Kỹ sư hàng không Ai Cập tuyên bố sốc vụ máy bay MH370 mất tích

Google News

Kỹ sư hàng không người Ai Cập Ismail Hammad tuyên bố đã xác định được vị trí gần như chính xác của chiếc máy bay MH370 và cho rằng chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysian Airlines đã bị không tặc.

Các tính toán và giả thuyết của Hammad đã được thể hiện trong một báo cáo được chia sẻ cho tờ Daily Star (Anh) và được Sputnik dẫn lại.
Chuyến bay mang số hiệu MH370 cất cánh từ sân bay Kuala Lumpur vào 0h42 ngày 8/3/2014 bay tới Bắc Kinh, mang theo 239 hành khách và phi hành đoàn. Nó biến mất khỏi màn hình radar 40 phút sau khi cất cánh và rồi được radar quân sự theo vết trong một giờ tiếp theo, khi đang bay trên bầu trời biển Andaman, chệch hướng về phía tây so với lộ trình dự kiến.
Kỹ sư Hammad cho rằng chiếc máy bay MH370 có thể đã bị không tặc và chuyển hướng bay về phía Philippines.
Ky su hang khong Ai Cap tuyen bo soc vu may bay MH370 mat tich
 Chiếc máy bay MH370 của Malaysian Airlines. Ảnh chụp năm 2011.
“Tôi không nghĩ rằng việc bay chệch hướng về phía tây trong hơn một giờ sau khi mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu rồi biến mất khỏi màn hình radar quân sự là một điều ngẫu nhiên”, kỹ sư người Ai Cập nói với tờ báo Anh. “Nhưng tôi nghĩ việc chệch hướng này đã xảy ra theo một tính toán từ trước và căn giờ rất chuẩn”.
Hammad cho rằng một kẻ không tặc đã muốn hạ cánh MH-370 trước khi trời sáng, nhưng không tìm thấy “ở phía bắc, nam hay tây một nơi hạ cánh phù hợp với thời gian định trước”. Do đó, kẻ không tặc có thể đã cho máy bay bay về phía đông, “tới nơi khi bình minh vừa ló dạng trên quần đảo Philippines với 7641 hòn đảo”, theo giả thuyết của Hammad.
“Tôi tin rằng những người kiểm soát chiếc máy bay đã lên kế hoạch sẽ nhờ bóng đêm né tránh con mắt của thiên hạ và các loại radar cho đến khi máy bay tới nơi mà những kẻ không tặc có thể hạ cánh khi bắt đầu có ánh sáng mặt trời, nhằm tránh phụ thuộc vào hệ thống hỗ trợ định vị”, viên kỹ sư hàng không nói.
Hammad kết luận rằng chiếc máy bay có thể được tìm thấy ở những vùng hoang vắng của Philippines, ví dụ một số sân bay bị bỏ hoang hoặc sân bay trên một số đảo nhỏ, được xây dựng cho máy bay quân sự cỡ nhỏ trong Thế chiến 2. Do vậy chiếc MH-370, một máy bay thuộc dòng Boeing 777 thân rộng cỡ lớn có thể không đủ đường băng tiêu chuẩn trong khi hạ cánh.
“Chúng ta có thể tìm kiếm trên những đảo này, bắt đầu từ các sân bay bỏ hoang, các con đường có thể phù hợp để hạ cánh”, viên kỹ sư hàng không nói. Anh ta cũng nói nên chú ý các sân bay nhỏ cạnh rừng hay bụi rậm.

Mời độc giả xem thêm video về vụ máy bay MH370 mất tích (Nguồn: VTC14)

Theo Anh Minh/Báo Tiền Phong