Horace Greasley sinh ra tại Ibstock vào đúng giáng sinh năm 1918. Năm 20 tuổi, khi chiến tranh nổ ra, ông đang là 1 thợ cắt tóc – 1 công việc giúp rất nhiều cho thành tích vượt ngục của ông sau này. Theo người anh sinh đôi Harold Greasley, đáng lẽ ông đã không phải ra chiến trường nếu chịu nhận công việc lính cứu hỏa vốn được trả lương cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, Horace đã từ chối cơ hội hiếm có này và chấp nhận gia nhập quân đội.
|
Horace Greasley hồi còn trẻ (bên trái) và sau khi về già (bên phải). |
Sau khoảng 7 tuần huấn luyện cơ bản, ông cùng với Lực lượng Viễn chinh Anh đổ bộ tới Pháp. Khi mọi việc không thuận lợi và lực lượng Anh phải rút lui về Dunkirk, ông bị quân Đức bắt làm tù nhân vào tháng 5.1940. Sau đó, Horace bị đẩy vào 1 trại tù ở vùng Selesia thộc Ba Lan (lúc này đã bị Đức chiếm giữ).
Tại đây, ông đã gặp Rosa Rauchbach – 1 thiếu nữ Ba Lan 17 tuổi, con gái giám đốc 1 mỏ đá hoa cương gần đó và đang làm phiên dịch viên cho quân Đức. Hai người lập tức phải lòng nhau và thường bí mật gặp gỡ. Một năm sau đó, Horace được chuyển tới 1 trại tù khác có tên Freiwaldau – cách trại cũ khoảng 64 km. Những tưởng, việc này sẽ kết thúc mối quan hệ giữa 2 người, thế nhưng tình yêu cháy bỏng của người lính Anh và cô gái Ba Lan đã bắt đầu chuỗi vượt ngục kỷ lục.
Theo lời kể của bà Brenda – vợ ông Horace sau này, người đàn ông này thường lợi dụng kẽ hở của việc canh gác để vượt rào trốn chạy và đến gặp bà Rosa tại 1 địa điểm hẹn trước. Được biết, người phụ nữ Ba Lan này cũng phải vượt quãng đường khoảng 32 km để có cơ hội gặp người yêu của mình.
Những lúc không gặp được nhau, cả 2 đều trao đổi thư từ theo cách đặc biệt: Rosa cuốn lá thư trong những điếu thuốc và gửi cho những tù nhân lao động bên ngoài còn Horace, thông qua công việc cắt tóc trước chiến tranh, nhận thư từ những người này.
Sau này, khi người lính Anh bị chuyển ra 1 trai khác gần rừng, việc vượt ngục trở nên dễ dàng hơn đến mức hàng đêm, Horace vượt ngục để gặp Rosa rồi sáng hôm sau lại trở về. Sau này, mọi người đều cho rằng người đàn ông này đã vượt ngục khoảng 200 lần trong suốt quá trình gặp gỡ người yêu.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh chiến tranh tàn bạo và khốc liệt, một cuộc tình đẹp như tiểu thuyết đã chấm dứt với kết cục bi thương. Sau khi chiến tranh kết thúc, Horace đã giúp Rosa nhận được công việc phiên dịch viên cho người Mỹ. Thế nhưng khi trở về nhà, ông đã bàng hoàng nhận được tin người con gái mình yêu đã chết khi sinh đẻ. Đau đớn hơn, ông còn không rõ đứa trẻ có phải là của mình hay không.
Theo Mai Đại/Dân Việt