Lớp học của thầy giáo “bò lết”

Google News

Giải thích về hành động của mình thầy Tường  bảo: "Tôi vui vì ở đây tôi được làm thầy".

- Trong căn phòng nhỏ là vài bộ bàn ghế cũ, những chồng sách được xếp gọn trên tủ, chiếc bảng đặt trên ghế. Học sinh đến học chủ yếu là con em dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Đó là lớp học của thầy giáo tàn tật Phạm Văn Tường, xã Minh Sơn, Ngọc Lặc, Thanh Hóa.
 
Nhờ người dựng lớp

Thầy Tường bị liệt từ nhỏ sau một cơn bạo bệnh nên mỗi khi di chuyển lại phải "bò lết" . Những tưởng con đường học đã khép lại nhưng với sự nỗ lực của bản thân thầy đã thi đỗ vào Khoa Toán Tin, Trường Đại học Hồng Đức. Năm 2008 thầy bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp và nằm trong danh sách những sinh viên xuất sắc của Khoa. Sau khi ra trường chưa kịp giảng bài trên bục giảng thì căn bệnh cũ lại tái phát.

Thầy Tường cho biết: "Đôi chân phát bệnh, phải mổ tới 4 lần, mỗi lần mổ tài sản trong gia đình lại đội nón ra đi. Con trâu mộng hàng ngày bố thường đem đi cày thuê kiếm tiền nuôi cả nhà cũng đem bán để có tiền chữa trị. Cảm động trước hoàn cảnh của tôi, bác sĩ tên Hồng Anh đã tài trợ cho ca phẫu thuật cuối cùng, giờ hai chân đã cử động, tôi mang ơn bác sĩ ấy lắm".

Năm 2009, khi sức khoẻ thầy đã bình phục nhưng đôi chân không tự đi lại được. Không thể xin dạy  được ở trường, thầy Tường nhờ bố mẹ và bà con hàng xóm giúp đỡ dựng cho căn nhà tạm, mua  bàn ghế cũ về mở lớp học. Ngay buổi "khai giảng" đầu tiên đã có gần chục em học trò trong thôn, xã đến xin vào học lớp của thầy Tường.

Được người thân giúp đỡ thầy mua thêm sách giáo khoa, sách nâng cao và hai chiếc máy tính cũ để phục vụ dạy học cho các em học sinh.

Vết thương ở chân tái phát nên thầy Tường phải cho học sinh nghỉ học.
Thầy giáo Tường ngồi buồn trong lớp học vì bệnh tái phát phải cho học trò tạm nghỉ.

Ở đây tôi được làm thầy

Chúng tôi tìm đến lớp học của thầy Tường đúng vào dịp khai giảng năm học mới nhưng lớp học vẫn vắng, thầy cho biết: "Dạo này căn bệnh cũ tái phát, mệt quá không lên lớp được nên phải cho học sinh nghỉ học, bao giờ khoẻ thì báo cho các em đến học tiếp". Tuy sức khoẻ còn yếu nhưng hằng ngày thầy vẫn cố gắng lê ra lớp học cầm giẻ lau bàn ghế sạch sẽ, phủi lớp bụi bám ở những quyển sách được xếp ngăn nắp trên nóc tủ.

Khi được hỏi chân không đi được thì thầy viết bảng thế nào, thầy chứng minh bằng hành  động ghì hai tay lên cạnh bàn "bò lết" đến gần chiếc bảng được đặt trên ghế, tay cầm viên phấn vươn người viết thử, rồi lê đi lê lại trên chiếc ghế. "Đấy! Tôi vẫn viết bảng được đấy chứ phải không các anh?", thầy nói mà ánh mắt sáng lên, khẳng định với mọi người xung quanh là bản thân có thể làm được.

Lớp học của thầy Tường đa số là con em dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, các em đến học không phải đóng học phí, thầy giáo cũng không có một chế độ nào khác ngoài vài trăm nghìn đồng tiền trợ cấp cho người tàn tật. Kết thúc những khóa học, món quà thầy nhận được là vài cân gạo mà những vị phụ huynh tốt bụng đem tặng để cảm ơn.

Dù không có tiền nhưng thầy vẫn vui vẻ và kiên trì truyền đạt kiến thức cho các em. Giải thích về hành động của mình thầy bảo: "Tôi vui vì ở đây tôi được làm thầy".
 
"Tôi cố gắng lắm mới làm được như thế này, còn thiếu thốn nhiều nhưng em nào khó khăn không có điều kiện đi học thì tìm đến. Ở đây tôi không chỉ dạy các em kiến thức trong sách, mà còn dạy các em kỹ năng vượt qua khó khăn. Quan trọng là phải có chí tiến thủ, biết tận dụng cơ hội và đừng bao giờ bỏ cuộc".
Thầy giáo Phạm Văn Tường
Hứa Phương
[links()]