Vì sao Tổng thống Putin ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia?

Google News

Tổng thống Vladimir Putin quyết định ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia sau khi 20.000 tấn dầu diesel tràn ra một con sông nằm trong Vòng Bắc Cực.

Sự cố xảy ra khi một bể chứa của nhà máy điện gần thành phố Norilsk, nằm phía trên Vòng Bắc Cực, thuộc vùng Krasnoyarsk, bị vỡ hôm 29/5.
Nhà máy được vận hành bởi một công ty con của Nornickel, công ty có các nhà máy tại Norilsk, biến thành phố này trở thành một trong những nơi ô nhiễm nặng nề nhất thế giới.
Trong cuộc họp trực tuyến hôm 3/6 được phát trên truyền hình, Tổng thống Putin đã quở trách người đứng đầu công ty con của Nornickel, nơi điều hành nhà máy điện NTEK, sau khi các quan chức cho biết công ty này không báo cáo về vụ việc. Ông Putin đã chỉ trích người đứng đầu NTEK vì “không báo cáo sự cố sớm hơn”.
Vi sao Tong thong Putin ban bo tinh trang khan cap quoc gia?
 Khoảng 20.000 tấn dầu diesel tràn vào sông Ambarnaya bên ngoài thành phố Norilsk. Ảnh: Getty Images.
“Tại sao các cơ quan chính phủ chỉ tìm hiểu về việc này hai ngày sau khi nó xảy ra? Lẽ nào chúng ta tìm hiểu về các trường hợp khẩn cấp thông qua mạng xã hội? Các vị có vấn đề gì hay không?”, ông Putin nói với Sergei Lipin, người đứng đầu NTEK.
Trong khi đó, Nornickel cho biết NTEK đã báo cáo những gì đã xảy ra “đúng lúc và chính xác”.
Trái lại, thống đốc vùng Krasnoyarsk nói với tổng thống rằng ông chỉ biết về tình hình thực tế hôm 31/5, sau khi “thông tin đáng báo động xuất hiện trên mạng xã hội”.
Ông Putin đã đồng ý với thống đốc về việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để huy động thêm nguồn lực xử lý sự cố.
Vi sao Tong thong Putin ban bo tinh trang khan cap quoc gia?-Hinh-2
 Tổng thống Vladimir Putin dẫn dắt cuộc họp trực tuyến để xử lý sự cố tràn dầu ở Vòng Bắc Cực. Ảnh: Sputnik/AFP/Getty.
Ủy ban Điều tra Nga, cơ quan chuyên xử lý các tội phạm nghiêm trọng, thông báo họ đã mở 3 cuộc điều tra hình sự về sự cố tràn dầu và bắt giữ một nhân viên nhà máy điện.
Con sông Ambarnaya, nơi dầu bị tràn, khó dọn sạch vì nước quá cạn, không thể sử dụng xà lan. Con sông cũng nằm ở nơi hẻo lánh và không có đường sá, các quan chức nói với Tổng thống Nga Putin.
Bộ trưởng môi trường Nga, Dmitry Kobylkin, cho biết ông nghĩ rằng việc đốt nhiên liệu như một số người đề xuất là quá rủi ro.
“Đây là một tình huống rất phức tạp. Tôi không thể tưởng tượng việc đốt cháy lượng nhiên liệu lớn trong lãnh thổ Bắc Cực. Ngọn lửa khổng lồ như vậy trong khu vực là một vấn đề lớn”.
Theo Hạnh Vũ/Zingnews.vn