Thừa nhôm gây ung thư

Google News

(Kiến Thức) - Thông tin trường Đại học Keele (Anh) nghiên cứu trên 30 sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ nhỏ đang được sử dụng phổ biến ở nước này.

Có thể gây tử vong
GS.TS Bùi Minh Đức, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, trong thực phẩm, nhôm có trong nước uống, rau, sữa... dụng cụ nhà bếp (nồi chảo, muỗng, nĩa) và trong chế biến thực phẩm người ta sử dụng nhiều chất phụ gia chứa nhôm như phẩm màu, chất làm cứng, những chất chống kết tụ, phụ gia thực phẩm, bột nổi.... 
Việc hấp thụ nhôm của cơ thể sẽ khác nhau, tùy thuộc vào nhiều nhân tố, như loại hợp chất nhôm, thành phần của thực phẩm được ăn, tuổi tác và sức khoẻ của người sử dụng thực phẩm có chứa nhôm. 
Khi nhôm có trong máu, nhôm được lọc và đào thải qua nước tiểu. Tuy nhiên, 20% lượng nhôm không được lọc mà đưa vào xương, phổi và gan, thậm chí đến não bộ. Việc đưa vào cơ thể một lượng lớn nhôm có thể gây ra bệnh thiếu máu, bệnh não, chứng nhuyễn xương, sự không dung nạp glucose và ngưng tim. 
Ngoài ra, cũng có nghiên cứu cho thấy, có sự liên quan giữa lượng nhôm đưa vào cơ thể với bệnh xơ cứng, teo cơ bên và bệnh Parkinson. Đặc biệt ở trẻ nhỏ, cơ thể non yếu, sự đào thải kém nên càng gây hại khi trẻ uống sữa có chứa nhôm.
Nhôm có trong sữa, nước uống, rau... 
Nguy cơ ung thư vú
BS Phạm Đình Tuần, Trung tâm Y tế Thái Hà cho biết, cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu đã quy định liều lượng độc hại của nhôm là 1mg/kg trọng lượng/ngày. Tuy nhiên, lượng nhôm trong cơ thể luôn cao hơn chuẩn và việc không đào thải hết nhôm là nguy cơ cho bệnh tật. 
Trước đây, nước sử dụng chạy thận nhân tạo có chứa nhôm và các bệnh nhân có biểu hiện bệnh ở xương, não bộ và có thể tử vong do không đào thải hết nhôm nên người ta đã phải thay nước này bằng sunfat sắt. 
Đặc biệt, hiện nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, 80% các ca ung thư vú đều xảy ra ở các điểm gần nách và người ta nghĩ là từ thuốc chống đổ mồ hôi nách có chứa nhôm. Hơn nữa, nhiều loại văcxin (viêm gan, uống ván, bệnh than...) có chứa muối nhôm nhằm thúc đẩy phản ứng miễn dịch. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lượng nhôm này đang dần phân tán khắp nơi trên cơ thể và có thể được tập trung ở các tuyến vú. 
Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy, trẻ sơ sinh nhận một liều nhôm vượt quá giới hạn an toàn của FDA (5mg/kg/day) của việc nhiễm nhôm gấp 20 lần và vào lúc 6 tháng tuổi là gấp 50 lần so với mức độ an toàn. Với tính chất của nhôm cũng giống như sắt, chì, thủy ngân và mangan, là chất lũy tích, không thể bài tiết, khó loại ra khỏi cơ thể, được tích lũy trong xương, phối, gan... thì nguy cơ cho sức khoẻ thật khó lường. 
Thúy Nga