Cam Ranh trong chiến lược hòa bình và ổn định Biển Đông

Google News

Thời gian qua, các chiến hạm nước ngoài đã liên tiếp đến Cam Ranh, điều này có vai trò thế nào đối với  hòa bình và ổn định trên Biển Đông?

Chiến hạm thế giới liên tiếp đến Cam Ranh
Sáng ngày 2/5, tàu chỉ huy và đổ bộ tấn công máy bay trực thăng BPC Tonnerre (L9014), thuộc lớp Mistral của Hải quân Pháp đã cập Cảng Quốc tế Cam Ranh - Khánh Hòa, thực hiện chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam lần thứ 2, từ ngày 2/5 đến ngày 6/5.
Chuyến thăm trước đó của chiến hạm này diễn ra từ 18 đến 21/6/2013, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp. Khi đó, tàu Tonnerre cùng tàu hộ tống George Leygues đã thực hiện chuyến thăm Thành phố Hồ Chí Minh.
Chuyến thăm Việt Nam của chiến hạm này diễn ra trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian vào tháng 6 và của Tổng thống Francis Hollande vào mùa thu năm nay, là biểu hiện mạnh mẽ cho thiện chí hợp tác ngày càng phát triển giữa hai quân đội và hai chính phủ.
Trong thời gian thực hiện chuyến thăm, chỉ huy tàu sẽ đến chào xã giao lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa và Học viện Hải quân. Phía Pháp mời đại diện của Việt Nam lên thăm tàu và phối hợp cùng Vùng 4 Hải quân tổ chức giao lưu thể thao giữa sĩ quan, thủy thủ hai nước.
Dự kiến, sau khi rời Cảng Quốc tế Cam Ranh, hai bên sẽ phối hợp tiến hành luyện tập chung trên biển với các khoa mục tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và thực hành Bộ quy tắc ứng xử cho các cuộc gặp gỡ bất ngờ trên biển (CUES).
Trước chuyến thăm của chiến hạm hàng đầu Pháp khoảng 3 tuần, 2 tàu khu trục của lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản là chiếc JS Ariake (DD-109) và JS Setogiri (DD-156), cũng đã sang thăm hữu nghị Việt Nam và cập Cảng Quốc tế Cam Ranh.
Trước đó, chuyến thăm đầu tiên của tàu hải quân nước ngoài là của tàu RSS Endurance, mang số hiệu 207 của Hải quân Singapore, tới cảng quốc tế Cam Ranh ngày 17/3, sau khi cảng này được khánh thành được hơn 1 tuần (chính thức đưa vào sử dụng vào ngày 8/3/2016).
Cam Ranh trong chien luoc hoa binh va on dinh Bien Dong
Trong chưa đầy 2 tháng qua, các chiến hạm nước ngoài đã liên tiếp đến Cam Ranh. 
Chỉ trong vòng gần 2 tháng, đã liên tiếp có 3 chuyến thăm viếng của hải quân nước ngoài đến Cam Ranh. Điều này chứng tỏ Việt Nam đã có quyết định sáng suốt khi xây dựng và đưa cảng dịch vụ quốc tế tại Vịnh Cam Ranh đi vào hoạt động.
Cảng quốc tế Cam Ranh đi vào sử dụng trong tình hình nóng
Cam Ranh vừa có địa thế tự nhiên rất có lợi cho hoạt động quân sự, lại cận kề tuyến đường vận tải biển quốc tế trọng yếu nên từ hàng trăm năm nay vịnh này luôn được hải quân các cường quốc coi là “trung tâm dịch vụ hậu cần” quan trọng.
Cam Ranh rất rộng lớn, có nhiều tiềm năng khai thác khác nên Việt Nam đã đầu tư xây dựng Cảng dịch vụ hậu cần kỹ thuật để có thể đón tiếp các loại tàu nước ngoài, trong đó có cả tàu quân sự, tàu dân sự, hay thậm chí là các loại có lượng giãn nước khổng lồ như tàu sân bay của Mỹ.
Giai đoạn mới trong xúc tiến hợp tác quân sự giữa Việt Nam và các nước trên thế giới đã được mở ra, trong bối cảnh tình hình căng thẳng liên tiếp gia tăng trên Biển Đông, với những hành động ngày càng ngang ngược và ngạo mạn của giới chức lãnh đạo Trung Quốc.
Mới đây, Bắc Kinh đã liên tiếp điều 2 giàn khoan “Hải Dương 943” và “Hải Dương 981”, ngang ngược cắm 2 giàn khoan này tác nghiệp trong khu vực chồng lấn mà Việt Nam và Trung Quốc cần phải giữ nguyên hiện trạng để đàm phán xác định chủ quyền.
Trước đó, vào tháng 5/2014, Trung Quốc đã từng đưa giàn khoan “Hải Dương 981” ra tác nghiệp ở khu vực đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động của tàu chấp pháp biển nhằm tranh đoạt chủ quyền phi pháp.
Mời quý độc giả xem video Máy bay chiến đấu bị bắn hạ:
Theo Đất Việt