Bộ bàn ghế từ gốc cây Gù hương 3.500 năm tuổi

Google News

Cái nhất đầu tiên sẽ kể với các anh đó là bộ bàn ghế chúng ta đang ngồi uống nước này là gốc cây Gù hương trên 3.550 năm tuổi.

“Tào Tháo năm 36 tuổi đã lo xây mộ cho mình, Thành Cát Tư Hãn năm 38 tuổi cũng đã nghĩ đến hậu sự, chính vì thế một người không tầm thường như tôi cũng phải làm một cái gì đó thật đặc biệt”, ông Đức nói.
Bo ban ghe tu goc cay Gu huong 3.500 nam tuoi
 Tư dinh của ông Nguyễn Công Đức nằm trong diện tích 10ha đồi núi. Căn nhà của ông được xây dựng theo thế tựa lưng vào núi, nhìn ra ao hồ.
4 năm cho một cuộc hẹn
Một ngày cuối năm Ất Mùi, chúng tôi lại men theo con đường đồi ngoằn nghoèo tìm đến vùng núi Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình tìm gặp ông Nguyễn Công Đức. Chúng tôi cũng không nhớ rõ đây là lần thứ bao nhiêu tìm đến đây, chỉ biết rằng, một người nổi danh khắp vùng như ông không bao giờ tiếp người lạ.
Còn nhớ, đầu năm 2012, trong một lần đi công tác ở Tây Bắc, chúng tôi được nghe kể về người đàn ông có ý tưởng chẳng giống ai: Xây lăng mộ tự ướp xác mình. Lần mò theo địa chỉ người dân giới thiệu, chúng tôi tìm đến một ngôi nhà hoành tráng nằm giữa rừng, tựa lưng vào núi. Trước cánh cổng to khép chặt là dòng chữ “Gọi cổng xin đánh ba hồi chuông thật to”. Làm theo đúng lời trên cửa, đột nhiên chúng tôi giật thót mình bởi tiếng sủa ầm ĩ của cả đàn chó bên trong. Một phụ nữ trung niên ghé qua ô cửa nói lớn: “Hôm nay, ông Đức đi vắng”.
Liên tiếp trong những năm sau, mỗi lần đi công tác qua tỉnh Hòa Bình, chúng tôi không quên tìm đến nhà ông và để lại một mẩu thư tay hẹn gặp khi ông đi vắng.
Tháng 9 vừa rồi, chúng tôi lại đến gõ cửa “biệt phủ” ấy. Thật may mắn, lần này ông ở nhà. Đó là người đàn ông to béo, dáng đi bệ vệ và luôn đeo kính râm. Sau một ấm trà nóng và màn giới thiệu, ông cho biết đã đến “giờ cấm” nên không thể tiếp khách. Chúng tôi cẩn thận xin ông một lịch hẹn vào tuần sau và bị bỏ lỡ vì lý do sức khỏe của ông. 4 lần hẹn nữa ông mới chịu “chốt” cho một lịch hẹn lúc 7h sáng vào một ngày đông giá lạnh.
Trong cái lạnh cắt da thịt của những ngày cuối năm, chúng tôi xuất phát từ Hà Nội lúc 5h sáng để kịp giờ hẹn. Lúc tới nơi, người đàn ông này đã pha sẵn một ấm trà và ngồi đợi khách. Mở đầu câu chuyện ông căn dặn: “Nể công các anh nhiều lần đến gặp, nên tôi mới cởi mở chia sẻ. Thú thật 5 năm nay tôi không tiếp báo chí. Tôi cũng không muốn tiết lộ với ai về chuyện xây lăng mộ ướp xác của mình. Giờ tuổi già rồi, có những cái cũng phải nói ra chứ không thể mãi “sống để bụng, chết mang theo” được. Tuy nhiên, tôi chỉ tiếp khách lúc trời còn mờ sương và khách phải ra về khi trời đã hửng nắng”.
Sở hữu bộ bàn trên 3.550 năm tuổi
Bo ban ghe tu goc cay Gu huong 3.500 nam tuoi-Hinh-2
Ông Nguyễn Công Đức tiếp khách bên bộ bàn ghế gỗ Gù hương 3.550 tuổi. Một ngày, ông chỉ tiếp khách lúc sớm mai. Ảnh: Cao Tuân 
“Tôi có nhiều cái nhất. Cái nhất đầu tiên sẽ kể với các anh đó là bộ bàn ghế chúng ta đang ngồi uống nước này là độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Đây là gốc cây Gù hương có tuổi thọ trên 3.550 năm tuổi”, ông mở đầu câu chuyện.
Nói về cơ duyên với bộ bàn ghế độc đáo này, người đàn ông này cho biết: “Bộ bàn ghế này chỉ là 1 trong 3 phần của cái gốc cây gỗ Gù hương mà tôi đã mua được ở bên huyện Kim Bôi từ 15 năm trước. Hồi đó vô tình phát hiện bộ rễ lớn nằm sâu dưới lòng đất trong một khu đồi của một gia đình người Mường. Tôi gạ bán thì người chủ này đồng ý ngay với giá chỉ bằng vài chục lít rượu”.
Sau khi trả tiền, ông trở về nhà để thuê người đào bộ rễ cây này. Vốn là người uyên thâm về lịch sử, ông Đức lật dở những tư liệu cũ về vùng đất Kim Bôi và biết được rằng: Khu vực đồi núi của người dân tộc Mường mà ông mới gặp có bộ rễ cây Gù hương hàng nghìn năm tuổi. Loại cây này rất quý bởi tinh dầu thơm như nước hoa. Một số tài liệu cũng ghi rằng, từ thập niên 40 của thế kỷ trước, lúc người Pháp còn đô hộ vùng đất này, họ đã nhiều lần đưa máy móc tới cưa phần thân cây thành nhiều khúc rồi đưa về nước Pháp để làm nguyên liệu sản xuất nước hoa. Riêng bộ rễ cây nằm sâu trong lòng đất nên họ không khai thác được đành bỏ lại.
Hôm sau, ông Đức thuê xe chở hơn một tạ dây thừng đến. Ông tập hợp hơn 20 thanh niên trong bản vác cuốc, xẻng, xà beng lên núi. Đám người này phải đào bới hì hục suốt nửa tháng trời hệ thống rễ cây mới lộ ra. Lúc gốc cây gù hương lộ thiên, ông Đức lấy thước dây đo, đường kính của gốc cây lên tới 7,4 m.
Mặc dù đã đào được gốc cây lộ thiên nhưng làm cách nào để chuyển được gốc cây từ đỉnh núi xuống là điều không hề dễ dàng. Ông phải thuê 3 kích (mỗi kích nặng từ 60 – 70kg), 10 nhân công, 10 con trâu khỏe mạnh, mua thêm 5 tạ dây thừng, 200 cây chuối, ván và các vật dụng khác để di chuyển phần gốc cây xuống phía dưới. Không may, khi gốc cây đổ ập xuống thì vỡ làm ba mảnh khiến ông cứ ngồi nhìn gốc cây bị vỡ mà than thở, tiếc nuối.
Vào thời điểm đó, ông đã phải bỏ hàng chục triệu đồng thuê người đào và vận chuyển cái gốc cây về nhà khiến nhiều người tò mò. Rồi ông tâm đắc kể: “Từ ba phần của gốc cây quý hiếm đó, tôi đã lấy phần có đường kính lớn nhất hơn 3m để làm giường ngủ. Bộ bàn uống nước mà tôi đang ngồi nói chuyện với các anh dài 2,7m này cùng 18 chiếc ghế là một phần của gốc cây Gù hương đó. Phần còn lại dài 1,4m tôi dùng làm một cái bàn nhỏ dựng cạnh đây để đựng các vật dụng cá nhân của mình”.
Nhìn từ xa, bộ bàn ghế Gù hương của người đàn ông rất đặc biệt. Các rễ nhỏ to quấn vào nhau đầy sinh động và đẹp mắt. Khi tới gần, một mùi hương thoang thoảng bay ra từ chính bộ bàn ghế này khiến chúng tôi nhầm lẫn với mùi thơm của một loại nước hoa nào đó.
Nghe tin ông sở hữu được gốc cây Gù hương khủng này, nhiều đại gia từ Hà Nội và các tỉnh thành đã về đây mục sở thị và gạ mua với giá hàng tỉ đồng nhưng chủ nhân vẫn lắc đầu.
Trong số các vị khách đến chiêm ngưỡng bộ bàn ghế này có cả một số nhà khoa học về khảo cổ. Khoảng năm 2005, một Giáo sư của Đại học Lâm nghiệp đến đây đã vô cùng kinh ngạc về bộ bàn ghế gỗ Gù hương này. Vị chuyên gia đó đã xin một mẩu nhỏ của gốc cây về để xét nghiệm. Kết quả thật khiến ông Đức càng thêm phần tự hào và bất ngờ vì gốc cây Gù hương này đã có tuổi thọ khoảng 3.550 – 4.000 năm tuổi.
“Phải tự xây mộ mình mới an tâm”
Ông Đức cho hay, mấy chục năm trước, ông quyết định rời bỏ cuộc sống sung túc ở Hà Nội để lên Hòa Bình mua khu đất rừng rộng gần 10ha làm trang trại. Thời gian đầu gây dựng cơ ngơi, ông phải ở trong một túp lều tranh 3 năm liền. Trong 3 năm đó, với ông “mưa thì ướt, nắng thì nóng, đêm nằm ngủ chẳng ngon giấc”. Đến lúc trang trại và căn nhà ba tầng xây xong, mọi vất vả của ông mới vơi dần.
“Đêm nằm nghĩ ngợi linh tinh, cuộc đời mình sướng khổ gì đều đã có đủ. Thế là tôi quyết định đi đúc tượng cho chính mình”, ông kể.
Nghĩ là làm, hôm sau ông Đức lái xe ô tô sang Bắc Ninh thuê thợ đúc tượng. Cách đúc tượng của ông cũng thật đặc biệt, ông ngồi suốt hai giờ đồng hồ để thợ bôi dầu lên đầu rồi úp thạch cao xung quanh. Đến khi thạch cao khô cứng họ cạy ra thành 2 miếng rồi đúc ra tượng y hệt như khuôn mặt, hình dáng của ông. Chi phí cho bức tượng này là 15 cây vàng.
Sau đó ít tháng, có người lại mách ông phải đúc tượng bằng đồng mới đẳng cấp. “Mình là người có tiền mà, tiếc gì không làm”, ông tự nhận mình là hợm hĩnh khi tiếp tục thuê thợ đúc tượng đồng chính mình với chi phí đắt đỏ.
Tiếp đến ông lại tự lo hậu sự cho mình. Theo ông, phải chính tay mình chuẩn bị thì khi nhắm mắt mới an tâm. “Xưa ông Tào Tháo năm 36 tuổi đã lo xây mộ cho mình, Thành Cát Tư Hãn năm 38 tuổi cũng đã nghĩ đến hậu sự, hà cớ chi một người không tầm thường như tôi lại không nghĩ đến. Ở Trung Quốc, Ấn Độ hay Ai Cập người ta ướp xác cho vua chúa, danh tướng đã nhiều nhưng giờ tôi tự xây lăng mộ và tìm nguyên liệu ướp xác cho mình thì mới tài, mới đáng nể”, ông cười nói.
(Còn nữa)
Theo Gia Đình & Xã Hội