Xin tha cho khỏi làm vua
Lần ngược lại lịch sử, sau khi vua Tự Đức băng hà, người con nuôi cả là Ưng Chân được lên ngôi lấy niên hiệu là Dục Đức. Ở ngôi có ba ngày, không những ông bị truất mà còn bị giết chết. Dục Đức để lại bảy người con côi, trong đó Bửu Lân là hoàng tử thứ bảy. Sau khi vua cha chết, Bửu Lân được mẹ là Từ Minh Hoàng hậu Phan Thị Điểu đem về quê ngoại nuôi. Nhưng cũng không yên, do phản đối việc đưa Đồng Khánh lên ngôi, cha bà là Phan Đình Bình bị bức tử, mẹ con bà lại bị đưa về quản thúc ở Kinh thành.
Đồng Khánh bị chết đột ngột vào trước Tết âm lịch ba ngày. Theo tục lệ, việc phát tang phải làm gấp rút trước Tết để bước sang năm mới phải có vua lên trị vì. Viện Cơ mật vào thỉnh thị hai bà Hoàng thái hậu để xin ý kiến. Bấy giờ, hoàng tử Bửu Đảo (con Đồng Khánh) mới lên ba, nên phải chọn người lớn tuổi hơn để kế vị. Nhưng muốn chọn ai cũng phải được người Pháp đồng ý.
Ông Diệp Văn Cương, chồng công nữ con vua Dục Đức lại là thông ngôn cho phái đoàn Viện Cơ mật làm việc với Khâm sứ Rheinart. Ông đã khéo léo lựa cách dịch qua mặt Viện Cơ mật để Bửu Lân được chọn.
Phái đoàn triều đình bất ngờ xuất hiện lúc cậu bé Bửu Lân đang ở nhà một mình. Tuy mới 10 tuổi, nhưng Bửu Lân đã được nghe kể nhiều về những chuyện trong triều, nên cậu bảo:
- Các ông muốn bắt tôi về trị tội à? Các ông muốn làm gì thì làm, nhưng phải đợi mẹ tôi về đã.
Bà Từ Minh được tin, vội vã chạy về. Nghe con bà được chọn làm vua, bà sợ hãi tái mét mặt mày, khóc lóc xin được tha cho mẹ con bà nhưng không được.
|
Vua Thành Thái. |
Dân không phải dân, vua không phải vua
Hoàng tử Bửu Lân lên ngôi vào mùng 2 Tết năm Kỷ Sửu (1889), lấy niên hiệu là Thành Thái.
Thành Thái là một thiếu niên thông minh, quen sống tự do thoải mái ngoài dân dã, nên rất không muốn bị ràng buộc bởi những luật lệ gò bó của triều đình. Cậu thường tìm cách lẻn ra ngoài chơi, vì thế biết được lòng người dân rất ghét giặc Pháp. Có lần đi trên cầu Gia Hội, thấy lính tráng quát tháo người dân để dẹp đường, nhà vua trẻ bực bội thốt ra:
- Mình dân không phải là dân, vua không phải là vua, hà cớ gì cản đường người ta?
Càng lớn lên, Thành Thái càng có thái độ bất bình với Pháp. Thái độ ấy nhiều khi không che giấu được.
Hôm khởi công đặt móng xây dựng cầu Trường Tiền qua sông Hương, viên Khâm sứ Lévecque khoe khoang, nói đùa với Thành Thái: "Chiếc cầu này mà gãy thì nhà nước bảo hộ sẽ trả lại nước An Nam cho bệ hạ".
Không ngờ mấy năm sau, cơn bão lớn đã làm gãy bốn ván cầu, làm rơi xuống sông. Tại một buổi yến tiệc, Thành Thái nhắc lại với viên Khâm sứ: "Thế nào, cầu Trường Tiền gãy rồi đó, thưa ông!" Viên Khâm sứ bị chạm nọc, tảng lờ không nói gì. Hắn biết phải dè chừng ông vua này, nên bố trí người luôn theo dõi mọi hành động của nhà vua.
Khi có dịp đi kinh lí Bắc Hà, nhà vua đã viết một bài thơ chữ Hán, ngụ ý muốn theo gương các vị anh hùng xưa đánh đuổi quân xâm lược.
(Còn nữa)
Nguyễn Di