Tương lai ôtô nhập khẩu vẫn "tối" sau Thông tư mới

Google News

(Kiến Thức) - Trái với kì vọng của nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ôtô tại Việt Nam, “Thông tư hướng dẫn” vừa được ban hành vẫn giữ nguyên nhiều điều khoản “ngặt nghèo” mà Nghị định 116 trước đó quy định.

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư 03/2018/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ôtô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/3/2018.
Đáng chú ý, Thông tư mới được kí bởi Thứ trưởng Lê Đình Thọ dù đã hướng dẫn, cụ thể hóa những điều khoản từ Nghị định 116; giải quyết phần nào những băn khoăn, khúc mắc của nhiều doanh nghiệp nhưng vẫn được cho là “khắt khe”, chưa đáp ứng kì vọng. Bởi lẽ, những điều khoản “ngặt nghèo” nhất mà Nghị định 116 trước đó quy định như kiểm định xe theo lô hay đặc biệt là Giấy chứng nhận chất lượng ôtô nhập khẩu vẫn được giữ nguyên.
 “Thông tư hướng dẫn” vừa được ban hành vẫn giữ nguyên nhiều điều khoản “ngặt nghèo” mà Nghị định 116 trước đó quy định.
Doanh nghiệp phản kháng…bất thành!
Từ việc nắm thế “thượng phong” với điểm tựa là lộ trình giảm thuế nhập khẩu nội khối về 0% theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ETIGA), giờ đây xe nhập khẩu lại đang lâm vào tình cảnh éo le chưa từng có khi các doanh nghiệp dù rất muốn nhưng vẫn không thể nhập xe. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này không gì khác chính là sự ra đời của Nghị định 116 hồi giữa tháng 10/2017. Một văn bản làm đảo chiều hoàn toàn thị trường với nhiều điều khoản được đánh giá là “khắt khe” với xe nhập. Trong đó, đáng chú ý nhất là quy định doanh nghiệp nhập khẩu xe phải có Giấy chứng nhận kiểu loại ôtô nhập khẩu và quy định xe nhập khẩu phải kiểm định theo từng lô.
Chính vì những điều khoản có phần gắt gao, ngay từ khi ra đời Nghị định 116 đã khiến nhiều liên doanh nhập khẩu xe đứng ngồi không yên. Thời điểm cuối năm 2017, đại diện của các hãng lớn như Honda, Toyota hay Ford đã không ít lần lên tiếng phàn nàn và kiến nghị nới lỏng điều kiện cho các doanh nghiệp. Đỉnh điểm, chỉ trong khoảng 2 tháng cuối năm 2017, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã không dưới 4 lần gửi thư kiến nghị lên Chính phủ, bày tỏ mong muốn được xem xét lại một số điều khoản trong Nghị định; hoặc chí ít cũng có văn bản hướng dẫn để các doanh nghiệp có thể sớm hoàn tất thủ tục và nhập xe về.
Chính vì những điều khoản có phần gắt gao, ngay từ khi ra đời Nghị định 116 đã khiến nhiều liên doanh nhập khẩu xe đứng ngồi không yên.  
Tuy nhiên, có một điểm chung là tất cả những “yêu sách” mà VAMA hay các hãng xe nhập gửi đi đều không mang lại kết quả. Và Thông tư quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ôtô nhập khẩu, thuộc đối tượng của Nghị định 116 (khi đó vẫn còn là dự thảo) được xem là cứu cánh duy nhất mà các doanh nghiệp có thể chờ đợi. Tuy nhiên, trái với kì vọng, Thông tư vừa chính thức được ban hành vẫn giữ nguyên những điều khoản mà các hãng xe lo ngại nhất là yêu cầu phải có Giấy chứng nhận kiểu loại ôtô nhập khẩu được cấp bởi các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tại nước ngoài.
Đến thời điểm này, khi Thông tư đã chính thức ban hành, nhiều ý kiến vẫn cho rằng đây là yêu cầu quá khó cho các doanh nghiệp. Bởi theo lí giải, việc kiểm định và cấp giấy chứng nhận chất lượng cho xe xuất khẩu không phải là nhiệm vụ của nước xuất khẩu. Do đó, ở nhiều quốc gia trên thế giới không hề có loại giấy này. Hơn nữa, nhiều đại diện doanh nghiệp cũng than phiền rằng việc yêu cầu cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho xe xuất khẩu là không phù hợp với thông lệ quốc tế. Đơn cử như tại Châu Âu, cơ quan có thẩm quyền ở các nước cũng không cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho xe xuất khẩu ra ngoài khu vực vì đơn giản đó là nhiệm vụ của nước nhập khẩu xe.
Doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phải tốn thêm chi phí cho việc kiểm định, đồng thời thời gian để đưa xe về cũng kéo dài hơn. 
Bên cạnh yêu cầu phải có Giấy chứng nhận kiểu loại ôtô nhập khẩu, Thông tư 03 cũng quy định rõ về việc kiểm định xe theo từng lô. Theo đó, các lô xe nhập khẩu đều phải được thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật. Cơ quan kiểm tra sẽ lấy ngẫu nhiên 1 hoặc 2 xe mẫu (trong trường hợp doanh nghiệp có yêu cầu dùng một 1 mẫu để thử nghiệm an toàn và dùng 1 mẫu để thử nghiệm khí thải) đại diện cho từng kiểu loại ô tô trong lô xe nhập khẩu đã được kiểm tra để doanh nghiệp nhập khẩu tự đưa xe đến các cơ sở thử nghiệm. Kết quả thử nghiệm là căn cứ để cơ quan kiểm tra cấp chứng chỉ chất lượng.
Nếu chiếu với Nghị định 116 ban hành trước đó, điều khoản về kiểm định xe không có thay đổi đáng kể. Doanh nghiệp nhập khẩu ôtô vẫn phải gánh hậu quả khi phải tốn thêm chi phí cho việc kiểm định, đồng thời thời gian để đưa xe về cũng kéo dài hơn.
Đó là chưa kể, không những không điều chỉnh, nới lỏng cho các doanh nghiệp, trong nội dung Thông tư 03 còn có thêm một yêu cầu mới, buộc các doanh nghiệp muốn nhập khẩu xe phải cung cấp được “bản sao giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện của lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng trước, kính được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.
 Những kiến nghị của VAMA không mang đến nhiều kết quả. 
Như vậy, so với những quy định được nêu trong Nghị định 116, Thông tư mới của Bộ GTVT vô hình trung lại khiến doanh nghiệp gặp nhiều rắc rối hơn. Những kiến nghị của các hãng xe, của VAMA không mang đến nhiều kết quả. Nghị định đã có, thông tư đã ban hành, giờ đây, nếu muốn tiếp tục “cuộc chơi”, các doanh nghiệp nhập khẩu xe sẽ phải học cách thích nghi.
Tương lai xe nhập vẫn “mịt mùng”
Năm 2018 là thời điểm bản lề, được cả doanh nghiệp nhập khẩu xe và khách hàng chờ đợi. Thế nhưng, đến lúc này, những gì mang lại chỉ là sự thất vọng. Chính những yêu cầu khắt khe từ Nghị định 116 đang trở thành một “bức tường kiên cố” khiến các doanh nghiệp gần như “bất lực”. Và khi tháng 1/2018 sắp qua đi, ôtô nhập khẩu, đặc biệt là từ các nước nội khối ASEAN dù năm lợi thế khi hưởng thuế nhập khẩu 0%, vẫn đang loay hoay tìm cách tiếp cận thị trường.
Theo số liệu được Tổng cục Hải quan công bố, nửa đầu tháng 1/2018, toàn thị trường Việt Nam chỉ nhập về tổng cộng 60 xe. Đáng nói, trong số này, lượng xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi chỉ vỏn vẹn 6 chiếc và hầu như đều nhập theo đường ngoại giao.
Nghị định đã có, thông tư đã ban hành, giờ đây, nếu muốn tiếp tục “cuộc chơi”, các doanh nghiệp nhập khẩu xe sẽ phải học cách thích nghi. 
Với tình tình hình hiện tại, nhiều chuyên gia nhận định, những tháng tiếp theo, thị trường xe nhập khẩu sẽ tiếp tục rơi vào cảnh khan hàng. Đặc biệt, thời điểm cận Tết, khi cầu vượt qua cung, các đại lý sẽ bắt đầu ép giá, nhiều người mua xe bỏ thêm vài chục, có khi cả trăm triệu nếu muốn có xe ngay trước Tết. Thậm chí, nhiều mẫu xe “hot” như Toyota Fortuner, Honda CR-V hay Ford Ranger đã bắt đầu hết hàng. Lúc này, dù khách hàng có cầm đủ tiền trên tay cùng chẳng thể rước được xe như mong muốn.
Bất lực trong khâu nhập xe, hàng loạt hãng, trong đó đáng chú ý có Toyota, Ford và Honda đã tuyên bố dừng xuất khẩu ôtô vào Việt Nam từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, đây có lẽ chỉ là động thái nhằm gây sức ép lên Chính phủ này lại không mang lại kết quả rõ ràng. Thông tư 03 đã ban hành, tương lai xe nhập vẫn không sáng sửa hơn. Lúc này, các doanh nghiệp gần như chỉ có 2 lựa chọn. Hoặc là cân nhắc chuyển qua lắp rắp (như cách mà Mitsubishi đã làm với Outlander), vừa tận dụng ưu đãi thuế, vừa tránh được Nghị định 116. Hoặc là hoàn tất các giấy tờ theo quy định và…chờ đợi.
Thảo Mai (TH)