5 chiến dịch quân sự tốn kém nhất sau Chiến tranh Thế giới thứ 2

Google News

Các chiến dịch đắt đỏ, tốn kém nhất thế giới sau Thế chiến 2 này đều liên quan đến quân đội Mỹ.

Hồi tháng 3.2016 Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ chi phí của chiến dịch không kích IS ở Syria nằm ở mức 33 tỷ rouble (tương đương khoảng 464 triệu USD).
5 chien dich quan su ton kem nhat sau Chien tranh The gioi thu 2
 Tiêm kích Mỹ bay trên các mỏ dầu Kuwait trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc. Ảnh: Wikipedia.
Nhân sự kiện này, hãng tin RIA Novosti của Nga đã xem xét lại một số chiến dịch quân sự “đắt đỏ nhất” thế giới kể từ sau Thế chiến thứ 2.
Theo công bố của Tổng thống Putin, chiến dịch không kích IS của Nga từ tháng 9.2015 đến tháng 3.2016 tiêu tốn khoảng 3 triệu USD mỗi ngày.
Ông Putin khi đó nói rằng phần lớn chi phí cho chiến dịch này lấy từ ngân sách của Bộ Quốc phòng trong năm 2015 dành cho hoạt động tập trận và huấn luyện. “Chúng tôi chỉ đơn giản là dùng số tiền này để chống IS ở Syria”.
5. Chiến dịch NATO không kích Nam Tư: 43 tỷ USD
Chiến tranh Kosovo kết thúc bằng cuộc không kích của NATO kéo dài trong 78 ngày. Chiến dịch này, NATO sử dụng máy bay tấn công các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng dân sự trong Cộng hòa Liên bang Nam Tư.
Theo ước tính của các nhà báo BBC và chuyên gia của tạp chí quân sự Anh Janes, chi phí của chiến dịch này ở mức 43 tỷ USD.
5 chien dich quan su ton kem nhat sau Chien tranh The gioi thu 2-Hinh-2
 Hình ảnh Serbia bị bom NATO tàn phá trong cuộc chiến Kosovo 1999. Ảnh: Serbia TV.
Trong chiến dịch này, liên quân của NATO ném hơn 23.000 trái bom, phá hủy một nửa năng lực sản xuất kinh tế của Nam Tư. Serbia ước tính mình chịu thiệt hại tới 29,6 tỷ USD. Theo giới chức Nam Tư, cuộc không kích của NATO khiến hơn 1.700 dân thường thiệt mạng và khoảng 10.000 bị thương nặng.
Tổng cộng NATO đã tiến hành 35.000 phi vụ và phóng khoảng 550 tên lửa hành trình. Trong số 23.000 trái bom, có 35% là bom được dẫn đường chính xác.
Các chuyên gia ước tính người ta đã bắn khoảng 35.000 viên đạn uranium nghèo vào các mục tiêu ở Serbia và Kosovo, chủ yếu bằng oanh tạc cơ A-10. Người ta tin rằng việc dùng loại vũ khí uranium này đã làm tăng đáng kể tỷ lệ ung thư trong khu vực.
Kết quả chiến dịch này là làm Kosovo ly khai khỏi Serbia và tuyên bố độc lập vào năm 2008.
4. Chiến tranh Bão táp Sa mạc trong chiến tranh vùng Vịnh: 102 tỷ USD
Chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991 được coi là một trong các cuộc chiến chóng vánh nhất trong lịch sử Mỹ. Chiến dịch của liên quân do Mỹ đứng đầu mang mật danh Bão táp Sa mạc, kéo dài 42 ngày, kết thúc bằng việc giải phóng Kuwait khỏi quân đội Iraq.
Chiến dịch Bão táp Sa mạc là ví dụ đầu tiên về các phương pháp chiến tranh công nghệ cao thế hệ mới. Trong chiến dịch này, liên quân tiến hành không kích bằng việc sử dụng ở mức độ cao các vũ khí “thông minh” được dẫn đường chính xác, cũng như các hình thức tác chiến điện tử.
Mỹ tốn kém 102 tỷ USD và mất 298 quân nhân.
Về phần Iraq, nước này thiệt hại 20.000-30.000 quân nhân và có hơn 75.000 người bị thương.
Ngoài ra, việc đối phương sử dụng đạn uranium nghèo được cho là đã làm tăng đáng kể tỷ lệ mắc ung thư trong cả binh sĩ và dân thường Iraq. Cụ thể, tỷ lệ ung thư tăng từ 40 trên 100.000 dân trước chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 lên 800 trên 100.000 dân năm 1995, và hơn 1.600 trên 100.000 dân vào năm 2005.
3. Chiến tranh Triều Tiên: 341 tỷ USD
Vào ngày 25.6.1959, quân đội Triều Tiên vượt vĩ tuyến 38 trên bán đảo Triều Tiên và mở cuộc tấn công quy mô lớn trên lãnh thổ Hàn Quốc.
5 chien dich quan su ton kem nhat sau Chien tranh The gioi thu 2-Hinh-3
 Binh lính Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên tháng 11/1950. Ảnh: Wikipedia.
Nhân việc Liên Xô tẩy chay Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tổ chức này đã thông qua một nghị quyết ủng hộ hỗ trợ quân sự cho Hàn Quốc. Quân Liên Hợp Quốc, chủ yếu là lính Mỹ, đã được gửi tới đây để đánh nhau với quân Triều Tiên và đồng minh Trung Quốc.
Một trong những trận đánh lớn nhất trên chiến trường này là trận Taegu trong đó liên quân Liên Hợp Quốc đã tiến hành trận đổ bộ đường biển lớn nhất sau trận Normandy. Hàng trăm máy bay B-29 đã thả hàng ngàn quả bom loại lớn.
Các đợt ném bom rải thảm của liên quân đã phá hủy 3/4 các trung tâm dân cư của Triều Tiên. Tổng cộng trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ đã thả 635.000 tấn bom, bao gồm 32.000 tấn bom napalm, nhiều hơn cả tổng số bom mà Mỹ thả trong toàn bộ chiến dịch Thái Bình Dương trong Thế chiến 2.
Chiến tranh Triều Tiên khiến Mỹ tiêu tốn 341 tỷ USD (theo giá trị đồng đô la năm 2011) và mất 34.000 sinh mạng.
2. Chiến tranh Việt Nam: 738 tỷ USD
Năm 1965, Mỹ mở chiến dịch Sấm Rền – chiến dịch ném bom lâu nhất của Mỹ kể từ Thế chiến 2.
Các cuộc ném bom miền Bắc Việt Nam đã khiến Washington tiêu tốn khoảng 900 triệu USD. Còn trong toàn bộ cuộc Chiến tranh Việt Nam (Mỹ tham gia trực tiếp trong 8 năm), Mỹ mất 738 tỷ USD (theo giá trị đồng đô la năm 2011) và mất hơn 58.000 quân nhân.
5 chien dich quan su ton kem nhat sau Chien tranh The gioi thu 2-Hinh-4
 Trực thăng lục quân Mỹ dùng súng máy bắn xối xả vào một căn cứ của các chiến sĩ quân giải phóng miền Nam Việt Nam gần Tây Ninh, tháng 3/1965. Ảnh: AP.
Cuộc chiến Việt Nam có lẽ là cuộc chiến tranh được viết đến nhiều nhất trong văn chương Mỹ. Trên 500 bộ phim và loạt phim đã được sản xuất cho riêng chủ đề chiến tranh này, tạo dấu ấn khó phai mờ trong tâm trí người Mỹ.
Từ năm 1965 đến 1975, Không quân Mỹ đã thả khoảng 7,6 triệu tấn bom lên lãnh thổ Việt Nam, Lào và Campuchia, gần gấp 3 lần tổng số bom thả trong Thế chiến thứ 2.
Đã vậy Mỹ còn rải chất diệt cỏ lên 20% diện tích miền Nam Việt Nam, phá hủy đất nông nghiệp và tàn phá sức khỏe người dân địa phương trong nhiều thế hệ.
1. Cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở Iraq và Afghanistan: Từ 1.000-6.000 tỷ USD
Sau loạt khủng bố 11/9/2001, Tổng thống Mỹ George W. Bush mở chiến dịch Tự do Vĩnh cửu – đây là một chuỗi chiến dịch mà Mỹ nói là để chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu ở nhiều nước trên thế giới, từ Afghanistan và Iraq tới Philippines, Somalia, Pakistan, Yemen và Indonesia.
Ước tính tổng chi phí của cuộc chiến này (từ năm 2001 đến 2010) vọt lên mức 1.147 tỷ USD (đã quy đổi theo mức độ trượt giá).
Theo một ước tính năm 2013 của Giáo sư Linda Bilmes thuộc trường quản lý nhà nước John F. Kennedy, nếu tính cả chi phí y tế và đền bù thương tật dài hạn cùng các chi phí kinh tế-xã hội khác nữa thì tổng chi phí của cuộc chiến này nằm từ 4.000-6.000 tỷ USD.
Như vậy, cuộc chiến “Chống khủng bố” của Mỹ là tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ. Trong Thế chiến 2, Mỹ chỉ phải chi 3.000 tỷ USD (đã tính đến mức lạm phát hiện nay).
Ngoài tiền bạc, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ còn khiến liên minh do họ dẫn đầu mất hàng ngàn sinh mạng binh lính và làm hàng chục ngàn quân nhân khác bị thương.
Đã vậy cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afghanistan khó có thể kết luận là thành công mỹ mãn được. Hiện nay Iraq đang khổ sở vì bạo lực giáo phái và sự hoành hành của tổ chức khủng bố IS. Còn ở Afghanistan, lực lượng phiến quân Taliban đang chiếm ưu thế trở lại sau khi NATO rút đi.
Theo Trung Hiếu/VOV