Vào năm 1999, Trung Quốc đã đặt hàng lô chiến đấu cơ Su-30MKK đầu tiên, 38 chiếc này được giao trong giai đoạn 2000 - 2001, giá trị hợp đồng ước tính 1,5 - 2 tỷ USD. Ngay trong năm 2001, họ lại ký hợp đồng 2 tỷ USD mua thêm 38 chiếc Su-30MKK nữa, việc giao hàng diễn ra trong hai năm 2002 và 2003.
Với 76 tiêm kích Su-30MKK, Không quân Trung Quốc từng là quốc gia sở hữu phi đội Su-30 lớn nhất thế giới trước khi bị Không quân Nga và Ấn Độ đuổi kịp rồi vượt lên bằng phiên bản Su-30MKI cũng như Su-30SM và Su-30M2.
Dựa vào tính năng ưu việt của tiêm kích Su-30MKK, Trung Quốc đã ưu tiên trang bị nó cho những đơn vị chủ lực tinh nhuệ nhất, thường xuyên được sử dụng làm "quân xanh" đấu với "quân đỏ" trang bị tiêm kích nội địa như J-7 hay J-8II.
|
Tiêm kích Su-30MKK của Lữ đoàn không quân số 9 - Chiến khu Đông bộ, ảnh được chụp trong lễ chia tay |
Sử dụng Su-30MKK đấu với tiêm kích thế hệ 2 được so sánh như "dùng dao mổ trâu để làm thịt gà", qua đó đã cơ bản cho phi công Trung Quốc thấy được chiến tranh hiện đại có quy mô khốc liệt như thế nào.
Nhưng với sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp quốc phòng nói chung và công nghiệp hàng không quân sự nói riêng trong những năm gần đây, Su-30MKK đã đánh mất vai trò chủ lực của Không quân Trung Quốc.
Các loại tiêm kích nội địa do nước này chế tạo như J-11D, J-16, J-10B và đặc biệt là chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 J-20 được đánh giá đã sở hữu nhiều tính năng kỹ chiến thuật vượt xa Su-30MKK, bởi vậy chúng đang từng bước thay thế máy bay Nga tại các đơn vị trọng yếu.
Mới đây Trung Quốc đã công bố bức ảnh chụp các tiêm kích Su-30MKK thuộc biên chế Lữ đoàn không quân số 9 - Chiến khu Đông bộ PLA trong lễ chia tay, đơn vị này sẽ tiếp nhận J-20 để thay thế còn Su-30MKK bị đẩy về đơn vị tuyến sau thay thế cho số J-8II và J-7 hết hạn sử dụng.
|
Tiêm kích tàng hình J-20 của Không quân Trung Quốc |
Việc Không quân Trung Quốc sớm dùng J-20 để thay thế Su-30MKK đã cho thấy họ rất tự tin vào chất lượng cũng như tính năng kỹ chiến thuật của chiến đấu cơ thế hệ 5 do mình chế tạo, bất chấp những nghi ngờ từ bên ngoài.
Đồng thời việc thay thế Su-30MKK tại các đơn vị trong yếu còn chứng minh dây chuyền lắp ráp J-20 đã hoạt động trên quy mô lớn, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới sau Mỹ trang bị tiêm kích tàng hình trên diện rộng.
Nhìn thấy sự thành công của tiêm kích J-20 Trung Quốc có lẽ nhiều người đang cảm thấy ngậm ngùi khi chiếc Su-57 mãi vẫn chưa hoàn thiện, nó chỉ được đặt hàng một lô nhỏ 12 chiếc nhằm giải cứu nhà sản xuất và chưa có dự định chế tạo đợt thứ hai.
Theo Chí Linh/báo Đất Việt