Nguồn gốc nghề rèn, nghề bạc

Google News

Đây là hai nghề đã được đặt tên phố trong khu vực phố cổ Hà Nội.

- Đây là hai nghề đã được đặt tên phố trong khu vực phố cổ Hà Nội.

 
Nghề rèn đồ sắt:
Xưa ở làng Nga Hoàng, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh, có người tên là Lư Cao Sơn giỏi giang lịch thiệp. Khi nước Thục sang ăn cướp nước An Nam, thấy có nhiều khí giới làm bằng sắt, muốn biết nó được chế tạo như thế nào.
 
Khi quân Thục rút về, Lư Cao Sơn trà trộn vào đám đông theo sang nước Thục ở lại mấy năm. Ông học được nghề rèn đồ sắt, chế vũ khí. Thành tài, ông trở về dạy cho dân làm nghề ấy. Khi mất ông được ngành thợ rèn thờ làm Tổ sư. Nghề rèn đồ sắt nước ta ngày càng phát triển. Bởi vậy Hà Nội có phố Lò Rèn.

Nghề thợ Bạc: Thời vua Lý Nam Đế ở làng Định Công, huyện Thanh Trì, Hà Nội, có ba anh em Trần Hoà, Trần Điện, Trần Điền là con nhà giàu mà có chí lớn. Ba anh em đồng lòng sang nước Ngô tìm mưu kế lập công danh. Đến huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh thì gặp giặc, anh em chạy mỗi người một ngả. Trần Điện, Trần Điền chạy sang nước Tấn ở với nhà thợ bạc học nghề. Trần Hoà chạy sang nước Tuỳ ở với nhà chủ chạm khảm đồ bằng bạc.
 
Sau 3 năm, Trần Hoà học thành nghề về nhà. Cứ tưởng 2 em bị nạn, buồn bã chưa muốn làm gì. Hai năm sau Trần Điện, Trần Điền ở nước Tấn cũng học thành nghề về nước. Ba anh em mừng rỡ, mở cửa hàng hành nghề gọi là thợ kim hoàn, thường gọi là thợ bạc, rồi dạy người làng làm nghề ấy. Khi ba anh em mất được tôn là: "Tổ sư phụ". Nghề thợ bạc nước Nam có từ thời ấy. Hà Nội sau này có một phố Hàng Bạc. 
       
Đ.V.N