Bên kia đầu dây điện thoại, tiếng im lặng kéo dài. Tôi hỏi lại thêm một lần nữa như để chắc chắn chị vẫn còn giữ điện thoại. Giọng chị nức nở: “Chị khổ quá… Sao đời chị lại bất hạnh như thế này…”. Rồi chị dập nhanh điện thoại để tôi không nghe tiếng chị khóc.
Từ khi lấy chồng đến khi sinh con, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều một tay chị lo. Chồng chị không ăn chơi trác táng gì, chỉ phải cái chậm chạp, làm biếng. Nhiều lần thấy cảnh chị bưng bê cả chồng bàn ghế nặng từ lầu 1 xuống dưới đất, hàng xóm đã nhắc chị sao không nhờ chồng con giúp, nhưng chị lắc đầu, xua tay: “Chán lắm, bố con nhà nó chẳng làm được trò trống gì”. Cứ vậy, mọi việc lớn nhỏ trong nhà, chị đều ôm hết, dần trở thành trụ cột trong nhà.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
|
Chỉ những khi bận quá, chị mới sai thằng con trai lớn phụ giúp vài việc vặt, nhưng thằng nhỏ đụng tay vào việc gì chị cũng nổi nóng. Cứ nhìn cái tay lòng khòng lèo khèo của nó, chị đã chướng tai gai mắt. Vậy là thay vì dành thời gian chỉ bảo cho con, chị chỉ quát một câu gọn lỏn: “Ra chỗ khác cho tao làm”. Riết vậy thành thói quen.
Lâu dần, chồng con chị cũng thờ ơ, vô cảm với những vất vả của chị. Nhiều lần đến nhà, chứng kiến chị làm việc quần quật, tôi khuyên anh giúp vợ, anh nói thản nhiên: “Ôi! Chị em khỏe lắm. Đâu cần đến anh”. Thằng con trai lớn thêm vào: “Bố với con làm việc gì mẹ cũng chê. Thôi để mẹ con tự làm cho vừa ý”. Tôi khuyên chị sao không dùng quyền năng “mềm” của phụ nữ, đâu nhất thiết lúc nào cũng phải gồng lên để tỏ ra mình mạnh mẽ, cứng rắn như nam giới. Chị ậm ờ cho qua chuyện.
Tuổi tác và cường độ làm việc khiến sức khỏe của chị dần giảm sút. Chị than: “Bị giãn tĩnh mạch mấy năm nay mà chủ quan. Giờ bệnh nặng, đau nhức, đi đứng khó quá”. Nhắc đến chồng con, chị lại than thở chồng con vô dụng, không nhờ được việc gì. Vẫn giữ nếp sinh hoạt cũ, sau giờ học, thằng con chị lại la cà tiệm internet. Chồng chị xách bàn cờ cà kê ở các quán cà phê cóc. Cả tuần qua, cái chân hành hạ chị đau nhức, không buôn bán gì được. Ngồi một mình trong nhà, chị lại càng bức bối, khó chịu hơn. Chỉ bảo, chờ cái chân đỡ hơn, chắc chị đặt cái bàn nhỏ, bán vé số thay cho cái xe sinh tố. Chị rơm rớm: “Nếu không làm gì ra tiền, chắc cả nhà sẽ chết đói”.
Những khi gọi điện cho chị, tôi đều nghe chị thở dài, kèm theo tiếng sụt sùi. Đến tận lúc này, không biết chồng con chị có nhận ra trách nhiệm của mình chưa? Hay họ vẫn luôn nghĩ chị là “cây tùng, cây bách” của đời họ. Phải chi chị sớm hiểu rằng, chính sự mạnh mẽ của chị đã làm hư hỏng hai người đàn ông mà chị thương yêu nhất.
Theo Phụ Nữ Online