Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gần đây có nhiều bước đi điều chỉnh sự quan tâm của liên minh này với châu Á - Thái Bình Dương (TBD). Với bản chất là một tổ chức quân sự do Mỹ dẫn đầu, ý định mở rộng ảnh hưởng của NATO về phía đông vấp phải phản ứng kịch liệt từ phía Trung Quốc (TQ).
NATO tính mở văn phòng liên lạc tại Nhật
Những năm gần đây, NATO dần mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng ở khu vực thông qua việc thắt chặt quan hệ với nhiều đối tác, trong đó có Nhật, Úc, Hàn Quốc và New Zealand. NATO xem bốn nước này - được gọi chung là đối tác châu Á - TBD (AP4) - là “đối tác trên toàn cầu” và sẽ lập cái được gọi là chương trình đối tác được thiết kế riêng (ITPP) với cả bốn nước, theo tờ Nikkei Asia. Liên minh quân sự phương Tây này tuyên bố rằng “tăng cường quan hệ với các đối tác ở Ấn Độ Dương (AĐD) - TBD là một khía cạnh quan trọng trong chương trình nghị sự 2030 của NATO”.
Đầu tháng này một phái đoàn cấp cao NATO sang dự Đối thoại Shangri-La 2023 tại Singapore, gặp quan chức quân sự và chính trị hàng loạt nước như TQ, Úc, Nhật, New Zealand, Singapore, Israel, Pakistan và Mông Cổ. Động thái cho thấy NATO đang quan tâm mạnh tới tình hình an ninh khu vực.
Dự kiến lãnh đạo bốn nước Nhật, Hàn Quốc, Úc, New Zealand sẽ dự hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới tại Vilnius (Lithuania) vào ngày 11 và 12-7. Đây sẽ là năm thứ hai liên tiếp bốn lãnh đạo AP4 dự thượng đỉnh NATO. Tháng 6-2022, lãnh đạo bốn nước này lần đầu dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Tây Ban Nha. Diễn biến này cho thấy NATO đang rút ngắn khoảng cách quan hệ với AĐD-TBD.
Tháng 1, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg công du Hàn Quốc và Nhật. Đặc biệt, tại Tokyo, ông Stoltenberg và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida nhất trí nâng tầm quan hệ hợp tác về an ninh. Diễn biến mới nhất, đầu tuần này hãng Reuters đưa tin NATO đang gấp rút thống nhất nội khối và đàm phán với Nhật mở văn phòng liên lạc NATO ở Tokyo vào năm 2024, dùng văn phòng này như một trung tâm hợp tác không chỉ với Nhật mà cả với Úc, New Zealand, Hàn Quốc. Văn phòng được xem như một cơ sở để thực hiện suôn sẻ ITPP.
|
Các bộ trưởng Bộ Quốc phòng NATO gặp gỡ đại diện của Úc, Nhật, Hàn Quốc và New Zealand tại Brussels (Bỉ) vào tháng 5-2022. Ảnh: NATO
|
Trung Quốc phản ứng mạnh
Nếu NATO thành công mở văn phòng liên lạc tại Nhật thì đây sẽ là bước phát triển quan trọng với khối quân sự do Mỹ dẫn đầu, trong bối cảnh chia rẽ địa chính trị ngày càng sâu sắc, theo đài CNN. Thông tin này đang gây chú ý với nhiều bên.
Trả lời phỏng vấn CNN tháng trước, Ngoại trưởng Nhật Yoshimasa Hayashi giải thích rằng cuộc chiến ở Ukraine có tác động vượt xa biên giới châu Âu khiến thế giới trở nên bất ổn hơn, buộc Nhật phải cân nhắc lại tình trạng an ninh khu vực. Thủ tướng Nhật Kishida xác nhận kế hoạch trên của NATO song tuyên bố Tokyo sẽ không trở thành thành viên của liên minh quân sự phương Tây này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phản đối kế hoạch mở văn phòng liên lạc của NATO tại Nhật, cho rằng liên minh an ninh xuyên Đại Tây Dương cần tiếp tục tập trung vào khu vực bắc Đại Tây Dương.
Tại Đối thoại Shangri-La, ông Angus Lapsley, trợ lý tổng thư ký NATO về chính sách và kế hoạch quốc phòng, đã lý giải cho sự quan tâm ngày càng gia tăng của khối quân sự này với khu vực. Theo ông Lapsley, NATO không có kế hoạch hoạt động hoặc mở rộng ở AĐD-TBD, song muốn can dự vào khu vực để hiểu rõ những gì đang diễn ra ở đây, nhất là khi khu vực này đang thay đổi nhanh chóng và có ảnh hưởng ngày càng lớn, theo tờ The Straits Times.
Tháng 4, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cũng nhấn mạnh “những gì xảy ra ở châu Á, AĐD-TBD quan trọng đối với châu Âu”. Tại cuộc họp với các ngoại trưởng NATO ở Na Uy ngày 3-6, ông Stoltenberg nói rằng sức mạnh quân sự, kinh tế và chính trị ngày càng tăng của TQ đặt ra thách thức với NATO và liên minh sẽ hợp tác với các đối tác ở AĐD-TBD để đối phó.
Những chuyển động chiến lược của NATO ở châu Á vấp phải phản ứng từ khu vực, điển hình từ TQ. Đáp trả phát ngôn của Tổng thư ký Stoltenberg về các “thách thức” từ TQ, Đại sứ quán TQ tại Na Uy phản đối việc NATO liên tục xem TQ là “mối đe dọa”, kêu gọi NATO ngừng kích động xung đột khu vực, tạo sự chia rẽ và bất ổn.
“NATO tuyên bố là một tổ chức phòng thủ khu vực nhưng một số thành viên của NATO liên tục mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài, thiết lập các liên hệ quân sự chặt chẽ với các quốc gia ở châu Á - TBD khiến căng thẳng leo thang tại khu vực” - Đại sứ quán TQ lưu ý.
Về kế hoạch mở văn phòng đại diện NATO ở Nhật, Bộ Ngoại giao TQ nhấn mạnh rằng châu Á không phải là một đấu trường cho các nước tìm kiếm các cuộc chiến địa chính trị. TQ cho rằng việc NATO tiến về phía đông và can thiệp vào các vấn đề châu Á - TBD chắc chắn sẽ làm suy yếu hòa bình và ổn định khu vực.
Tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng TQ Lý Thượng Phúc phản đối ý tưởng thành lập các liên minh kiểu NATO ở châu Á - TBD, cho rằng việc này đẩy khu vực “vào vòng xoáy chia rẽ, tranh chấp và xung đột”.
Bộ Ngoại giao TQ chỉ trích một số quốc gia một mặt tuyên bố ủng hộ tự do, cởi mở và duy trì hòa bình, thịnh vượng trong khu vực nhưng mặt khác đang tập hợp các khối quân sự khác nhau và cố gắng đẩy NATO vào châu Á - TBD.
“Thái độ của hầu hết các nước trong khu vực đều rất rõ ràng: Phản đối sự chắp vá của các khối quân sự khác nhau trong khu vực, không hoan nghênh việc NATO vươn vòi sang châu Á, không chấp nhận việc tái diễn thế đối đầu khối ở châu Á và không cho phép bất kỳ cuộc chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng nào lặp lại ở châu Á” - Bộ Ngoại giao TQ ra tuyên bố ngày 5-6, đồng thời kêu gọi Nhật “thận trọng” về các vấn đề an ninh.
NATO can dự vào châu Á, sẽ bất lợi cho cả hai?
Trong một bài viết trên tạp chí The Diplomat, bà Kelly A. Grieco, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Stimson Center (Mỹ), cho rằng không thể nói chắc sự can dự lớn hơn của NATO vào châu Á có lợi cho an ninh và ổn định khu vực.
Theo bà, có hai lý do chính cho suy nghĩ này. Thứ nhất, năng lực của châu Âu còn hạn chế, đặc biệt năng lực triển khai lực lượng hải quân và không quân, do đó thiếu khả năng đóng góp một cách có ý nghĩa vào việc răn đe tại khu vực.
Thứ hai, mặc dù động cơ của NATO mang tính phòng thủ, việc liên minh này tăng cường hiện diện quân sự và hợp tác với quốc gia ở AĐD-TBD có thể bị diễn giải là công kích và đe dọa, do đó khiến Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ hơn đối với NATO và các nước thành viên. Hậu quả là tạo một vòng lặp hành động - phản ứng, làm suy giảm sự ổn định và an ninh ở châu Âu và ở AĐD-TBD.
Theo Vĩnh Khang / PLO