Malaysia lại công khai phản đối Trung Quốc trên biển Đông

Google News

Malaysia một lần nữa bác bỏ các yêu sách chủ quyền hàng hải phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, công khai phản đối đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Hãng tin Bloomberg cho biết cách đây 2 tuần, chính phủ Malaysia đệ trình lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) một công hàm có nội dung khẳng định các quyền đối với phần còn lại của thềm lục địa bên ngoài dải 200 hải lý tính từ đường cơ sở của họ.
Hôm 13/8, Bộ trưởng Ngoại giao Hishammuddin Hussein phát biểu trước quốc hội Malaysia rằng đây là phản ứng của Malaysia về một tuyên bố tương tự mà Trung Quốc trình lên LHQ vào ngày 12/12 năm ngoái.
"Malaysia phản đối tuyên bố của Trung Quốc rằng họ có các quyền lịch sử đối với các vùng biển đó. Chính phủ Malaysia cũng xem các tuyên bố của Trung Quốc đối với các thực thể hàng hải ở Biển Đông là không có cơ sở nào theo luật pháp quốc tế" – ông Hishammuddin nhấn mạnh.
Malaysia lai cong khai phan doi Trung Quoc tren bien Dong
 Biển Đông nhìn từ bang Sabah của Malaysia. Ảnh: The Straits Times
Tuyên bố trên được xem là động thái bất thường của Malaysia. Trước đây, nước này tránh chỉ trích Trung Quốc công khai và thường nhắc lại quan điểm của họ là đảm bảo khu vực Biển Đông vẫn mở cửa cho thương mại.
Ông Hishammuddin cho biết Malaysia sẽ vẫn thận trọng trong việc bảo vệ tuyên bố của mình để tránh leo thang căng thẳng, tiếp tục hướng tới một giải pháp trong khuôn khổ do ASEAN đề ra. ASEAN đang tổ chức các cuộc thảo luận với Trung Quốc về bộ quy tắc ứng xử (COC) cho khu vực.
"Nếu chúng ta tuân theo những lời biện hộ và áp lực của các siêu cường thì khả năng cao là các nước ASEAN sẽ nghiêng về một số nước nhất định" – ông Hishammuddin lưu ý.
Quyết định đệ trình công hàm lên LHQ được Malaysia đưa ra sau khi Úc và Mỹ cũng bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc. Hai đồng minh này mô tả Bắc Kinh muốn tăng cường hoạt động nhằm thống trị khu vực giàu tài nguyên.
Trung Quốc đã xây dựng các đảo nhân tạo và triển khai khí tài quân sự trên các bãi cạn, rạn san hô và mỏm đá để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền phi lý đối với 80% Biển Đông. Các hành động này bị Mỹ và cộng đồng quốc tế cực lực phản đối.
Theo Phạm Nghĩa/Người lao động