Honda bất ngờ "khai tử" cặp đôi Odyssey và Legend tại Nhật Bản

Google News

(Kiến Thức) - Nguyên nhân của việc "khai tử" hai mẫu xe Odyssey và Legend là do nhà sản xuất Honda sẽ phải đóng cửa nhà máy ở Sayama, Nhật Bản, vào tháng 3 năm sau.

 
Vào ngày 16/6/2021 vừa qua, hãng Honda đã công bố thông tin sẽ ngừng bán một số dòng xe, trong đó bao gồm Clarity, Odyssey và Legend. Nguyên nhân là do hãng Honda sẽ đóng cửa nhà máy ở Sayama, Nhật Bản, vào tháng 3 năm sau. Quyết định đóng cửa nhà máy này là một phần trong kế hoạch đơn giản hóa danh mục sản phẩm và cắt giảm chi phí của Honda.
Việc Honda "khai tử" dòng xe chạy bằng pin nhiên liệu hyđrô Clarity không khiến nhiều người ngạc nhiên vì hãng đã từng nhắc đến chuyện này từ trước đó. Trong khi đó, thông tin cặp đôi Honda Odyssey và Legend bị khai tử ở Nhật Bản mới gây bất ngờ.
Honda bat ngo
 Honda Clarity là ôtô chạy bằng pin nhiên liệu hydro.
Trao đổi với phóng viên, đại diện hãng Honda cho biết Odyssey và Legend bị ngừng bán ở thị trường Nhật Bản sau năm 2021. Tuy nhiên, hãng Honda cũng khẳng định là Odyssey tại thị trường Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng. So với xe ở Nhật Bản, Honda Odyssey tại Mỹ sở hữu thiết kế hoàn toàn khác biệt. Hiện Honda Odyssey dành cho thị trường Mỹ đang được lắp ráp tại nhà máy ở Lincoln, bang Alabama, Mỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên Honda Odyssey bị khai tử tại một thị trường trên thế giới. Trước đó, mẫu MPV cỡ trung này đã bị ngừng bán ở cả Việt Nam lẫn Úc.
Riêng Honda Legend từng được bán ở thị trường Mỹ dưới thương hiệu Acura RLX nhưng cũng đã bị "khai tử". Việc Honda ngừng bán sedan cao cấp này tại thị trường Nhật Bản cũng gây nhiều thắc mắc vì cách đây không lâu, Legend đã trở thành mẫu xe thương mại đầu tiên trên thế giới có hệ thống lái bán tự động cấp độ 3.
Honda bat ngo
 Honda Odyssey dành cho thị trường Nhật Bản...
Hệ thống kể trên cho phép người điều khiển Honda Legend có thể thả tay ra khỏi vô lăng và xe tự động chuyển làn. Ngoài ra, Honda Legend còn có tính năng Traffic Jam Pilot nhằm kiểm soát việc tăng tốc, phanh và đánh lái. Hiện Honda cũng chưa công bố kế hoạch trang bị hệ thống lái bán tự động cấp độ 3 cho bất kỳ mẫu xe nào khác.
Lần đầu tiên trình làng vào năm 2016, Clarity là mẫu xe duy nhất dùng pin nhiên liệu hyđrô của hãng Honda. Mẫu xe này có giá khá cao, lên đến 7,38 triệu Yên (khoảng 71.200 USD), cộng thêm sự khan hiếm của các trạm nạp nhiên liệu hyđrô đã khiến Honda Clarity có doanh số thấp. Tính trên toàn thế giới, hãng Honda chỉ bán được 1.900 chiếc Clarity.
Trong khi đó, Honda Legend là mẫu xe đã lần đầu tiên trình làng vào năm 1985 rồi bị "khai tử" vào năm 2012. Đến năm 2015, mẫu sedan này quay trở lại thị trường với phiên bản hybrid mới. Tuy nhiên, trong năm ngoái, hãng Honda chỉ bán được 215 chiếc Legend thế hệ thứ 5. Con số này chỉ bằng một góc so với doanh số gần 20.000 chiếc của Honda Legend vào năm 1991.
Honda bat ngo
 Honda Legend có hệ thống lái bán tự động cấp độ 3 chỉ có số lượng sản xuất đúng 100 chiếc.
Cuối cùng là Honda Odyssey, trình làng tại thị trường Nhật Bản vào năm 1994. Vào thời điểm đó, Odyssey đã đi tiên phong cho phân khúc xe minivan của Nhật Bản đồng thời giúp hãng Honda vực dậy khỏi tình trạng kinh doanh bết bát. Những năm sau đó, Honda Odyssey tiếp tục được các gia đình ưa chuộng và đạt doanh số 126.000 chiếc vào năm 1995. Tuy nhiên, sau khi được nâng cấp giữa vòng đời và tiến lên phân khúc cao cấp hơn, Honda Odyssey lại vuột mất khách hàng vào tay những đối thủ như Toyota Alphard.
Honda hiện đang điều chỉnh lại hoạt động sản xuất của hãng trên toàn cầu để tập trung vào ô tô điện nhằm đạt mục tiêu chỉ bán xe không khí thải vào năm 2040. Ngoài ra, hãng xe Nhật Bản còn hợp tác với General Motors để phát triển 2 mẫu crossover chạy điện mới, mang thương hiệu Honda và Acura, để tung ra thị trường Bắc Mỹ vào năm 2024. Ở thị trường Nhật Bản, Honda cũng lên kế hoạch ra mắt mẫu xe kei car chạy điện đầu tiên vào năm 2024. Trong khi đó, tại Trung Quốc, hãng Honda dự định sẽ giới thiệu 10 mẫu ô tô điện trong thời gian chỉ 5 năm. Mẫu đầu tiên sẽ được phát triển dựa trên xe concept Honda SUV e: và ra mắt thị trường Trung Quốc vào năm sau.
Thảo Nguyễn