả Zhu Feng, một chuyên gia về vấn đề Châu Á tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, nói: "Đây là một tín hiệu hòa giải mà không có bất kỳ sự thay đổi chính sách thực chất nào”.
Ông Avery Goldstein, một chuyên gia về Trung Quốc của Đại học Pennsylvania, nhận định rằng Trung Quốc chỉ tạm dừng công việc đắp đảo một thời gian để đánh giá tổn thất về ngoại giao và để quyết định sẽ tiếp tục như thế nào.
Trung Quốc có khả năng coi dự án đắp đảo nhân tạo là một thành công, khi đã tăng cường được vị thế tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng ở Đông Nam Á và kiểm soát tuyến đường thủy quan trọng có giá trị thương mại 5.000 tỷ USD mỗi năm trên Biển Đông.
Trung Quốc đã làm gì ở Biển Đông?
Trong chiến dịch trái phép kéo dài hơn một năm, Trung Quốc sử dụng tàu hút bùn biến 7 bãi đá ngầm và rạn san hô ở quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo. Một số “đảo nhân tạo” đủ lớn để triển khai các đơn vị đồn trú, máy bay chiến đấu và tàu hải quân lớn.
|
Trung Quốc hút cát đắp bãi đá ngầm Đá Chữ Thập thành "đảo nhân tạo" và xây dựngđường băng sân bay dài 3.000 mét trên đó, đủ để cho hầu hết các loại máy bay quân sự cất, hạ cánh.
|
Hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều tháp trộn xi măng và các tòa nhà cao tầng đang được xây dựng trên “đảo nhân tạo”. Các doanh nghiệp nhà nước đang đua nhau biến những đảo nhân tạo này thành nơi sinh sống của công dân Trung Quốc.
Bắc Kinh khẳng định rằng các “đảo nhân tạo” này sẽ được sử dụng chủ yếu cho mục đích dân sự: Hỗ trợ các đội tàu đánh cá Trung Quốc, thực hiện nghiên cứu khí tượng… và tăng cường các đội tìm kiếm và cứu hộ.
Nhưng không chỉ có thế, khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói các tiền đồn nói trên cũng sẽ giúp nước này "bảo vệ tốt hơn chủ quyền lãnh thổ quốc gia" và phục vụ mục đích "phòng thủ quân sự".
Trung Quốc muốn gì?
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với 90% diện tích Biển Đông. Trung Quốc đã dựa vào bản đồ “đường 9 đoạn” để tuyên bố chủ quyền ở những vùng biển cách Trung Quốc gần 1.000 hải lý nhưng sát bờ biển của các quốc gia như Philippines, Malaysia và Việt Nam.
Yêu sách của Trung Quốc trái với luật pháp quốc tế hiện hành như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Ngay cả các chuyên gia pháp lý hàng hải của Trung Quốc cũng thừa nhận điều này, nhưng Bắc Kinh lập luận rằng UNCLOS không phải là luật duy nhất nên áp dụng.
Theo lập luận của phía Trung Quốc, còn phải dựa vào "quyền lịch sử" và Trung Quốc được hưởng các quyền đó vì ngư dân nước này đã thả lưới buông câu ở những vùng biển xa trong nhiều thế kỷ. Cái gọi là “quyền lịch sử” mang lại cho Trung Quốc "chủ quyền không thể tranh cãi" đối với các vùng đất và vùng nước bên trong “đường 9 đoạn”. Bắc Kinh đã khẳng định như vậy trong một văn bản trình lên Liên Hợp Quốc năm 2009.
|
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với các vùng đất và vùng nước bên trong cái gọi là “đường 9 đoạn” phi lý. |
Học giả Zheng Zhihua, Viện trưởng Viện Luật Hàng hải và Lịch sử ở Thượng Hải, nói: "Ở một mức độ nào đó, yêu sách biển của Trung Quốc là không rõ ràng". Ông cũng nói bản chất của "quyền lịch sử" là khá mơ hồ.
Cái gọi là "quyền lịch sử" mang cho Trung Quốc quyền tài phán vùng biển nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Philippines đã kiện Trung Quốc lên Tòa án trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, thách thức tính hợp pháp của cái gọi là bản đồ "đường 9 đoạn”, bất chấp việc Bắc Kinh tuyên bố không công nhận quyền tài phán của tòa PCA về vấn đề này.
Những gì Bắc Kinh hy vọng là chiến dịch đắp đảo gần đây đã thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và giúp Trung Quốc tăng cường kiểm soát đối với các đảo nhân tạo và vùng biển xung quanh.
Nhưng xét về khía cạnh pháp lý, việc bồi đắp đảo nhân tạo không mang lại cho Trung Quốc quyền tài phán biển đảo vì “bồi đắp đất không thay đổi tình trạng pháp lý của một tính năng vốn có trên biển”.
Hồi tháng 5/2015, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel nói trước một ủy ban Thượng viện Mỹ: "Bất kể chất đống bao nhiêu cát trên một rạn san hô ở Biển Đông, người ta không thể sản xuất chủ quyền".
Trung Quốc sẽ phải trả giá
Xét về mặt pháp lý, việc Trung Quốc hút cát đắp đảo không tạo ra sự khác biệt. Nhưng xét theo quan điểm chiến lược, việc Trung Quốc bồi đắp trái phép đảo nhân tạo và xây dựng các công trình trên đó sẽ có ảnh hưởng rất lớn.
Bảy “đảo nhân tạo” sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng giữa Trung Quốc và các bên tranh chấp khác. Bằng cách tăng cường khả năng triển khai sức mạnh xa bờ, Trung Quốc đã đặt nền móng để tiến về phía nam Biển Đông và mở rộng khu vực cạnh tranh với Mỹ.
Mặc dù các quan chức Trung Quốc nhấn mạnh mục đích dân sự của các “đảo nhân tạo”, nhưng giới phân tích quân sự đã chỉ ra ý nghĩa quân sự tiềm năng của chúng.
Đó là các căn cứ cho máy bay trực thăng chống tàu ngầm, cơ sở tiếp nhiên liệu máy bay, bến cảng hải quân, radar và tên lửa… giúp Không quân Trung Quốc áp đặt một Khu nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông như Trung Quốc đã đơn phương thiết lập ADIZ trên Biển Hoa Đông.
Điều này khiến cho Mỹ và các nước trong khu vực lo lắng. Chính phủ Nhật Bản nói về việc tuần tra hải quân chung ở Biển Đông với Hải quân Philippines. Trong tháng Sáu, một máy bay do thám P-3C Orion của Nhật Bản đã tiến hành hai chuyến bay tuần tra gần vùng biển tranh chấp, cùng máy bay Philippines.
|
Mỹ đưa tàu sân bay USS George Washington tập trận chung với Malaysia ở Biển Đông.
|
Australia đang xem xét tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải mà Hải quân Mỹ thường xuyên tiến hành trên Biển Đông để thách thức mọi tuyên bố chủ quyền quá mức của Trung Quốc. Thậm chí Ấn Độ cũng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về những mối đe dọa tiềm tàng đối với các tuyến thương mại chính, trong đó có Ấn Độ Dương.
Giáo sư Goldstein nói: "Người Trung Quốc đang làm mếch lòng mọi người và mạo hiểm tạo ra một liên minh bao vây” Trung Quốc.
Tiến sĩ Zhang Jie của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói: "Chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông mâu thuẫn với sách lược ‘Một vành đai, một con đường’. Nhiều học giả đang tự hỏi làm thế nào mà chúng ta (Trung Quốc) có thể thúc đẩy sách lược vành đai và đường, trong khi tình hình Biển Đông rất căng thẳng. Họ nói rằng Biển Đông không phải là lợi ích cốt lõi”.
Minh Châu (Theo CSMonitor)