Từ "hổ tướng" của ngành cảnh sát...
Ông Trọng năm nay 52 tuổi, quê gốc Hải Dương nhưng sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng trong một gia đình có truyền thống cách mạng với nhiều người là cán bộ ngành công an. Cha ông Trọng là ông Dương Khắc Thụ, nguyên đại tá - giám đốc công an TP Hải Phòng trong thập niên 1970 - 1980.
Ông Trọng là con thứ trong một gia đình có 5 người con, là em trai của Dương Chí Dũng - người vừa lĩnh án tử hình trong phiên xét xử hôm 14/12/2013 liên quan đến vụ bê bối tại Vinalines. Ông Trọng có một người em gái là bà Dương Thị Băng Tâm - cán bộ công an PC25 Hải Phòng.
Sau khi tốt nghiệp ĐH Bách Khoa Hà Nội, Dương Tự Trọng gia nhập lực lượng công án và công tác tại công an TP Hải Phòng với vai trò là cán bộ công an một phường thuộc quận Lê Chân. Sự nghiệp thăng tiến, ông Trọng lần lượt giữ chức Trưởng phòng cảnh sát hình sự rồi sau đó lên làm Phó giám đốc công an TP Hải Phòng. Trong thời gian công tác, ông Trọng từng trực tiếp chỉ đạo nhiều chuyên án lớn, triệt phá nhiều băng nhóm giang hồ cộm cán đất Cảng. Ông Trọng cũng từng triệt phá nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy lớn và tóm gọn nhiều đối tượng giết người đặc biệt nguy hiểm.
|
Chiếc áo Dương Tự Trọng mặc trong phiên tòa ngày 8/1/2014. |
Ông Trọng cùng với trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm và trung tướng Nguyễn Đức Nhanh - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 2, Giám đốc Công an TP Hà Nội được coi là những "hổ tướng" lừng lẫy, lập nhiều chiến công vang dội trong nghiệp cảnh sát.
Trong đó, ông Phan Văn Vĩnh chính là Trưởng ban chuyên án vụ bắt giữ bầu Kiên và ghi đậm dấu ấn trong việc điều tra vụ thảm sát tại Bắc Giang do Lê Văn Luyện thực hiện. Còn tên tuổi ông Nguyễn Đức Nhanh gắn nhiều với các chuyên án lớn như phá đường dây buôn bán trái phép chất ma túy Vũ Xuân Trường, giải cứu con tin cháu bé là người Nhật...
Về ông Dương Tự Trọng, trước khi bị bắt vì tội "Tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài" liên quan tới cuộc đào tẩu của Dương Chí Dũng, ông Trọng đang giữ chức Cục phó Cục Cảnh sát Quản lí Hành chính về trật tự xã hội.
... đến đưa anh trai chạy trốn bằng nghiệp vụ "nhà nghề"
Theo tài liệu vụ án, chiều 17/5/2012, Dương Chí Dũng (lúc này đang là Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam) nhận được một cuộc điện thoại báo tin sẽ bị khởi tố, bắt giam vì những sai phạm ở Vinalines. Lập tức, Dương Chí Dũng gọi điện báo cho em trai là Dương Tự Trọng (lúc đó là Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng) thông tin khẩn cấp này.
Ngay khi được anh trai thông báo, Dương Tự Trọng nói anh trai đến ngay nhà bồ nhí là Hoàng Kim N. (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) và ở yên tại đó đợi người của Dương Tự Trọng đến đón. Đồng thời, Dương Tự Trọng cũng lấy điện thoại của cấp dưới mình là Nguyễn Trọng Ánh (khi đó là cán bộ phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Hải Phòng) điện thoại cho bà N. nói ra đầu ngõ đón Dũng vào nhà, chờ người của Trọng đến đưa đi.
Sau đó, Dương Tự Trọng gọi 2 thuộc cấp thân tín của mình là Vũ Tiến Sơn (lúc đó là phó phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) và Hoàng Văn Thắng (cán bộ của phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường) đến phòng làm việc của mình. Tại đây, Dương Tự Trọng thông báo cho 2 thuộc cấp việc anh trai mình là Dương Chí Dũng đã bị khởi tố và bàn cách đưa Dương Chí Dũng trốn đi ra nước ngoài.
Ngay sau đó, Trọng cùng Sơn, Ánh và Nguyễn Thái Hưng (cán bộ hải quan TP Hải Phòng) lên xe đi Hà Nội để "giải nguy" cho Dương Chí Dũng. Đồng thời, Dương Tự Trọng cũng giao cho Thắng lái xe đến đón Phạm Minh Tuấn (Giám đốc xí nghiệp Bạch Đằng, là bạn thân của Dương Tự Trọng) đi Hà Nội, đến nhà N. đón Dương Chí Dũng.
Sau đó, Thắng, Tuấn và Dương Chí Dũng cùng đi Quảng Ninh đến nhà cha bà N., sau đó để Dương Chí Dũng ở lại. Để tránh sự nghi ngờ của cơ quan chức năng, Dương Tự Trọng không ra mặt mà giao cho Vũ Tiến Sơn thay mình đứng ra chỉ đạo, liên lạc với các đối tượng khác. Trong quá trình liên lạc với nhau, các đối tượng đều sử dụng tên giả và sim "rác" để tránh bị phát hiện.
Sau khi đón Dương Chí Dũng từ Quảng Ninh về, các đối tượng thực hiện hành trình vào TP HCM. Sau khi vào đến TP HCM, các đối tượng đã mượn ô tô 4 chỗ mang biển số TP HCM sử dụng để tránh bị phát hiện, còn ô tô biển số Hải Phòng được gửi tại Trung tâm thương mại Vincom (quận 1).
Trong thời gian ấy, lợi dụng việc được cử đi công tác tại TP HCM, Dương Tự Trọng và Vũ Tiến Sơn đã đi máy bay từ Hải Phòng vào TP HCM, trực tiếp chỉ đạo việc đưa Dương Chí Dũng trốn sang nước ngoài.
Tuy nhiên, ngày 4/9/2012, Dương Chí Dũng bị cơ quan chức năng Campuchia và Việt Nam bắt giữ để đưa về Việt Nam xử lý sau gần 4 tháng lẩn trốn.
Dương Tự Trọng có coi thường bản án?
Tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng diễn ra ngày 8/1/2014 tại TAND TP Hà Nội, điều khiến nhiều người thắc mắc là chiếc áo phông đen, với dòng chữ lớn Black Flag mà Trọng mặc.
Nhiều ý kiến tranh luận cho rằng, thông thường tại các phiên xử, bị cáo thường mặc áo sơ mi hoặc áo phông trơn nhưng lần này, nguyên đại tá, nguyên Phó giám đốc Công an Hải Phòng lại được phép mặc áo có "họa tiết lạ" như biểu tượng của một ban nhạc rock, dịch nghĩa từ tiếng Anh sang tiếng Việt là: "Cờ đen". Black Flag là ban nhạc Mỹ, từng nổi tiếng với những bài hát phê phán cảnh sát và từng có nhạc phẩm chứa ca từ chống Chính phủ. Nhiều người thắc mắc, vậy phải chăng Dương Tự Trọng là fan của ban nhạc và ông mặc chiếc áo này khi đến tòa để ám chỉ sự bất mãn khi bị loại khỏi lực lượng cảnh sát?
Tuy nhiên, theo một số cựu cán bộ ngành tư pháp thì đây chỉ là một sự vô tình ngẫu nhiên. Ở nước ta chưa từng có tiền lệ bị cáo phải thay đổi áo khác ở phiên tòa vì lý do bất hợp lý. Bởi trang phục của bị cáo đã được lực lượng an ninh kiểm tra và dẫn giải từ trại giam đến phòng xử án. Hơn nữa, nhiều khi bị cáo mặc quần áo theo sở thích như màu sắc sặc sỡ hoặc ký hiệu lạ. Luật trước kia quy định, tội phạm khi bị bắt sẽ phải mặc áo sọc, nhưng sau này, để đảm bảo quyền con người, luật pháp quy định khi ra tòa các bị cáo có thể mặc thường phục.
Theo ông Hồ Quốc Thái, nguyên Phó viện trưởng viện Phúc thẩm 1 (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao), việc mặc áo của một số bị cáo không loại trừ khả năng thông cung, bí mật trao đổi với những người có liên quan khác để cho nhau biết những gì đã khai với cơ quan điều tra. Ông Thái cũng cho rằng, trong thời gian tới cần có những văn bản cụ thể về trang phục dành cho bị cáo khi ra tòa. Nếu không mặc áo số, áo sọc thì phải mặc thế nào đó cho thật phù hợp.
Trong phiên tòa, nhiều người cũng thắc mắc về nụ cười và phong thái điềm tĩnh của Dương Tự Trọng. Sau khi nghe tuyên án, Dương Tự Trọng giơ tay chào anh em, dặn vợ con không được khóc, bình thản nhận bản án 18 năm tù ngay cả trong lời nói cuối cũng như biểu thị thái độ bằng một nụ cười.
Về chiếc áo mà Dương Tự Trọng mặc trong phiên tòa xét xử, bà Dương Thị Băng Tâm (em gái Dương Tự Trọng) hết sức bất ngờ với thông tin dư luận bàn về chiếc áo mà anh mặc. Theo lời bà Tâm đây là một trong rất nhiều bộ quần áo mà vợ ông Trọng đã mua và gửi vào trại giam cho chồng. Bà Tâm cảm thấy rất khổ tâm trước luồng dư luận vì theo bà Tâm, từ trước tới nay ông Trọng chưa từng nghe nhạc nước ngoài hay thích một nhóm nhạc nước ngoài nào. "Đây chỉ là sự vô tình bởi 2 ngày ra tòa, anh Trọng mặc 2 chiếc áo khác nhau", bà Tâm nói.
Như vậy, vì tình thân, một "hổ tướng" đầu đội trời chân đạp đất như Dương Tự Trọng cuối cùng phải chịu kết cục bi thảm khi cố cứu anh - dù biết cứu là phạm pháp và có tội... Trách mà cũng thương!
Minh Phương