Chuyện vua Thành Thái giả điên che mắt người Pháp

Google News

(Kiến Thức) - Thành Thái không những có thái độ chống đối thực dân Pháp mà còn không chịu tuân thủ những quy củ của triều đình phong kiến.

Là con trai của vua Thành Thái, lên ngôi khi mới 7 tuổi nhưng vua Duy Tân đã thể hiện bản lĩnh của một bậc quân vương. 13 tuổi, vua Duy Tân đã thảo một văn thư kháng nghị với Pháp và cử đại thần sang nước này đàm phán.
Vua Thành Thái giả điên để che mắt người Pháp
Thành Thái không những có thái độ chống đối thực dân Pháp mà còn không chịu tuân thủ những quy củ của triều đình phong kiến. Ông tự động chọn vợ thường dân mà ông yêu, cưỡng lại ý các vị Hoàng thái hậu cũng như Viện Cơ mật. Ông bí mật tập hợp các cô gái trẻ ở Kim Long và phụ cận luyện tập võ nghệ, lập thành đội ngũ để phòng khi dùng đến. Nhà vua cố ý hành động khùng khùng điên điên khác người để che mắt người Pháp.
Tuy nhiên, nhất cử nhất động của ông đều bị viên Thượng thư bộ Lại Trương Như Cương mật tấu lên Tòa Khâm. Đã từng có lần họ lấy cớ vua trẻ hơi bị khùng, giam lỏng ông trên đảo giữa hồ Tịnh Tâm để học đạo làm vua. Đến khi nhà vua không chịu ký phê chuẩn thăng chức cho một số quan lại tay chân của Pháp, Tòa Khâm tuyên bố truất quyền phê chuẩn của vua. Việc điều hành triều chính giao cho Hội đồng Cơ mật, thực chất do Tòa Khâm điều khiển. Nhà vua bị giam lỏng trong Đại Nội, không được ra ngoài.
Và rồi, theo lệnh của Tòa Khâm Pháp, mấy vị đại thần Hội đồng Cơ mật đến điện Càn Thành dâng vua một tờ biểu và Chiếu thoái vị đã soạn sẵn. Nhà vua liếc qua, cười khẩy và viết hai từ "phê chuẩn".
Thành Thái làm vua được 18 năm (1889 - 1907) và bị phế truất năm 28 tuổi.
Vua Duy Tân khi mới lên ngôi. 
Chọn vua nhỏ tuổi để dễ uốn
Hạ bệ nhà vua rồi, Pháp đưa Thành Thái đến quản thúc tại Vũng Tàu. Vua Thành Thái bị hạ nhưng không thể khép vào tội gì, mà chỉ lấy cớ là vì sức khoẻ yếu, nên theo lệ triều đình vẫn phải chọn trong các hoàng tử của ông lên nối ngôi.
Khâm sứ Pháp Lévecque chỉ thị cho Viện Cơ mật đưa tất cả các hoàng tử con vua Thành Thái vào ra mắt để hắn duyệt. Các hoàng tử được lần lượt dẫn ra, nhưng không thấy hoàng tử út Vĩnh San. Tìm mới thấy cậu bé chui vào trốn trong gậm giường. Cậu ăn mặc xốc xếch bẩn thỉu được đưa ngay tới trình diện. Người ta hỏi tại sao cậu lại trốn trong gậm giường, Vĩnh San đáp là chui tìm con dế.
Viên Khâm sứ rút kinh nghiệm, vua càng nhỏ tuổi càng dễ "uốn nắn", vả lại thấy cậu có vẻ mặt lơ ngơ lem luốc nên chỉ định cho lên làm vua.
Lễ đăng quang được cử hành vào ngày 28/7/1907, lấy niên hiệu là Duy Tân. Nhà vua 7 tuổi, được "tiến dâng" thêm một tuổi là 8.
Theo ý của Tòa Khâm, triều đình cử ra một ban Phụ chính gồm sáu vị đại thần điều hành mọi công việc triều chính. Còn Duy Tân thì được một ông thầy Hán học và một Tiến sĩ Tây học dạy dỗ tại Viện Dưỡng Tâm.
Tuy nhiên, khi ngồi lên ngai vàng, cậu bé Vĩnh San đã thay đổi thành một người khác. Khi lên 13, Duy Tân lục lọi các giấy tờ, hiệp ước đã ký với thực dân Pháp và thấy có nhiều điểm bất công. Nhà vua thảo một văn thư kháng nghị với Pháp và cử đại thần sang nước này đàm phán, nhưng không một ai dám đi. Nhà vua đề nghị các vị ký vào văn bản, không ai dám ký. Vì thế, bên cạnh niềm căm ghét thực dân Pháp, nhà vua còn khinh bỉ sự yếu hèn của các quan trong triều. 
(còn nữa)
Nguyễn Di