NS Đoàn Bổng muốn phanh phui vụ tác quyền show Khánh Ly

Google News

“Nếu tôi được quyền điều tra, đi đến đoàn diễn nào, tôi cũng sẽ phanh phui ra hết...".

Sau khi đọc được loạt bài viết liên quan vụ “đòi tác quyền đêm nhạc Khánh Ly lần thứ hai” trên báo Người Đưa Tin, nhạc sỹ Đoàn Bổng đã gọi điện đến đường dây nóng của báo chia sẻ nhiều ý kiến. Trao đổi với PV, nhạc sỹ Đoàn Bổng nói: “Nếu tôi được quyền điều tra, đi đến đoàn diễn nào, tôi cũng sẽ phanh phui ra hết những hành vi trốn tránh nghĩa vụ tác quyền với các nhạc sỹ...”.
- Thưa ông, trả lời phỏng vấn báo Người Đưa Tin, NSND Trần Bình (Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam) cho rằng, “hành vi của nhạc sỹ Phó Đức Phương giống như cách đi đòi nợ thuê”. Ông có ý kiến gì về điều này?
- Phải nói thế này: Ngành thuế cũng đang thực hiện công việc đi đòi nợ cho Nhà nước. Vì thế, chúng ta mới có lương. Chúng tôi ủy quyền cho họ (Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - VCPMC) đi đòi thì họ phải đi đòi. Vì họ ăn lương do chúng tôi trả. Tại sao họ phải đi đòi như thế? Bởi vì anh không nghiêm chỉnh chấp hành, anh không sòng phẳng, anh trốn tránh nghĩa vụ nộp tiền tác quyền. Chứ bản thân chúng tôi toàn bị ăn quỵt là vì thế…
- Ai ăn quỵt ông vậy?
- Các nhà sản xuất, các nhà tổ chức, hay gọi chung là các ông “bầu” show ca nhạc. Ca sỹ đi diễn thì họ đòi được cát-sê ngay, nhạc công cũng thế, bộ phận âm thanh, ánh sáng cũng vậy. Còn chúng tôi là các nhạc sỹ, người ta hát ở đâu, làm sao chúng tôi nắm được mà đi đòi. Nếu không có trung tâm VCPMC đi đòi thì chúng tôi toàn bị ăn quỵt. Bản thân tôi, từ trước đến nay, chưa thấy ông “bầu” nào chủ động đến trả cho tôi một đồng bản quyền.
 Nhạc sỹ Đoàn Bổng trao đổi với PV. Ảnh: Thành Long
- Theo ông, lý do vì sao họ lại ăn quỵt được tiền bản quyền của các nhạc sỹ?
- Bởi vì việc xin phép biểu diễn, phát hành quá dễ. Đáng lẽ, trước khi cấp phép biểu diễn, hay phát hành, cơ quan quản lý Nhà nước (trong đó có cục Nghệ thuật Biểu diễn - bộ VH-TT&DL) phải yêu cầu các ông “bầu” thực hiện trả tiền tác quyền. Thế nhưng, ở ta toàn làm ngược lại: Cấp phép cứ cấp phép, việc trả tác quyền ra sao chả ai quan tâm, ngoài trung tâm VCPMC và các nhạc sỹ. Dường như, cơ quan quản lý Nhà nước đang đứng ngoài cuộc thì phải…
- Có vẻ như ở đây thiếu sự công bằng…, thưa ông?
- Cái đấy là quá rõ. Tôi xin nói thế này, trong một lần họp với một quan chức ngành Văn hóa, ông này nói rằng, trong các chương trình biểu diễn phục vụ hoạt động công cộng thì không thu tiền tác quyền. Việc này, tôi hoàn toàn đồng ý. Chẳng hạn, trong các ngày lễ kỷ niệm trọng đại, chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ sẽ kiếm chút tiền bản quyền. Thế nhưng, nói đi phải nói lại: Trong các chương trình đó, người ta trả cát-xê cho ca sỹ, nhạc công, âm thanh, ánh sáng… còn với nhạc sỹ, thì không có gì. Nếu không có tác phẩm của chúng tôi thì họ lấy cái gì mà diễn mà hát chứ…
- Ông thấy cách trả tiền tác quyền của trung tâm VCPMC ra sao, thưa nhạc sỹ?
- Tôi chẳng biết nói thế nào. Bản thân tôi là một trong 10 nhạc sỹ đầu tiên tham gia hội viên của Trung tâm này, với hơn 200 ca khúc được bảo hộ. Thế nhưng, cứ mỗi quý, tôi nhận được một bảng kê tiền tác quyền dài cả chục trang, nhưng toàn tiền lẻ. Cái nhiều nhất thì vài trăm nghìn đồng, còn chủ yếu là vài ba nghìn đồng, đúng bằng cốc trà đá vỉa hè.
- Ông có nhiều ca khúc nổi tiếng như “Dòng sông quê em, dòng sông quê anh”, “Từ làng sen con hát tên Người”… Những ca khúc này đã nhiều lần được thu âm trong các album của nhiều ca sỹ nổi tiếng như Anh Thơ, Trọng Tấn, Tân Nhàn… Vậy, ông có nhận được tiền tác quyền hay không?
- Tôi chưa bao giờ nhận được một đồng tác quyền đối với các tác phẩm của mình khi được thu âm lần đầu. Thậm chí, gần đây, ca khúc “Tìm em” được phát hành trong album của công ty Thăng Long, tôi cũng chả thấy xin phép hay trả tiền tác quyền gì cả.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Người Đưa Tin