Do căng thẳng tăng cao trong vụ tranh chấp quần đảo Điếu Ngư với Nhật Bản, Trung Quốc vẫn đang thương lượng với Nga trong việc nhập khẩu nhiều hệ thống vũ khí tiên tiến nhằm trang bị cho không quân và hải quân nước này.
Hiện này, nền công nghiệp quốc phòng Nga không còn dựa hoàn toàn vào Bắc Kinh để sống sót như trong thời kỳ đầu những năm 1990, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường lớn thứ 2 cho vũ khí Nga sau Ấn Độ. Trong năm 2011, số lượng hệ thống vũ khí được Nga bán cho Trung Quốc trị giá tới 1,9 tỷ USD.
|
Đã chế tạo được tiêm kích tàng hình J-20, tiêm kích thế hệ 4 J-10, J-11, nhưng Trung Quốc vẫn thèm muốn Su-35 dù nhiều chuyên gia nước này lên tiếng "chê ỏng, chê eo".
|
Rosoboronexport - cơ quan xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga cho biết con số này trong năm 2012 tăng lên tới 2,1 tỷ USD. Điều này có nghĩa trong số 17,6 tỷ USD được Rosoboronexport ký kết với nước ngoài, 12% đến từ Trung Quốc.
Kể từ năm 2012, Bắc Kinh đã ký nhiều hợp đồng mới với tổng giá trị lên đến 1,3 tỷ USD với Nga bao gồm 600 triệu USD cho 52 trực thăng Mi-171E, 700 triệu USD cho 140 động cơ Saturn AL-31F dành cho các loại máy bay như Su-27, Su-30 và J-11B/BS, J-15 cũng như J-16.
Ngoài ra, Trung Quốc vẫn đang thương lượng với Nga về 4 hợp đồng lớn. Hợp đồng đầu tiên là việc Trung Quốc muốn mua 24 máy bay Sukhoi Su-35 từ Nga. Với radar quét mảng chủ động cùng bộ vũ khí “khủng” của mình, Su-35 có thể tăng cường khả năng không chiến của Không quân Trung Quốc trong các vùng tranh chấp với Nhật tại biển Hoa Đông.
|
Trung Quốc cũng thèm khát vận tải cơ chiến lược Il-476 dù đã chế tạo được Y-20.
|
Trung Quốc cũng muốn mua tên lửa đất đối không S-400 từ Nga. Với tầm bắn 400km, S-400 có thể dùng để bảo vệ bờ biển Trung Quốc khỏi các cuộc không kích của Không quân Mỹ hoặc Đài Loan. Tuy nhiên cả Nga và Trung Quốc chưa thống nhất được số lượng tên lửa Trung Quốc sẽ mua và thời gian số hàng được cung cấp.
Để tăng cường khả năng vận tải của Không quân Trung Quốc, nước này cần ít nhất 100 máy bay vận tải tầm trung. Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc cần mua 34 máy bay vận tải Ilyushin Il-76MD-90A từ Nga. Trung Quốc hi vọng Nga và Ukraine có thể bán Il-76.
|
Đã đóng được tàu ngầm AIP Type 041 nhưng Trung Quốc vẫn rất muốn mua tàu ngầm AIP Lada của Nga.
|
Cũng trong chuyến thăm tới Nga, ông Tập Cận Bình đã ký biên bản ghi nhớ về việc Trung Quốc mua 4 tàu ngầm phi hạt nhân tối tân Lada của Nga.
Theo biên bản ghi nhớ này, 4 chiếc tàu ngầm Lada sẽ được đóng ở Trung Quốc với sự trợ giúp của các chuyên gia Nga. Các tàu ngầm hiện đại rất cần cho Hải quân Trung Quốc để chống lại Nhật trên biển Hoa Đông. Với sự trợ giúp của Mỹ, Nhật có thể thắng được lực lượng tàu ngầm Trung Quốc hiện nay. Điều này càng cho thấy sự cần thiết của vũ khí Nga trong quá trình hiện đại hóa Hải quân và Không quân Trung Quốc.
Nguyễn Hoàng