Đại sứ Azerbaijan: "Chúng tôi gọi đó là cuộc chiến tranh Vệ quốc"

Google News

Ngày 8/11, Azerbaijan đã kỷ niệm một năm chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Karabakh lần thứ hai - cuộc chiến mà người Azerbaijan gọi là "chiến tranh Vệ quốc".

1. Như chúng ta đã biết vào ngày 8 tháng 11 Azerbaijan sẽ kỷ niệm một năm chiến thắng trong Chiến tranh Karabakh lần thứ hai. Nhìn lại mùa thu năm 2020, ông nghĩ tại sao chiến tranh lại nổ ra và liệu các bên đã có thể tránh được cuộc chiến này?
Dai su Azerbaijan:
 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam ông Ambassador Anar Imanov.
Nói về cuộc chiến năm ngoái giữa Azerbaijan và Armenia mà chúng tôi gọi là Chiến tranh Vệ quốc, trước tiên chúng ta phải nói về những lý do đằng sau - sự chiếm đóng của Armenia đối với khu vực Nagorno-Karabakh trước đây và 7 vùng (tỉnh) của Azerbaijan gây ra hậu quả gần 1 triệu người Azerbaijan trở thành người tị nạn và những di cư nội địa. Họ đã mất tất cả, họ mất người thân trong gia đình, họ mất nhà cửa, tài sản, mọi thứ. Điều quan trọng cần đề cập là cộng đồng quốc tế đã công nhận hành động gây hấn chống lại Azerbaijan. Tổ chức quốc tế chính chịu trách nhiệm đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế - Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua 4 nghị quyết vào năm 1993, trong đó nêu rõ yêu cầu rút quân ngay lập tức, toàn bộ và vô điều kiện các lực lượng vũ trang Armenia khỏi Nagorno-Karabakh và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng khác của Azerbaijan. Đáng tiếc, một cộng đồng quốc tế, các thành viên quốc tế chủ chốt đã không đảm bảo được việc thực hiện các nghị quyết nói trên. Đối với chúng tôi, rõ ràng, để giải phóng đất đai của chúng tôi, đưa một triệu đồng bào của chúng tôi trở về quê hương của họ, chúng tôi chỉ có thể dựa vào bản thân, sức mạnh của chúng tôi chứ không dựa vào công lý hoặc việc thực thi luật pháp quốc tế mà chúng tôi đã chờ đợi gần 30 năm. Vì vậy, đây là một lý do chính của cuộc chiến năm ngoái – sự chiếm đóng trên các vùng lãnh thổ của Azerbaijan.
Chiến tranh chắc chắn có thể tránh được nếu Armenia thực thi các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, rút quân khỏi lãnh thổ Azerbaijan và chấm dứt sự chiếm đóng. Nhưng nó đã không xảy ra. Hơn nữa, Armenia tăng cường các hành động quân sự khiêu khích chống lại Azerbaijan, cụ thể là cuộc tấn công tại khu vực biên giới Tavuz vào tháng 7 năm 2020 cũng như triển khai một nhóm biệt kích phá hoại vào tháng 8 năm 2020, sau đó là pháo kích dữ dội vào các thị trấn và làng mạc của Azerbaijan vào ngày 27 tháng 9 năm 2020. Vì vậy, Armenia đã gây ra những lý do lớn nhất để cuộc chiến nổ ra. Những hành động này đã dẫn đến một chiến dịch phản công quy mô lớn của quân đội Azerbaijan, kết quả là Armenia bị đánh bại hoàn toàn và sau 44 ngày chiến tranh buộc phải đầu hàng. Azerbaijan trong suốt 44 ngày Chiến tranh Vệ quốc đã giải phóng các vùng đất bị Armenia chiếm đóng trong gần 30 năm và đảm bảo thực thi các nghị quyết nêu trên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chiến thắng này có được là nhờ tinh thần anh dũng, tính chuyên nghiệp và sự hy sinh quên mình của binh sĩ và sĩ quan Azerbaijan, cũng như sự đoàn kết của nhà nước và nhân dân trong một cú đấm thép để đánh bại kẻ thù của chúng tôi.
Dai su Azerbaijan:
Lực lượng Vũ trang Azerbaijan.
2. Vào ngày 10 tháng 11 năm 2020, các nhà lãnh đạo của Azerbaijan, Nga và Armenia đã ký Tuyên bố chung chấm dứt chiến tranh. Ông mô tả tài liệu đó như thế nào, nó đã được triển khai đầy đủ chưa và có đạt được các mục tiêu chính không?
Không nghi ngờ gì nữa, Tuyên bố chung là tài liệu cực kỳ quan trọng. Thứ nhất, nó đã kết thúc chiến tranh và đã cứu sống nhiều người. Dựa trên Tuyên bố chung, Armenia đã rút các lực lượng vũ trang của mình khỏi 3 khu vực bị chiếm đóng trong gần 30 năm của Azerbaijan - Agdam, Kalbajar và Lachin. Để giải phóng những tỉnh này bằng con đường quân sự, nhiều quân nhân Azerbaijan sẽ hy sinh. Nhưng điều đó đã không xảy ra và đó là một thành tích tuyệt vời. Như Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã tuyên bố, chúng tôi đã giải phóng đất đai của mình bằng con đường quân sự-chính trị, nghĩa là 4 tỉnh và Nagorno-Karabakh trước đây đã được giải phóng sau chiến tranh và 3 tỉnh được giải phóng sau khi Tuyên bố chung được ký kết.
Rất tiếc, Armenia không thực hiện đầy đủ các điều khoản của Tuyên bố chung đã đề cập. Tất cả các lực lượng quân sự Armenia đã phải rời khỏi toàn bộ lãnh thổ của Karabakh nhưng tiếc là một số vẫn còn ở lại. Dựa trên Tuyên bố chung, tất cả các tuyến giao thông vận tải và kinh tế được cho là sẽ được mở bao gồm cả đường bộ và đường sắt giữa Azerbaijan và Nakhichevan qua lãnh thổ Armenia được gọi là hành lang Zangezur. Nhưng Armenia vẫn không thực hiện công việc cần thiết để thực hiện các điều khoản nêu trên của Tuyên bố chung. Tuy nhiên, tôi tin rằng Armenia không có cách nào khác ngoài việc tuân thủ các nghĩa vụ trong Tuyên bố chung. Việc thực hiện đầy đủ sẽ đưa đến hòa bình lâu dài và phát triển bền vững trong toàn bộ khu vực.
3. Chúng ta thường xuyên nghe nói về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa trong khu vực xung đột, tại sao vấn đề này lại được đề cập đến bây giờ?
Thứ nhất, xung đột không còn nữa và xung đột Nagorno-Karabakh đã được giải quyết và chấm dứt. Thứ hai, khi chúng ta nói về thiệt hại đối với di sản văn hóa, lịch sử và tôn giáo của Azerbaijan do sự chiếm đóng, quy mô thực sự là rất lớn, không thể tưởng tượng được. Trước Chiến tranh Vệ quốc, tất nhiên, chúng ta mới thấy rằng nhiều ngôi nhà, tượng đài và nhà thờ Hồi giáo đã bị phá hủy trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Nhưng việc giải phóng các vùng đất cho thấy quy mô tàn phá khổng lồ mà chúng tôi không thể tưởng tượng được.
Trong suốt gần 30 năm chiếm đóng, Armenia đã cố tình phá hủy các thành phố và làng mạc, cướp bóc tất cả các địa điểm văn hóa và tôn giáo của Azerbaijan. 9 thành phố và hàng trăm ngôi làng của Azerbaijan đã bị Armenia xóa sổ một cách man rợ. Armenia đã nỗ lực xóa dấu vết của người Azerbaijan sinh sống trên các vùng lãnh thổ này trong nhiều thế kỷ. Thành phố Agdam đã bị phá hủy đến mức nó được gọi là Hiroshima của khu vực Caucasus. Sau giải phóng, quân đội không tìm được một công trình an toàn nào ở thành phố Fuzuli để giương cao lá cờ Azerbaijan. 65 trong số 67 nhà thờ Hồi giáo ở các vùng lãnh thổ bị Armenia chiếm đóng đã bị san bằng và 2 nhà thờ còn lại đã bị hư hại nghiêm trọng và bị báng bổ do được sử dụng làm chuồng lợn và bò. Hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa và các công trình lịch sử, kiến trúc, khảo cổ đã bị quân xâm lược phá hủy hoàn toàn. Đây là những vi phạm rõ ràng đối với các công ước quốc tế và tôi chắc chắn Armenia sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này.
Dai su Azerbaijan:
Thành phố Fuzuli của Azerbaijan hoang tàn đổ nát sau khi bị Armenia chiếm đóng.
4. 1 năm sau chiến tranh, hiện trạng quan hệ giữa Azerbaijan và Armenia như thế nào?
Azerbaijan đang tiếp tục nỗ lực thúc giục Armenia tuân thủ các nội dung của Tuyên bố chung do các nhà lãnh đạo Azerbaijan, Nga và Armenia đã ký. Như tôi đã đề cập trước đó, để đạt được hòa bình lâu dài trong khu vực, các điều khoản của Tuyên bố chung phải được thực hiện vô điều kiện. Tất cả các tuyến vận tải bao gồm cả hành lang Zangezur phải được mở. Azerbaijan đề xuất ký hiệp định hòa bình với Armenia trên cơ sở công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như đề xuất thực hiện phân định và cắm mốc biên giới giữa hai nước để tránh bất kỳ xung đột biên giới nào trong tương lai. Thật không may, phía Armenia không có dấu hiệu nghiêm túc rõ ràng nào cho thấy họ sẵn sàng ký kết hiệp định hòa bình với Azerbaijan và điều này cho thấy rõ ràng Armenia vẫn không ủng hộ việc mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực Nam Caucasus. Armenia phải chấm dứt các yêu sách lãnh thổ của mình với các nước láng giềng và cuối cùng thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.
Ngoài vấn đề nêu trên, một trong những vấn đề chính giữa hai nước là việc Armenia từ chối cung cấp bản đồ các bãi mìn trong các vùng lãnh thổ đã giải phóng. Tất cả các vùng đất đã được giải phóng khỏi sự chiếm đóng đều có hàng trăm nghìn quả mìn do các lực lượng vũ trang Armenia gài đặt. Mặc dù đã ngừng bắn, cả dân thường và quân nhân của chúng tôi vẫn mất mạng do mìn nổ. Phía Armenia phải chịu trách nhiệm về việc này. Azerbaijan kêu gọi các đối tác quốc tế, trong đó có Việt Nam, gây áp lực với Armenia và yêu cầu chuyển giao tất cả các bản đồ bãi mìn cho Azerbaijan phù hợp với luật pháp quốc tế.
Nói về luật pháp quốc tế, Armenia đã vi phạm một cách trắng trợn luật pháp quốc tế bằng việc chiếm đóng lãnh thổ của Azerbaijan, tiến hành diệt chủng ở thị trấn Khojali vào tháng 2 năm 1992, giết hại dân thường và thực hiện thanh lọc sắc tộc chống lại người Azerbaijan khiến gần một triệu người trong số họ trở thành người tị nạn và di cư nội địa, phá hủy toàn bộ thành phố và làng mạc, phá hủy thành phố và hệ sinh thái, phá hủy các di tích lịch sử, văn hóa và tôn giáo của Azerbaijan, tấn công các thành phố Azerbaijan và làng mạc bằng tên lửa đạn đạo trong cuộc chiến năm ngoái. Tất cả những hành vi này là sự vi phạm tàn bạo các chuẩn mực của luật pháp quốc tế và Azerbaijan đang buộc những người liên quan phải chịu trách nhiệm. Armenia với tư cách là nhà nước xâm lược cũng như các quan chức Armenia phải chịu trách nhiệm khi đưa ra quyết định gây ra tội ác chiến tranh. Chúng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi tên tội phạm chiến tranh cuối cùng bị xử lý.
Dai su Azerbaijan:
 Một căn nhà của người dân Azerbaijan bị phá hủy bởi tên lửa của Armenia.
5. Ông sẽ nói gì về các hoạt động ở các vùng lãnh thổ được giải phóng của Azerbaijan.
Azerbaijan đang xây dựng lại các vùng đất của mình. Như tôi đã đề cập, hàng trăm thị trấn và khu vực dân cư đã bị phá hủy hoàn toàn. Diện tích lãnh thổ cần được xây dựng và phục hồi gần tương đương với toàn bộ lãnh thổ của Lebanon, vì vậy chúng ta có thể tưởng tượng được rằng còn rất nhiều việc phải được triển khai. Các hoạt động xây dựng tích cực được thực hiện ở thành phố Shusha. Một số bảo tàng, cơ sở hạ tầng đã được sửa chữa, các tòa nhà dân cư đang bắt đầu được xây dựng. Azerbaijan đã xây dựng sân bay ở Thành phố Fizuly (thành phố này đã bị Armenia phá hủy hoàn toàn và sân bay là công trình xây dựng duy nhất trong thành phố). Dự án làng thông minh đang được hoàn thiện ở vùng Zangilat. Hệ thống năng lượng của toàn bộ vùng lãnh thổ được giải phóng đang được tái lập thành công. Hàng trăm km đường mới đang được xây dựng. Những chủ nhân thực sự của Karabakh đã trở lại và sẽ ở lại đây mãi mãi. Chúng tôi sẽ xây dựng lại tất cả các thành phố và làng mạc của mình, như Tổng thống Azerbaijan đã tuyên bố, chúng tôi sẽ biến toàn bộ Karabakh thành thiên đường.
Dai su Azerbaijan:
 Sân bay tại thành phố Fuzuli sau khi được giải phóng.
Nhân đây, các công ty Việt Nam được hoan nghênh tham gia vào các dự án tại các vùng lãnh thổ được giải phóng của Azerbaijan. Các điều kiện tuyệt vời cho các nhà đầu tư nước ngoài đã được xây dựng. Khu vực này được lên kế hoạch xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn sinh thái mới nhất, với các khái niệm thành phố thông minh và làng thông minh sẽ được triển khai. Việc giải phóng các vùng lãnh thổ của Azerbaijan đã mở ra cơ hội mới để mở rộng hợp tác kinh tế với bạn bè và đối tác quốc tế, trong đó có Việt Nam.
PV