|
Ngư dân Trung Quốc là lính xung kích trên biển.
|
Về tham vọng của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương, tác giả bài viết “Trung Quốc tiến ra biển” đăng trên báo Liberation ngày 1/4 nhận định từ nhiều năm qua, Trung Quốc không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng trên biển cũng như trên đất liền. Các nước láng giềng hết sức quan ngại trước sự hung hăng của Bắc Kinh trên đại dương và nhân đó, Mỹ cũng đã củng cố sự hiện diện về ngoại giao và quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương, một chiến lược mà Tổng thống Barack Obama gọi là “xoay trục về phía châu Á”.
Cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên đã tạo một cái cớ tốt cho Mỹ và các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc để chống lại cái thế đang lên của Trung Quốc.
Tiến ra biển để thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”
Lợi ích chiến lược của Bắc Kinh nằm trong khuôn khổ “giấc mơ Trung Hoa “ mà ông Tập Cận Bình đã trình làng trong bài diễn văn nhậm chức Chủ tịch nước hồi tháng Ba. Ông Tập đã gắn liền “giấc mơ” này với khái niệm “phục hưng Trung Quốc”, nhằm khôi phục lại quá khứ của đế chế Trung Hoa thời xa xưa. Để đạt được điều đó, Bắc Kinh đã lao vào công cuộc chinh phục những vùng lãnh thổ được cho là cần phải giành lại, theo kiểu vết dầu loang.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang do Nhật Bản quản lý nhưng bị Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền, hồi tháng 11/2012 là trung tâm cuộc khủng hoảng ngoại giao và thương mại giữa Tokyo và Bắc Kinh. Các sản phẩm của Nhật bị tẩy chay và đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh bị những người biểu tình vây hãm. Từ đó đến nay, mỗi ngày Bắc Kinh đều cử tàu đến quấy nhiễu lực lượng tuần duyên Nhật xung quanh quần đảo này. Thậm chí một chiến hạm Trung Quốc còn chĩa radar định vị hỏa lực vào một tàu khu trục Nhật và tất nhiên là Bắc Kinh đã chối phăng vụ việc nói trên.
Libération dẫn lời các chuyên gia cho rằng các vụ va chạm trên biển có nguy cơ lớn dẫn đến những cuộc đụng độ. Hôm 13/12/2012, lần đầu tiên kể từ nửa thế kỷ qua, một máy bay trinh sát Trung Quốc đã xâm phạm không phận Nhật Bản. Một phi đội Nhật lập tức bay lên truy đuổi, khiến người ta lo ngại một trận không chiến. Khu vực này bị Trung Quốc coi là “lãnh thổ chủ quyền cốt lõi” (tương tự như Tây Tạng), có nghĩa là quyền sở hữu không thể tranh cãi.
Bãi cạn Scarborough, cũng bị Trung Quốc yêu sách, nằm cách Philippines 160 km nhưng cách bờ biển Trung Quốc đến 800 km. Mùa xuân năm ngoái, các chiến hạm Trung Quốc đã phong tỏa lối vào chính, khiến các ngư dân Philippines không thể vào được. Để phản ứng lại, Tokyo và Manila đã đứng chung một mặt trận, hợp tác với nhau trong lãnh vực quốc phòng. Những vụ đụng độ tương tự cũng diễn ra thường xuyên với Việt Nam xung quanh quần đảo Hoàng Sa (bị Trung Quốc chiếm đóng) và quần đảo Trường Sa mà Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và vùng lãnh thổ Đài Loan cũng đòi hỏi chủ quyền.
Quấy nhiễu trên biển: Cuộc chiến tranh tiêu hao sinh lực
Libération nhận định những vụ đối đầu này chỉ là khúc dạo đầu của chiến dịch gặm nhấm đầy tham vọng, bởi vì Bắc Kinh yêu sách toàn bộ Biển Đông, có nơi cách Hoa lục đến hai ngàn cây số ! Khẳng định được kế thừa từ đế quốc Trung Hoa cũ, Bắc Kinh đã tái khẳng định chủ quyền bằng cách cho phát hành các hộ chiếu có in tấm bản đồ bao gồm “đường lưỡi bò”. Tuần qua, một đội tàu chiến hiện đại của Trung Quốc đã tập luyện đổ bộ lên một đảo san hô chỉ cách Malaysia có 80 km. Vốn hiền lành trước Bắc Kinh, Kuala Lumpur cũng đã phải lên tiếng. Rõ ràng là Bắc Kinh đã làm các láng giềng rất lo ngại.
Năm 2010, ông Shinzo Abe (nay đã trở thành Thủ tướng Nhật) giải thích: “Từ những năm 1980, chiến lược quân sự của Trung Quốc dựa trên quan niệm biên giới chiến lược. Ý tưởng này nói rõ là các đường biên giới và đặc khu kinh tế được xác định bởi quyền lực của một quốc gia. Kinh tế Trung Quốc càng lớn mạnh, thì vòng ảnh hưởng càng phải mở rộng. Một số cho rằng quan niệm này cũng tương đồng với q uan niệm ‘không gian sinh tồn’ (Lebensraum) của Đức quốc xã”.
Sở hữu ngân sách quốc phòng lớn thứ nhì trên thế giới, năm ngoái Trung Quốc đã cho hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên là Liêu Ninh. Nhưng về mặt chính thức thì Bắc Kinh vẫn rêu rao quan niệm “trỗi dậy hòa bình” và luôn tìm cách đưa “dân sự” lên tuyến đầu để chiếm giữ các vùng biển yêu sách. Chuyên gia Stéphanie Kleine-Ahlbrandt của International Crisis Group (ICG) mới đây đã giải thích với tờ Los Angeles Times: “Đó là một chiến lược tinh quái, bởi vì Trung Quốc có thể đạt được việc kiểm soát một khu vực mà chẳng cần bắn ra phát súng nào”.
Bài báo của Libération kết luận: Đôi khi tình hình cũng có khác. Tuần trước, Việt Nam lên án Bắc Kinh đã bắn vào một chiếc tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã chối bay. Có một điều chắc chắn là Bắc Kinh lại dấn thêm được một bước về chủ quyền trên biển.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Văn Bình