Hệ thống phòng thủ tên lửa bảo vệ thủ đô Nga mạnh cỡ nào?

Google News

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga có khả năng đánh chặn hàng chục đầu đạn hạt nhân, các loại tên lửa đạn đạo tầm xa, tầm trung hiện có và tiềm tàng của kẻ thù.

Nhân kỷ niệm 58 năm ngày thành lập lực lượng, Chỉ huy Binh đoàn phòng thủ tên lửa của Nga, Thiếu tướng Sergei Grabchuk ngày 22/1 cho báo “Sao đỏ” biết chu trình chiến đấu của hệ thống phòng thủ tên lửa (ABM) bảo vệ Moscow kéo dài vài chục phút, và việc đánh chặn tên lửa chỉ mất chưa đầy một phút. Ông cho biết tốc độ bay của tên lửa đánh chặn tiêu diệt đầu đạn kẻ thù là hơn 3 km/giây - nhanh hơn 4 lần so với đạn súng trường tấn công Kalashnikov. Ông Grabchuk cho biết “các tên lửa đánh chặn nằm trong các bệ phóng ngầm dưới lòng đất, tại các vị trí xung quanh Moscow”.
Trên thực tế hành động đối phương phóng tên lửa đã được hệ thống cảnh báo sớm tấn công tên lửa xác định. Sau đó, các mục tiêu đạn đạo này được các trạm radar – lớp phòng thủ tên lửa thứ hai trên mặt đất, triển khai dọc biên giới Nga, giám sát. Các mục tiêu được xác định từ khoảng cách vài nghìn km. Vào thời điểm này, hệ thống phòng thủ tên lửa phân định rõ các đầu đạn trong số các mục tiêu giả và xác định quỹ đạo của chúng, ông Grabchuk lưu ý: “Đánh chặn tên lửa diễn ra rất nhanh và có thể kéo dài chưa đầy một phút”.
Theo ông, hệ thống phòng thủ tên lửa, được thiết kế để bảo vệ Moscow, có khả năng đánh chặn hàng chục đầu đạn hạt nhân, các loại tên lửa đạn đạo tầm xa, tầm trung hiện có và tiềm tàng của kẻ thù, được trang bị các hệ thống để xuyên phá hệ thống phòng thủ tên lửa. Nghĩa là, hệ thống này có thể đẩy lùi một cuộc tấn công hạt nhân hạn chế. Ông khẳng định: “Đối với các tên lửa đạn đạo hiện nay và tương lai của ‘các nước thứ ba’, việc đánh chặn chúng là không khó đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của chúng ta”.
He thong phong thu ten lua bao ve thu do Nga manh co nao?
Một sĩ quan bên trong trung tâm chỉ huy của radar đa năng Don-2-N. (Nguồn: Sputnik)
Tướng Grabchuk cũng lưu ý rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay của Moscow đáp ứng các điều kiện hiện tại và sẽ không trở nên lỗi thời dù đã 24 năm trôi qua kể từ khi nó được đưa vào hoạt động và trực chiến. Ông Grabchuk giải thích: “Tuy nhiên, do các giải pháp thiết kế tích hợp trong hệ thống khi chế tạo đã đi trước thời đại, nên điều này cho phép chúng tôi nay mở rộng thành công phạm vi nhiệm vụ và đối phó đầy đủ trước sự xuất hiện của các phương tiện tương lai trong một cuộc tấn công từ trên không và vũ trụ của kẻ thù”.
Ông lưu ý, trong quá trình vận hành hệ thống, một số giai đoạn hiện đại hóa phương tiện này đã hoàn tất. Trong tương lai gần, các tên lửa đánh chặn mới sẽ được đưa vào trực chiến. Ông nói: “Việc phát triển các tên lửa đánh chặn tương lai đang được tiến hành thành công. Điều này sẽ giúp tăng cường khả năng chiến đấu và cải thiện các đặc tính của hệ thống phòng thủ tên lửa mới trong tương lai gần”.
Việc hiện đại hóa sâu toàn bộ hệ thống phòng thủ tên lửa đang diễn ra, song nó không bỏ nhiệm vụ trực chiến. Ông Grabchuk cho biết: “Hiện đang diễn ra giai đoạn chuyển đổi sang nền tảng hiện đại và các thiết bị điện toán chuyên dụng hiệu suất cao đang được đưa vào vận hành”.
Binh đoàn ABM trực thuộc Tập đoàn quân 1, Lực lượng Phòng không - Phòng thủ tên lửa của Liên bang Nga. Đây là binh đoàn duy nhất của Nga có nhiệm vụ bảo vệ thủ đô trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của kẻ thù từ bất kỳ hướng nào, tham gia cảnh báo cuộc tấn công tên lửa và giám sát vũ trụ. Hệ thống này được lập ra trong khuôn khổ Hiệp ước ABM năm 1972, gồm một trạm chỉ huy, trạm radar Don-2N, các vị trí phóng, các bệ phóng tên lửa ngầm dưới mặt đất, các tên lửa đánh chặn, hệ thống truyền dữ liệu và liên lạc.
Năm 2017, báo Mỹ The National Interest cho rằng, Moscow là thành phố duy nhất trên thế giới được bảo vệ trước một cuộc tấn công hạt nhân. Các chuyên gia của báo này cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa A-135 đã xác định vị trí số 1 của thủ đô nước Nga trong xếp hạng các siêu đô thị được bảo vệ, và thậm chí Washington còn xếp sau Moscow.
Việc phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa A-135 Amur đã được tiến hành từ đầu những năm 1970. Các thử nghiệm cuối cùng hệ thống diễn ra tháng 12/1989 và một năm sau đó hệ thống được đưa vào trực chiến. Hệ thống có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa bằng các tên lửa đánh chặn lắp đầu đạn hạt nhân, đánh chặn ở 2 tầng không gian (dưới và trong bầu khí quyển), phân tách các mục tiêu giả và thật.
Theo QT/Báo Quốc tế