Vì sao nhóm ám sát tổng thống Haiti trốn vào cơ quan của Đài Loan?

Google News

Vụ nghi phạm ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise lẩn trốn ở cơ quan đại diện của Đài Loan (Trung Quốc) khiến dư luận chú ý về quan hệ giữa hòn đảo và quốc gia vùng Caribe này.

Vào rạng sáng 8/7, 11 nghi phạm ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise đột nhập vào khuôn viên cơ quan đại diện của Đài Loan để lẩn trốn, nhưng sau đó bị cảnh sát bắt. Từ vụ việc này, Đài Loan bỗng trở thành một trong những điểm chú ý của dư luận, đặc biệt về quan hệ giữa hòn đảo với Haiti.
Tổng thống Moise, 53 tuổi, bị ám sát tại dinh thự riêng vào ngày 7/7. Trụ sở cơ quan đại diện Đài Loan ở thủ đô Port-au-Prince nằm gần dinh thự trên sườn đồi nơi ông Moise bị sát hại.
Cơ quan ngoại giao lại là một nơi "bất khả xâm phạm" với lực lượng an ninh sở tại. Những điều này có thể là lý do nhóm nghi phạm muốn trốn ở đây.
Haiti ngày càng trở thành một đồng minh quan trọng đối với đảo Đài Loan, trong bối cảnh các quốc gia khác dần chuyển mối quan hệ ngoại giao từ Đài Bắc sang phía Bắc Kinh. Trung Quốc, trong khi đó, vẫn luôn để mắt chặt chẽ tới mối quan hệ này, Washington Post nhận định.
Điều gì xảy ra tại cơ quan đại diện Đài Loan ở Haiti?
Theo lời người phát ngôn Cơ quan Ngoại giao Đài Loan Âu Giang An, một nhóm người có vũ trang đột nhập vào sân bên trong cơ quan đại diện của hòn đảo tại Haiti, sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise.
Bà Âu cho biết cơ sở đại diện đóng cửa vào ngày 7/7 với lý do an ninh ngay khi có thông tin Tổng thống Moise bị ám sát, do đó đây có thể là nguyên nhân khiến những kẻ này đột nhập.
Ngoài một số cửa ra vào và cửa sổ bị vỡ, không có tài sản nào khác bị mất hay hư hỏng.
Ngay khi phát hiện nhóm người lạ mặt, đội an ninh báo cho cảnh sát địa phương và đội ngũ sứ quán.
"Theo yêu cầu của chính phủ Haiti, để hỗ trợ bắt giữ các nghi phạm, cảnh sát Haiti được cho phép vào trong khuôn viên", bà Âu Giang An nói thêm.
Trong tuyên bố đăng trên website, cơ quan đại diện Đài Loan tại thủ đô Port-au-Prince mô tả những người này là "lính đánh thuê" và là nghi phạm trong vụ ám sát Tổng thống Moise.
“Vào thời điểm khó khăn, Đài Loan tái khẳng định sự ủng hộ đối với Thủ tướng lâm thời Claude Joseph trong hành trình dẫn dắt Haiti vượt qua cuộc khủng hoảng, khôi phục trật tự dân chủ”, bà Âu nói, đồng thời lên án mạnh mẽ hành động “tàn nhẫn và man rợ” trong vụ ám sát ông Moise.
Vi sao nhom am sat tong thong Haiti tron vao co quan cua Dai Loan?
 Nghi phạm ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise bị ghì xuống đất sau khi bị bắt giữ. Ảnh: AP.
Trung Quốc tìm cách lôi kéo
Haiti - một quốc gia nằm ở vùng biển Caribe - là một trong 15 nước trên thế giới duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan, thay vì Trung Quốc. Mối quan hệ này thiết lập từ năm 1956, và vẫn gắn kết cho tới tận bây giờ.
Năm 2019, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã thăm Haiti nhằm củng cố và thắt chặt mối quan hệ.
Động thái này được thực hiện sau khi nước láng giềng của Haiti là Cộng hòa Dominica chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, quay sang ủng hộ Trung Quốc.
Nhằm tránh tình huống Haiti theo bước nước láng giềng, Đài Loan trong nhiều năm qua đã liên tiếp hỗ trợ tài chính cho Haiti. Hòn đảo đã giúp Haiti nâng cấp mạng lưới điện và tặng 280.000 khẩu trang trong đại dịch Covid-19 vào năm 2020.
Trong khi đó, nhiều năm qua, Bắc Kinh vẫn luôn ngầm ủng hộ ổn định chính trị ở Đài Loan khi để cho hòn đảo này duy trì một số lượng nhỏ mối quan hệ ngoại giao với vài quốc gia. Tuy nhiên, kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền vào năm 2016, Trung Quốc đại lục bắt đầu thay đổi lập trường.
Bắc Kinh đã và đang dần dần loại bỏ các mối quan hệ ngoại giao còn sót lại của Đài Bắc, thông qua những lời dụ dỗ hỗ trợ kinh tế và ngoại giao.
Kiribati và Quần đảo Solomon đã chuyển sự công nhận ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh vào năm 2019, theo bước El Salvador, Burkina Faso và Cộng hòa Dominica vào năm 2018.
Vi sao nhom am sat tong thong Haiti tron vao co quan cua Dai Loan?-Hinh-2
Chuyến thăm của Tổng thống Haiti Jovenel Moise tới đảo Đài Loan vào năm 2018. Ảnh: CNA Đài Loan. 
Khu vực Caribe, cùng với châu Phi và Nam Thái Bình Dương, đang là khu vực cạnh tranh ảnh hưởng chính trị quyết liệt giữa Đài Bắc và Bắc Kinh.
Cho dù chỉ là những quốc đảo nhỏ, các quốc gia tại khu vực này đều có phiếu bầu ở các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, Interpol hay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đây là nơi Đài Loan không thể tham gia trực tiếp bởi không được nhiều quốc gia công nhận về mặt ngoại giao.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng đang tìm cách thu hút sự chú ý của Haiti.
Vào tháng 6 vừa qua, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield đã chỉ trích Trung Quốc dùng kế hoạch “ngoại giao vaccine” để gây áp lực với các đồng minh ngoại giao của Đài Loan.
Bà Greenfield khẳng định thông qua kế hoạch này, Bắc Kinh đang gây “áp lực lớn” lên Haiti, trong bối cảnh Đài Loan thiếu hụt nguồn cung vaccine Covid-19 trầm trọng.
Theo Phương Linh/Zingnews.vn