Chủ tịch Tập Cận Bình nói gì trước chuyến thăm Triều Tiên?

Google News

Một ngày trước chuyến thăm chính thức Triều Tiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một bài trả lời phỏng vấn hiếm hoi trên tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên.

Một ngày trước chuyến thăm chính thức Triều Tiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một bài trả lời phỏng vấn hiếm hoi trên tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên rằng, Bình Nhưỡng sẽ đóng vai trò lớn hơn trong thúc đẩy các đàm phán về các vấn đề Bán đảo Triều Tiên và giải quyết các yêu cầu "hợp lý" của Bình Nhưỡng thông qua đối thoại.
Cam kết này là một trong những động thái hiếm hoi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm nhấn mạnh mối quan hệ song phương thân thiện và gần gũi giữa Trung Quốc và Triều Tiên.
"Chúng tôi sẽ đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng khu vực bằng cách tăng cường liên lạc và phối hợp với Triều Tiên và các bên liên quan, nhằm đạt tiến bộ trong các cuộc đàm phán về vấn đề trên bán đảo Triều Tiên", ông Tập nói.
Chu tich Tap Can Binh noi gi truoc chuyen tham Trieu Tien?
 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Triều Tiên lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2013.
Các vấn đề về bán đảo Triều Tiên mà ông Tập đề cập ở đây được hiểu rằng là các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đang bị ngừng trệ.
Ông Tập cho biết, Trung Quốc ủng hộ Triều Tiên đã có các bước đi đúng đắn nhằm giải quyết các vấn đề chính trị trên bán đảo Triều Tiên, bảo vệ hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và giải quyết "các vấn đề quan tâm hợp lý" của Bình Nhưỡng thông qua đối thoại.
Mặc dù ông Tập không nói rõ về “các vấn đề quan tâm hợp lý”, nhưng dường như ông muốn nói rằng, Trung Quốc ủng hộ cách tiếp cận phi hạt nhân hóa từng bước và liên tục mà Bình Nhưỡng đã yêu cầu trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Washington.
Lời bình luận của ông Tập được xem là một dấu hiệu khác cho thấy Trung Quốc muốn sử dụng quyền lực của mình đối với Triều Tiên như một lá bài ngoại giao trong bối cảnh sự thù địch đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại và trong cuộc gặp “mặt đối mặt” với ông Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản tuần tới.
Các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều đã bị đình trệ kể từ hội nghị thượng đỉnh Hà Nội hồi tháng 2 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào do sự khác biệt lớn về yêu cầu của Washington đối với các bước phi hạt nhân hóa cụ thể của Triều Tiên cũng như yêu cầu của Triều Tiên về việc nới lỏng lệnh trừng phạt của Mỹ.
Hy vọng cho việc nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân đang ngày càng tăng lên sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên gần đây đã gửi cho ôngTrump một lá thư vào tuần trước để kỷ niệm lần đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của họ tại Singapore, và tổng thống Mỹ ca ngợi đó là bức thư "đầy ấm áp".
Chuyến thăm cấp nhà nước hai ngày của ông Tập tới Triều Tiên từ ngày 20-21/6 sẽ đánh dấu lần đầu tiên sau 14 năm, một nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đến thăm Triều Tiên, trong khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tới thăm Trung Quốc 4 lần, thường là trước các cuộc gặp liên Triều và Mỹ- Triều.
*) Title do Kiến Thức biên tập lại
Theo Hà Thu/Báo Tiền Phong