Trang mạng Sina đã có buổi trao đổi với sĩ quan cấp cao không quân Myanmar nhân chuyến thăm của đoàn đến Trung Quốc. Vị sĩ quan khẳng định rằng, không quân Myanmar chắc chắn mua tiêm kích FC-1 Xiaolong, còn gọi là JF-17 Thunder do Trung Quốc hợp tác sản xuất cùng Pakistan.
Vị sĩ quan không cho biết số lượng mua, nhưng theo một nguồn tin thân cận với Sina ở Israel từng tiết lộ trong tháng 1 rằng, Myanmar đã đặt hàng 16 chiếc FC-1 với đơn giá 35 triệu USD/chiếc. Không quân Myanmar vốn sử dụng khá nhiều máy bay do Trung Quốc sản xuất như J-7M (phiên bản MiG-21 do Trung Quốc chế tạo), máy bay tấn công mặt đất Nanchang Q-5, máy bay huấn luyện K-8.
Do đó, các phi công Myanmar sẽ dễ làm quen với các thiết bị do Trung Quốc sản xuất lắp trên tiêm kích FC-1. Khi được hỏi về tiêm kích J-10 và tiêm kích tàng hình J-20, vị sĩ quan không quân Myanmar cho biết rất thích 2 mẫu chiến đấu cơ này, nhưng không có nhu cầu.
|
Tiêm kích FC-1 cùng vũ khí trang bị đi kèm được trưng bày tại triển lãm Farnborough Air Show 2010 ở Pháp. Ảnh: Wikipedia |
Ngoài FC-1, không quân Myanmar cũng bày tỏ sự quan tâm đối với máy bay giám sát mini Aerial Survey Star. Chiếc máy bay được chuyển đổi từ máy bay hạng nhẹ Diamond DA42 được trang bị máy ảnh độ phân giải cao LIDAR. Bộ máy ảnh này có thể nhanh chóng tạo ra bản đồ 3D với độ phân giải cao.
Như vậy nếu hợp đồng mua FC-1 của Myanmar được xác nhận, chiến đấu cơ được kỳ vọng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc sẽ có khách hàng thứ 2 sau Pakistan. FC-1 được ví von là “F-16 của Trung Quốc” thuộc loại chiến đấu cơ đa nhiệm, một động cơ.
Ban đầu, dự án FC-1 được phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu của không quân Pakistan về một chiến đấu cơ chi phí thấp, nhưng có tiềm năng xuất khẩu. Quá trình phát triển FC-1 bắt đầu từ năm 1995, tiêm kích này chính thức được biên chế trong không quân Pakistan với tên gọi JF-17 Thunder từ năm 2007.
|
JF-17 của không quân Pakistan. Ảnh: Wikipedia |
Hiện tại, Pakistan là khách hàng lớn nhất của loại chiến đấu cơ này. FC-1 được trang bị động cơ RD-93 do Nga sản xuất, phần lớn hệ thống điện tử trên FC-1 do Trung Quốc sản xuất. Chiến đấu cơ này có thể mang theo 3,6 tấn vũ khí, tốc độ bay tối đa khoảng 1.960 km/h.
Thời gian qua, Trung Quốc và Pakistan thực hiện khá nhiều hoạt động quảng bá cho FC-1 nhằm tìm kiếm thêm khách hàng nhưng chưa thành công. Trước đó, Sri Lanka từng cam kết mua 8 tiêm kích FC-1, nhưng chính phủ mới ở Sri Lanka từ chối thực hiện cam kết do tổng thống cũ để lại.
Morocco cũng bày tỏ sự quan tâm đến FC-1 khi nó được trưng bày tại triển lãm hàng không Marrakech 2016, diễn ra vào tháng 4 tại thành phố Marrakech, Morocco. Nhưng các nhà phân tích nhận định, thỏa thuận mua FC-1 khó đi đến thành công vì tiêm kích này không phù hợp với cơ sở hạ tầng thông tin điện tử ở Morocco.
FC-1 cũng được mang đến giới thiệu tại triển lãm quốc phòng và không gian vũ trụ châu Phi diễn ra tại Pretoria, Nam Phi, nhưng không tìm được khách hàng nào. Các nhà phân tích nhận định, vấn đề chất lượng chính là rào cản khiến các nước e ngại khi mua vũ khí Trung Quốc, trong đó có FC-1.
Quốc Minh