Thủ tướng Mahathir đệ đơn từ chức lên Quốc vương Malaysia

Google News

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad ngày 24/2 gửi thư xin từ chức cho nhà vua. Đảng của ông sau đó xin rút khỏi liên minh cầm quyền.

Reuters dẫn hai nguồn thạo tin ngày 24/2 cho biết Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã gửi thư xin từ chức cho nhà vua, giữa lúc đàm phán thành lập chính phủ liên minh mới đang diễn ra tại Malaysia.
Văn phòng Thủ tướng Malaysia đã xác nhận thông tin ông Mahathir xin từ chức, theo Reuters.
Ông Anwar cáo buộc các đối tác trong liên minh cầm quyền phản bội
Chính trị gia 94 tuổi nhậm chức vào tháng 5/2018 trong lần thứ hai trở lại chính trường.
Trước đó, người được kỳ vọng kế nhiệm ông Mahathir, Anwar Ibrahim, cáo buộc các đối tác trong liên minh cầm quyền đã phản bội ông khi tìm cách thành lập một chính phủ liên minh mới với các chính trị gia đối lập, theo AFP.
Thu tuong Mahathir de don tu chuc len Quoc vuong Malaysia
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. Ảnh: Reuters. 
Liên minh "Khế ước Hy vọng" (Pakatan Harapan) của Anwar và ông Mahathir giành chiến thắng bất ngờ trong tổng tuyển cử năm 2018 ở Malaysia, lật đổ liên minh Mặt trận Quốc gia (Barisan Nasional - BN) của cựu thủ tướng Najib Razak, khi đó chịu nhiều bê bối tham nhũng.
Đối đầu giữa Anwar và ông Mahathir gây sóng gió trên chính trường Malaysia suốt gần 2 thập kỷ. Tuy nhiên, cả hai đã chấp nhận bắt tay trước thềm tổng tuyển cử năm 2018 để lập đổ ông Najib Razak. Vào thời điểm liên minh Pakatan Harapan hình thành, ông Mahathir đã hứa hẹn để cho Anwar kế nhiệm.
Cáo buộc "bị phản bội" được Anwar công bố cho báo giới vào đêm 23/2. Ông nói cảm thấy sốc trước âm mưu phá vỡ chính phủ liên minh, gọi diễn biến này là "sự phản bội vì đã có lời hứa (trao quyền lực lại cho ông)", theo AFP.
Anwar gặp Thủ tướng Mahathir vào sáng 24/2, sau đó nói với báo giới rằng ông "hài lòng với lập trường của mình".
"Chúng ta không thể dễ dàng cúi đầu trước nhóm người muốn phản bội niềm tin của nhân dân trong cuộc tổng tuyển cử trước", ông cho biết.
Theo New Straits Times, thư xin từ chức được ông Mahathir gửi cho nhà vua vào lúc 13h ngày 24/2.
Quyết định từ chức được công bố giữa lúc xuất hiện tin đồn một liên minh cầm quyền mới sắp được hình thành ở Malaysia, bao gồm đảng Parti Pribumi Bersatu Malaysia (Bersatu) của ông Mahathir, Tổ chức Dân tộc Malay Thống nhất (UMNO), đảng Islam Se-Malaysia (PAS) của người Hồi giáo và một số đảng khác, theo Channel NewsAsia.
Dẫn nhiều nguồn thạo tin, Reuters cho biết đảng của ông Mahathir và một nhóm trong đảng của ông Anwar đã bí mật gặp các quan chức từ UMNO và PAS thảo luận thành lập liên minh cầm quyền mới. Kế hoạch này cũng nhằm giữ chân ông Mahathir hoàn thành nhiệm kỳ thủ tướng dài 5 năm, thay vì để cho ông Anwar kế nhiệm giữa nhiệm kỳ.
Bước đi tính toán chiến thuật?
Theo Straits Times, lá đơn từ chức của ông Mahathir nhiều khả năng là một bước đi tính toán chiến thuật, nhằm xé bỏ thỏa thuận chuyển giao quyền lực giữa ông và Anwar trước cuộc tổng tuyền cử năm 2023.
Một nguồn tin của Straits Times cho biết nhà vua có thể không chấp nhận đơn xin từ chức của thủ tướng Malaysia và thông báo ông có sự ủng hộ của đa số quốc hội. Thủ tướng Mahathir dự kiến có cuộc gặp với nhà vua vào lúc 14h30 cùng ngày.
Một nguồn tin khác trong liên minh Pakatan Harapan tiết lộ nhà vua đã được trình trước các thông cáo vào ngày 23/2. Tuy nhiên, việc chính thức lên tiếng bị trì hoãn có thể vì đàm phán còn dang dở về vị trí trong chính phủ mới, tạm gọi là Liên minh Dân tộc.
Trong khi đó, một nhóm nghị sĩ thuộc đảng Parti Keadilan Rakyat (PKR) của ông Anwar đã tuyên bố rời đảng và thành lập nhóm chính trị riêng. Tổng thư ký PKR Saifuddin Nasution Ismail trả lời họp báo ngày 24/4 cho biết hai nhân vật lãnh đạo của đảng là Zuraida Kamaruddin và Mohamed Azmin Ali đã bị sa thải vì "phản bội".
"Đã có hành động phản bội trắng trợn từ một số nhân vật nắm vai trò chủ chốt trong đảng, chống lại lập trường của đảng về việc tiếp nhận ghế thủ tướng", ông Saifuddin cho biết.
"Sự phản bội này đã làm suy yếu chính phủ liên minh Pakatan Harapan. Nó ảnh hưởng đến cả nền kinh tế và chính trị quốc gia. Chúng ta đang chứng kiến đồng ringgit rớt giá, thị trường chứng khoán và nhiều khía cạnh khác chịu tác động", ông cáo buộc.
Việc hàng loạt nghị sĩ thuộc PKR và đảng của ông Mahathir rời liên minh cầm quyền Pakatan Harapan đồng nghĩa liên minh này mất thế đa số tại quốc hội và chính phủ liên minh đã kết thúc, Straits Times nhận định.
Theo Channel NewsAsia, lãnh đạo của 6 đảng phái chính trị mong muốn thành lập chính phủ liên minh mới trong tối 23/2 có cuộc gặp riêng với quốc vương tại điện Istana Negara.
Sau đó, hơn 130 nghị sĩ từ các đảng chính trị còn đến dự một bữa tiệc do Mohamed Azmin Ali chủ trì tại khách sạn Sheraton, ở Petaling Jaya. Những chính khách nổi bật tham dự buổi tiệc gồm có chủ tịch Hiệp hội Người Malaysia gốc Hoa, chủ tịch Hội đồng Người Malaysia gốc Ấn, chủ tịch đảng UMNO, chủ tịch đảng PAS và chủ tịch đảng Bersatu của ông Mahathir.
Cùng đêm, ông Anwar tổ chức một buổi cầu nguyện tại nhà riêng ở Bukit Segambut, sau đó thừa nhận với báo giới rằng các đối tác trong liên minh cầm quyền đã phản bội ông để thành lập chính phủ mới.
Theo Thanh Danh/Zing.vn