Nét riêng của những danh nhân Việt Nam tuổi Ngọ

Google News

(Kiến Thức) - Bất luận thế nào, người tuổi Ngọ thường bắt đầu sự nghiệp của mình từ rất sớm và có một sức làm việc dẻo dai ít ai bì kịp.

Phạm Văn Đồng – vị Thủ tướng đáng kính của Việt Nam
Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh ngày 1/3/1906 là năm Bính Ngọ theo lịch ta. Ông sớm tham gia các hoạt động yêu nước từ trong phong trào để tang cụ Phan Châu Trinh năm 1925.
Năm 1926, mới 20 tuổi, ông đã lặn lội sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức.
Như nhiều đồng chí khác, quá trình hoạt động cách mạng của Phạm Văn Đồng trải qua những năm tháng tù đày khắc nghiệt của Pháp. Năm 1929 ông bị bắt rồi bị đày đi Côn Đảo đến tận năm 1936 mới được thả. Tuy vậy nhà tù không làm ông sờn lòng mòn chí. Ra tù là ông bắt liên lạc lại với tổ chức để tiếp tục hoạt động.
Cách mạng tháng Tám thành công, Phạm Văn Đồng giữ chức Bộ trưởng Tài chính rồi nhận nhiều công tác khác nhau. Từ năm 1949, ông được cử làm Phó Thủ tướng duy nhất trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh tư liệu.   
Nói về hoạt động của Phạm Văn Đồng, đáng kể nhất là những dấu ấn trong hoạt động ngoại giao. Từ khi chính quyền cách mạng còn non trẻ, ông là Trưởng phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Fontainebleau ở Pháp. Mặc dù hội nghị này thất bại không đạt được một giải pháp độc lập cho Đông Dương nhưng đây là Hội nghị có tầm quốc tế đầu tiên mà Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia nên ý nghĩa rất quan trọng.
Cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, lại cũng là Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn ngoại giao Chính phủ ta dự Hội nghị Geneve. Hội nghị này đã đưa tới Hiệp định Geneve công nhận độc lập chủ quyền của nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
Một hoạt động đáng kể khác của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là hai lần làm Chủ tịch Hội đồng chi viện trong hai chiến dịch lịch sử của đất nước ta. Đó là chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Đó là một vinh dự của cá nhân ông trong vai trò một người trong cuộc đã góp phần làm nên lịch sử ở cùng một vị trí.
Ông cũng là người làm Thủ tướng lâu nhất nước ta. Từ năm 1955 đến năm 1975 ông là Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ 1976 đến 1987 là Thủ tướng của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trong hơn 30 năm đảm nhiệm cương vị Thủ tướng, ông đã tích cực cống hiến trí tuệ và sức lực cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
"Kìa ai chín suối xương không nát"
Lịch sử thơ ca Việt Nam có nhiều cây đại bút, có những người sự nghiệp thi ca mang tầm cỡ thế giới như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Tuy nhiên, hiếm có gương mặt nào như cụ Tú thành Nam – Trần Tế Xương.
Cụ sinh năm 1870 là năm Canh Ngọ. Người ta thường nói “canh cô, bính biến”, canh là kim lại đi với ngọ là hỏa nên chi hỏa khắc can kim. Theo khoa Tử vi, trường hợp tuổi có chi khắc can ví như cây mà ngọn gốc chẳng tương hỗ cho nhau nên cuộc đời đầy rẫy nghịch cảnh chua cay.
Người khác thì không biết nhưng số cụ Tú Xương thì chua cay thật. Thông minh, tài hoa, học giỏi là thế mà 8 lần đi thi đều hỏng. Cố gắng mãi mới đỗ được Tú tài. Nhưng cấp Tú tài là một cái cấp dở dang.
Trường thi Nam Định - nơi nhiều lần Tú Xương ôm hận thi hỏng. Ảnh Wikipedia.
Nó chỉ hơn anh học trò thường một chút. Là Tú tài thì chưa được dự thi Hội mà phải đỗ Cử nhân mới được. Không được thi Hội thì không có cơ hội ra làm quan. Có muốn làm những việc nho nhỏ trong nha môn cũng phải là Cử nhân mới được.
Đường công danh đã lận đận lại sống trong thời buổi “nhá nhem” tranh tối tranh sáng giữa những nếp cũ Nho học chưa mất hẳn mà văn hóa Âu Tây thì còn đang xô tới. Về chính trị thì vua quan triều đình lép vế trước những ông tây bà đầm mắt xanh mũi lõ.
Thời Tú Xương sống, Nam Định được thực dân Pháp cho phát triển thành một đô thị sầm uất chỉ sau Hà Nội. Cảnh làng xoay ra phố với bao nghịch cảnh trái mắt ngang tai về lối sống về cách cư xử của con người với nhau đập vào mắt cụ Tú. Tất cả đều được Tú Xương phản ánh vào thơ ca của mình tạo ra những bài thơ đả kích nổi tiếng như Mùng hai Tết viếng cô Ký, Ông Cò, Giễu người thi đỗ…
Nói đến tài thơ của Tú Xương, người ta chú ý đến sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình mà trong đó trữ tình là gốc. Giai thoại làng văn kể rằng Tản Đà khi còn sống đã nói rằng “Trong những thi sĩ tiền bối, phục nhất Tú Xương” và ông cũng tự nhận rằng trong đời thơ của mình chỉ một lần duy nhất ông địch nổi tài thơ của cụ Tú khi sử dụng chữ vèo trong câu thơ “Vèo trông lá rụng đầy sân” (bài Cảm thu, Tiễn thu).
Nhiều nhà văn nhà báo thời nay đôi khi “nói vui” còn cho rằng trong lịch sử chỉ riêng cụ Tú Xương là có “môn phái”, “môn đệ” vì là đời sau có mấy vị chuyên làm thơ trào phúng đã cố tình “xuyên tạc” chữ Xương trong tên cụ từ nghĩa là thịnh vượng sang nghĩa xương thịt. Rồi họ tự nhận bút danh là Tú Mỡ, Tú Sụn, Cử Nạc và suy tôn cụ Tú Xương làm tổ sư. Thật là một hiện tượng hiếm.
Trong cuộc đời ngắn ngủi 37 năm, Tú Xương làm khá nhiều thơ nhưng chủ yếu là ngẫu hứng làm rồi đọc cho người nhà, người quen nghe chứ không có tập thơ hay di cảo nào để lại cho nên đến nay vẫn chưa biết đích xác các bài thơ của cụ có bao nhiêu. Tuy vậy những bài nào còn lưu lại cũng đều rất điêu luyện trong chữ nghĩa. Chẳng thế mà nhà thơ khó tính như Xuân Diệu cũng phải viết về ông: 
Ông nghè ông thám vô mây khói
Đứng lại văn chương một tú tài.
Người đỗ trạng khi còn để chỏm
Đó không ai khác là trạng nguyên Nguyễn Hiền. Cụ trạng Nguyễn Hiền sinh năm 1234 là năm Giáp Ngọ. Theo lời kể của ông Nguyễn Minh Nguyên – hậu duệ ở quê nhà Trạng Hiền thì Trạng mồ côi cha từ nhỏ. Nhà gần chùa, trong chùa có sư ông giỏi chữ nghĩa mở lớp dạy học, Trạng hay lân la chơi ở ngoài nghe mà cũng biết. Rồi sau đấy nhà sư thấy ham học cho mượn sách về đọc, chỗ nào không hiểu thì sư giảng cho. Chỉ tự học là chính như thế mà năm 13 tuổi, Nguyễn Hiền đi thi đậu Trạng Nguyên khoa thi năm 1247 thời vua Trần Thái Tông.
Cũng theo lời kể của ông Nguyên, Trạng Hiền là người giải các câu đố của sứ Mông Cổ đưa sang để thử xem triều đình nước Nam có nhân tài không. Những câu đố đó là bài thơ “Lưỡng nhật bình đầu nhật, tứ sơn điên đảo sơn, lưỡng vương tranh nhất quốc, tứ khẩu tung hoành giang” hay bức thư có câu “Thập nhị nguyệt vũ tốt”… Trạng mất sớm khi mới ngoài 20 tuổi nên sự nghiệp để lại không nhiều nhưng với việc đỗ trạng nguyên khi mới 13 tuổi mà phần lớn chỉ do tự học cho thấy cụ có một trí thông minh siêu việt và một sức học đáng nể. Phải chăng đó là do đặc tính nhanh nhẹn dẻo dai của những người sinh năm ngựa mà có.
Vũ Tiến Đức