Pháo hạm giữa thời đại tên lửa
Cùng với các loại tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không, ngư lôi chống ngầm, pháo hạm là một trong những loại vũ khí chủ lực được trang bị trên tàu chiến hải quân các nước. Do sở hữu nhiều tính năng ưu việt cùng khả năng thực hiện đa dạng các loại nhiệm vụ nên hiện nay pháo hạm đang được nhiều nước tập trung phát triển.
Theo các chuyên gia quân sự, pháo hạm có nhiều ưu điểm đó là: phản ứng nhanh trước các tình huống khẩn cấp; cơ số đạn mang theo lớn nên có thể tác chiến trong thời gian dài; năng lực tác chiến mạnh với tầm bắn hiệu quả và độ tin cậy cao.
Bên cạnh đó, do được vận hành tự động hoặc bán tự động nên khả năng kháng nhiễu tốt đồng thời chúng còn có thể tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết với chi phí sản xuất thấp.
|
Pháo hạm Mk 45, một trong những vũ khí tiêu chuẩn trên các khu trục hạm của Hải quân Mỹ. Nguồn ảnh: Wikipedia |
Pháo hạm có thể thực hiện đa dạng các loại nhiệm vụ như: phòng không tầm thấp với nhiệm vụ chủ yếu là tiêu diệt máy bay trực thăng hoặc tên lửa của đối phương; chế áp hỏa lực bắn thẳng của tàu chiến đối phương; tiêu diệt các mục tiêu cơ động mặt nước.
Một số loại pháo hạm điển hình trên thế giới:
Pháo hạm Mk 45
Pháo Mk 45 là loại pháo hạm 127mm nòng đơn của Mỹ được bắt đầu nghiên cứu chế tạo từ thập niên 1960 để thay thế cho mẫu Mk 42. Pháo Mk 45 được nghiên cứu thành công vào năm 1968 và được đưa vào trang bị từ năm 1971. Tàu chiến đầu tiên của Mỹ được trang bị pháo hạm Mk 45 là tàu tuần dương động cơ hạt nhân lớp California.
|
Pháo hạm Mk 45 Mod 4 trên tàu khu trục mang tên lửa USS Forrest Sherman (DDG 98) của Hải quân Mỹ trong một đợt diễn tập bắn đạn thật. Nguồn ảnh: Wikipedia |
Đến nay Mk 45 được phát triển thành 4 biến thể, bao gồm Mod 0, 1, 2, 4. Mk-45 có trọng lượng khoảng 24 tấn, tốc độ bắn 20 phát/phút và tầm bắn tối đa là 36km.
Pháo hạm OTO Melara
Loại pháo hạm này do Tập đoàn Oto Melara/Italy nghiên cứu chế tạo và được trang bị rộng rãi cho hải quân các nước trên thế giới. Chủ yếu sử dụng để phòng không và tiến công mục tiêu cỡ vừa và nhỏ trên biển hoặc trên bờ, được trang bị cho tàu khu trục hoặc tàu hộ vệ.
|
Pháo hạm OTO. Ảnh: Wikipedia |
Pháo hạm OTO có đường kính nòng 127mm; trọng lượng 17 tấn, khi bắn đạn pháo thông thường thì tốc độ bắn là 32 phát/phút, tầm bắn đạt 32km; khi bắn đạn pháo điều khiển tầm xa Vulcano, tầm bắn lớn nhất đạt trên 100km.
Pháo hạm A-192
Pháo hạm 130mm A-192 là một loại pháo hạm nòng đơn hạng nhẹ tiên tiến của Hải quân Nga, kiểu nhỏ gọn được nghiên cứu chế tạo trên cơ sở pháo hạm nòng đôi AK-130 của Liên Xô. Pháo hạm 130mm A192 sử dụng tháp pháo tàng hình với đạn sử dụng giống với AK-130.
|
Nguồn ảnh: survincity.com. |
Pháo nặng 25 tấn, tốc độ bắn 30 phát/phút, góc tà -150 đến +800, góc hướng là 1700, tầm bắn lớn nhất 23km, độ cao bắn lớn nhất khi đối phó với mục tiêu trên không là 18km.
Pháo hạm MLG-27
Pháo hạm 27mm MLG-27 do Công ty Rheinmetall của Đức nghiên cứu chế tạo, năm 2003 được đưa vào sử dụng để thay thế cho loại pháo 20mm và 40mm điều khiển bằng tay. Tháp pháo sử dụng trục kép ổn định, trọng lượng 1 tấn; tốc độ bắn từ 200 - 1.700 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 2.500m.
|
Tổ hợp vũ khí đánh chặn tầm gần MLG-27. Ảnh: Wikipedia |
Pháo hạm AK 630
AK-630 là tổ hợp vũ khí đánh chặn tầm gần sử dụng đạn pháo 30mm 6 nòng tự động hoàn toàn do Liên Xô phát triển vào thập niên 1960. Đây là một trong những hệ thống vũ khí phòng không tầm gần đa nòng đầu tiên trên thế giới.
|
Tổ hợp vũ khí đánh chặn tầm gần AK-630. Ảnh: Wikipedia |
AK-630 được trang bị một đài radar điều khiển hỏa lực, thiết bị bắt bám quang điện tử kết hợp thành. Hiện nay loại pháo này được lắp đặt phổ biến trên các lớp tàu chiến của Hải quân Nga, tốc độ bắn 3.000 phát/phút, tầm phòng không hiệu quả 4.000m, tầm bắn đối hải 5.000m.
Pháo hạm Millennial
Hệ thống pháo hạm Millennial 35mm là hệ thống vũ khí phòng không tầm gần do Công ty Rheinmetall/Đức nghiên cứu chế tạo. Hệ thống này khi lắp đặt không yêu cầu có mặt sàn tàu thông suốt chỉ cần sàn tàu có không gian lắp đặt phù hợp, có thể hàn trực tiếp vào bất cứ vị trí nào trên sàn tàu.
|
Nguồn ảnh: Reddit. |
Hệ thống này được điều khiển bởi radar hoặc thiết bị bắt bám mà hệ thống điều khiển hỏa lực kiểu bố trí bên ngoài sử dụng, được trang bị 01 camera truyền hình để quan sát, sau khi quan sát được sẽ chuyển hình ảnh về cho nhân viên điều khiển, khiến nhân viên điều khiển cũng có thể lấy điểm ngắm và khai hỏa khi ở chế độ khẩn cấp.
Hệ thống pháo hạm này được bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm 2003, trọng lượng toàn bộ hệ thống 3.3 tấn, tốc độ bắn từ 200 - 1000 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 3.500m.
Mời độc giả xem video: Cận cảnh pháo hạm hải quân các nước. (nguồn Military Archive)
Lam Ngọc