Tướng Anh viết về những ngày đầu Cách mạng 1945

Google News

Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự kiện long trời lở đất tạo bước ngoặt trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Xin được trở lại không khí của những ngày này 68 năm về trước qua sự quan sát, mô tả của viên tướng người Anh Peter M’c Donald trong một ấn phẩm được Nhà xuất bản Fourth Estate phát hành lần đầu năm 1993.

Thần tốc giành độc lập
Ngày 25/8/1945, theo lệnh Cụ Hồ, Tướng Võ Nguyên Giáp đưa quân về Hà Nội. Cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi và trong vòng 10 ngày chế độ thực dân cùng tàn dư phong kiến đã bị quét sạch. Cuộc cách mạng bùng lên như một cơn lốc. Chỉ trong vài ngày, sự nhục nhã và nỗi khổ đau của kiếp nô lệ đã chấm dứt. Sự hồi sinh thật phi thường. Hôm qua, thành phố còn tê liệt vì nạn đói, bệnh dịch và nỗi kinh hoàng, còn hôm nay cuộc sống đã hồi sinh trên từng ngõ phố. Bao trùm là bầu không khí trong lành và phấn chấn. Cờ đỏ sao vàng tràn ngập phố phường. Cách mạng thực sự là ngày hội cho những người bị áp bức.
 Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay
Đối với Việt Minh, điều quan trọng lúc này là phải lấp khoảng trống về chính quyền và đưa họ lên thành một chính phủ hợp pháp trước khi  Nhật hoặc đồng minh có thời gian phản ứng.
Sau khi bố trí lực lượng, Tướng Giáp được đưa về một cơ sở ở phố Hàng Ngang. Tại đây, ông biết Cụ Hồ đang trên đường về Hà Nội dưới sự hộ tống của Phân đội Quang Trung. Ngày hôm sau, 29/8, Cụ Hồ đã giành lại nước Việt Nam và thành lập chính quyền đầu tiên. Để thu hút được nhiều tổ chức, dân tộc khác nhau và kiểm soát được họ, Cụ Hồ đã thu nhận cả những nhân vật phi Mác-xít, những nhân vật độc lập, Thiên chúa giáo.
Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Cụ xuất hiện lần đầu tiên trước quốc dân đồng bào như một vị lãnh tụ vĩ đại: Một ông già trán cao, mắt sáng, râu dài, đầu đội chiếc mũ đã cũ, mặc bộ kaki cổ cao, chân đi dép cao su trắng. Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập và đã trích câu “Mọi người sinh ra đều có quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc” trong Hiến pháp nước Mỹ - câu này Cụ đã đề nghị một người trong tổ chức OSS viết ra trên một mẩu giấy. Tiếp đó là bài phát biểu dài của Tướng Giáp. Ông nói về kinh tế, chính trị và các vấn đề khác, rồi nói đến vấn đề đối ngoại với lời nhấn mạnh rằng trong tương lai, quan hệ Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ sẽ gắn bó, và hi vọng Mỹ sẽ là “một người bạn tốt của Việt Nam”.
Ngày 7/9/1945, Cụ Hồ đổi tên Việt Nam Giải phóng quân thành Quân đội nhân dân Việt Nam và tuyên bố thành lập Bộ Tổng tham mưu gồm những sĩ quan giỏi để nắm quân đội. Đó là một đội quân “thống nhất, bí mật, nhanh nhạy, chính xác, chớp nhoáng để đánh bại mọi kẻ thù”. Ngày 8/9, cơ quan giáo dục quần chúng quốc gia được hình thành như một ưu tiên thứ hai để đảm bảo giáo dục tổng hợp, đồng thời như một công cụ để thu phục nhân tâm trên toàn quốc. Trong vài tháng sau đó, Chính phủ của Cụ Hồ Chí Minh đã bắt đầu thực thi luật pháp, xây dựng lực lượng cảnh sát, thực hiện công bằng xã hội, Cụ Hồ đã cho người dân tộc thiểu số có chân trong Quốc hội và đưa hàng ngàn người về huấn luyện thành giáo viên, bác sĩ và cán bộ chính trị.
Về phía người Pháp, ngay từ ngày 16/8/1945, trong khi Cụ Hồ còn bận bịu với Quốc dân Đại hội ở Tân Trào, Charles de Gaulle đã bổ nhiệm Tướng Jacques Philippe de Hautecloque (bí danh Le Clerc) giữ chức Tổng tư lệnh các lực lượng Pháp tại Viễn Đông và ra lệnh cho ông ta triển khai một số đơn vị vào Việt Nam. De Gaulle còn bổ nhiệm đô đốc George Thiery d’Argenlieu giữ chức Cao ủy Đông Dương. Được mệnh danh là “cha xứ không mặc áo tu”, sự bổ nhiệm này về sau hóa ra là một sai lầm kinh khủng. Mười ngày sau, 27/8, Cao ủy mới phụ trách Bắc Kỳ và Trung Kỳ, Jean Saintery từ phái bộ Pháp ở Côn Minh (Trung Quốc) đã nhảy dù xuống Việt Nam… Và đến đầu tháng 10/1945, 2 tiểu đoàn bộ binh Pháp, một đơn vị Comrmando và một trung đoàn thiết giáp đã đến Sài Gòn dưới sự chỉ huy của Le Clerc.
“Cụ Hồ hết sức khôn khéo”
Ngày 6/9/1945, quân Anh nhanh chóng tiến vào Sài Gòn – đây là phân đội thứ 12 của Sư đoàn Ấn Độ dưới quyền Tướng Douglas Gracey. Thật không may, dường như vị tướng này cũng có ý muốn như người Pháp, muốn tái thiết lập đế chế của họ. Giá như ông ta có thái độ cởi mở hơn và khách quan hơn, sự việc có thể đã diễn ra khác đi. Nhiệm vụ của các lực lượng Anh là giải giáp quân Nhật, duy trì trật tự, giữ thái độ trung lập và không được tái lập chủ quyền của Pháp. Nhưng London nhận thấy rằng người Pháp phải ra tay giải quyết vấn đề, còn lực lượng nhỏ của quân Anh thì rút đi càng sớm càng hay. Như trút được gánh nặng, Tướng Gracey bàn giao cho Le Clerc. Ngày 23/9, Pháp nổ súng tiến công Sài Gòn. Lực lượng Pháp tại Sài Gòn được Anh trang bị vũ khí, quần áo; chúng ngồi trên xe chạy quanh thành phố với trang bị có in hàng chữ: “Vũ khí thuê của chính phủ Hoa Kỳ”.
Trong khi đó, ngày 9/9/1945, gần 200.000 quân Tưởng Giới Thạch dưới quyền Tướng Lư Hán đã tiến về Hà Nội. Sự có mặt của đội quân đông đảo này đã làm cho nạn thiếu lương thực trở nên trầm trọng hơn. Chưa kể, họ còn đưa ra những yêu sách ngang ngược, đòi cải tổ và hăm dọa lật đổ Chính phủ Việt Minh…
Trong tình hình đó, Cụ Hồ đã tỏ ra hết sức khôn khéo. Pháp được xác định là “kẻ thù chính”, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh kiên quyết nhưng mềm dẻo thông qua các cuộc đàm phán trong khi vẫn ráo riết tiến hành các công việc sẵn sàng cho một cuộc chiến lâu dài. Ngày 6/3/1946, với Hiệp định sơ bộ được ký kết, Pháp công nhận nước Việt Nam mới là một quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp; quân đội hai bên ngừng bắn và ở nguyên vị trí… Hiệp định này đã giúp chính phủ của Cụ Hồ tránh được nguy cơ phải cô lập đánh nhau cùng lúc với nhiều đối thủ và bảo toàn được lực lượng.
Đối với Tưởng, Cụ chủ trương “Hoa – Việt thân thiện” tránh xung đột, nhượng cho Tưởng 70 ghế trong Quốc hội, 4 ghế bộ trưởng cùng một số quyền lợi kinh tế, cung cấp một số lương thực, thực phẩm... Ngày 28/2/1946, Hòa ước Hoa – Pháp được ký kết. Theo đó, Trung Hoa dân quốc đồng ý cho Pháp đem quân ra miền Bắc thay thế quân Tưởng sẽ rút đi trong thời gian từ 1 đến 15/3, chậm nhất là 31/3. Đổi lại, Pháp phải trả lại cho Tưởng các  tô giới ở Thượng Hải, Thiên Tân, Hán Khẩu, Quảng Đông cùng một số quyền lợi khác. Mặc dù những người lính Quốc dân đảng cuối cùng phải đến 18/9/1946 mới rời Việt Nam, song điều này đã giúp Chính phủ Cụ Hồ loại bỏ được một kẻ thù tàn bạo, hiểm độc để rảnh tay đối phó với Pháp.
Theo báo GTVT