Học sinh “đầu trần” đi xe đạp điện: CSGT khó xử

Google News

(Kiến Thức) - "Nếu xử lý các em thì cũng tội, vì các em sẽ không được thi tốt nghiệp, hạnh kiểm kém", "nhiều lúc xử lý vi phạm các cháu xin, khóc, giãi bày làm chúng tôi cũng rất khó xử".

Đó tâm sự rất thật của các chiến sĩ CSGT Thủ đô khi xử lý các trường hợp học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu... 
Biết vi phạm vẫn không đội mũ bảo hiểm
Theo ghi nhận của PV Kiến Thức, trên các tuyến đường phố của Thủ đô có khá nhiều người điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm (MBH), chạy rất nhanh trên đường. Điều đáng nói, những người vi phạm luật giao thông này chủ yếu là học sinh.
Các em học sinh đi xe đạp điện thản nhiên giăng hàng 3 giữa đường.
Các em không chỉ phóng nhanh vượt ẩu mà còn “cắt mặt, ép đầu” các phương tiện tham gia giao thông trên đường, đặc biệt là xe ô tô. Bên cạnh đó, các em còn đi hàng 3-4, đùa nghịch với nhau trên đường, mặc các phương tiện đi trước và đi sau mình.
Không chỉ có vậy, nhiều học sinh còn chở bạn, kéo theo chiếc xe đạp phía sau, thậm chí chở ba, đánh võng trên đường, không đội MBH. Những lần như vậy, thấy CSGT đứng phía trước là các "quái xế" phóng nhanh chạy bạt mạng để tránh sự truy bắt.
Nữ sinh điều khiển xe đạp điện đầu trần trên phố.
"Xử thì thương..."
PV Kiến Thức đã đi theo các chiến sĩ CSGT tìm hiểu tại sao các em lại không đội MBH khi đã có quy định bắt buộc người điều khiển xe đạp điện tham gia giao thông phải đội MBH. 
Tại chốt giao thông ngã tư đường Thanh Niên – Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội, các chiến sĩ CSGT vừa ra hiệu lệnh dừng xe đối với 2 em học sinh điều khiển xe đạp điện không đội MBH. 
Học sinh điều khiển xe đạp điện không đội MBH bị CSGT kiểm tra xử lý vi phạm.
Hai em học sinh này đang học lớp 9 trường THCS Hoàn Kiếm, Hà Nội. Các em nói có biết quy định phải đội MBH khi đi xe đạp điện, nhưng lấy lý do "vì vội đi mua đồ cho lớp nên quên không mang theo MBH".  
Trao đổi với PV Kiến Thức, Trung úy Phạm Văn Luyến, Đội CSGT số 14, Phòng CSGT đường sắt – đường bộ Công an TP. Hà Nội cho biết: “Thật lòng, nếu không xử lý các em học sinh không đội MBH thì rất thương cho các em ấy. Bởi không xử lý các em sẽ nhờn, nguy hiểm đến tính mạng, hơn nữa mình làm không đúng luật đã định. 
Nếu xử lý các em thì cũng tội, vì các em sẽ không được thi tốt nghiệp, hạnh kiểm kém… Nhiều lần chúng tôi chỉ nhắc nhở, nhưng có quy định thì phải phạt hành chính. CSGT có xử lý mạnh tay đến mấy, nhưng không được sự giáo dục từ nhà trường và đặc biệt là từ các bậc phụ huynh thì cũng khó để các em chấp hành”.
"Các em đang tuổi ăn học lấy đâu ra tiền mà nộp phạt, nếu có tiền cũng là tiền của cha mẹ. Hàng ngày các em vẫn đến lớp, vui chơi với bạn bè… bản thân các em có bị mất tiền phạt đâu mà lo. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong các bậc phụ huynh có biện pháp giáo dục con cái, để đảm bảo kinh tế cho gia đình và an toàn tính mạng cho con em mình, tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra”, Trung úy Luyến nói thêm.
Nhiều trường hợp CSGT phải "mềm lòng" khi xử lý các trường hợp nữ sinh đi xe đạp điện không đội MBH.
Cũng như trung úy Luyến, một chiến sĩ CSGT Đội số 2 cho biết: "Nói thật lòng, chẳng ai muốn xử lý các cháu cả. Nhưng đó là nhiệm vụ để bảo vệ các cháu, nên mình phải làm. Nhiều lúc xử lý vi phạm các cháu xin, khóc, giãi bày… làm chúng tôi cũng rất khó xử".
Theo thống kê của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) - Công an TP Hà Nội thì trong tháng 9/2013 đã xử lý 620 trường hợp người điều khiển xe đạp, xe máy điện vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, tạm giữ 48 phương tiện, phạt cảnh cáo 145 trường hợp, phạt tiền 475 trường hợp.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hiện nay, tại các đô thị, số người sử dụng xe đạp điện tăng quá nhanh, hầu hết đều vi phạm luật giao thông. Thế nhưng, mới chỉ có TP. Hà Nội và Quảng Ninh ra quân xử lý người điều khiển xe đạp điện không đội MBH, đi sai làn đường.

Tiến Dũng