Mộ tổ tiên “không cánh mà bay”, con cháu khổ sở tìm xương cốt

Google News

Dù người đàn ông không nhận được bất kỳ thông báo nào về việc di dời nhưng phần mộ tổ tiên vẫn "không cánh mà bay".

Ông Trịnh Song Minh, 53 tuổi, sinh sống tại thôn Sơn Đầu, trấn Thượng Dư, thành phố Cù Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc cho biết, do địa phương có dự án phát triển khu công nghiệp nên cán bộ thôn đã vận động người dân di dời mồ mả với mức bồi thường trung bình khoảng 2.000 NDT.
Năm 2019, ông Trịnh đồng ý với lời vận động trong việc di dời lăng mộ của bà nội. Vì việc trang tu lăng mộ rất công phu nên "chính phủ bồi thường cho chúng tôi 4.000 - 5.000 NDT", ông Trịnh nói.
Theo ông Trịnh, tại nghĩa trang nhỏ trên đồi trong thôn vẫn còn mộ bà nội và con của bà chưa được di dời. Trong khi khoảng 10 ngôi mộ khác cách đó 100 mét đều đã được chuyển đến nơi khác.
Đến tết Trùng Cửu (9/9 Âm lịch), ông Trịnh theo tục lệ ra mộ thu dọn thì phát hiện mộ phần và bia mộ đều đã "không cánh mà bay", chỉ còn một cái hố lớn.
Mo to tien “khong canh ma bay”, con chau kho so tim xuong cot
Hố lớn xuất hiện sau khi mộ bà nội của ông Trịnh bị di dời. Ảnh: Powerapple.com
Ông Trịnh sau đó báo cáo việc này với cán bộ thôn và nhận được câu trả lời rằng đơn vị thi công đã khai quật nhầm phần mộ của bà ông. 
Ông lại tiếp tục trình báo sự việc lên cảnh sát địa phương. Sau khi đến hiện trường, cảnh sát đã liên hệ với đơn vị phát triển khu công nghiệp và chính quyền thôn. "Họ nói rằng do đơn vị thi công đã công nhận sai sót nên không cần lập biên bản, chúng tôi sẽ tự thương lượng", ông Trịnh chia sẻ.
Ngày 18/10, có hai nhân viên tìm tới nhà ông Trịnh để thương lượng vấn đề bồi thường. "Tôi chưa từng nhận được bất kỳ thông báo di dời mộ nào nhưng họ nói rằng chỉ có thể thêm 2.000 NDT cho phí di dời và nhầm lẫn. Trong khi đó việc tìm lại xương cốt cũng như tổn thất tinh thần cũng đến 100.000 NDT".
Về vấn đề này, Bí thư Đảng ủy thôn cho biết ông đã có cuộc trò chuyện với ông Trịnh để xem sự việc có thể giải quyết được hay không bởi số tiền bồi thường phải do lãnh đạo trấn Thượng Dư, nơi có quyền hạn cao hơn quyết định.
Theo một luật sư tại Trung Quốc, chính quyền nên có thông báo nếu việc thu hồi đất liên quan đến di dời các lăng mộ. Chỉ những trường hợp không di chuyển sau thời hạn quy định mới bị coi là mộ vô danh và chủ đầu tư có thể tự quyết.
Nếu đơn vị liên quan không thực hiện các thủ tục tương ứng hoặc tự ý làm hư hại phần mộ tổ tiên của người khác khi không được phép thì đây bị coi là hành vi sai trái, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của con cháu, phải bồi thường dựa trên mức độ vi phạm.

Dân giận dữ tố doanh nghiệp tự ý đào hơn 100 ngôi mộ. Video: Dân trí.


Nguyễn Nguyễn (Theo QQ)