Pháp trước nguy cơ kết thúc năm mà không có chính phủ ổn định

Google News

Tối qua 4/12 (giờ địa phương), các nghị sĩ Quốc hội Pháp đã tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, buộc Thủ tướng Michel Barnier phải từ chức.

Việc ông Barnier mất ghế và chính phủ của ông sụp đổ hé lộ tương bất định mới cho nền chính trị của Pháp - cường quốc kinh tế lớn thứ hai của Liên minh châu Âu (EU).

Tổng cộng có 331 nghị sĩ, chủ yếu từ liên minh các đảng cánh tả NFP và đảng cực hữu RN, đã bỏ phiếu ủng hộ, vượt qua mức 289 phiếu cần thiết để cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc ông Barnier sẽ mất chức Thủ tướng sau chỉ ba tháng cầm quyền và ông cũng trở thành Thủ tướng Pháp đầu tiên bị lật đổ bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 1962.

Phap truoc nguy co ket thuc nam ma khong co chinh phu on dinh

Thủ tướng Pháp Michel Barnier. Ảnh: Bloomberg.

“Chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier đã sụp đổ. Tôi biết sẽ có nhiều lo lắng rằng một lần nữa nước Pháp lại không có chính phủ, một lần nữa chúng ta không biết khi nào ngân sách sẽ được thông qua. Điều tôi muốn nói ở đây là chúng tôi đã tiến hành cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này một cách có ý thức và nghiêm túc. Chúng tôi đã nhận thức được hậu quả của điều đó, và nếu chúng tôi phải làm vậy, thì đó là vì chúng tôi biết rằng có thể đề xuất một con đường khác”, bà Cyrielle Chatelain, một thành viên Đảng Xanh cho biết.

Việc ông Barnier mất ghế xuất phát từ nỗ lực “vượt mặt” Quốc hội trong việc thông qua dự luật ngân sách chính phủ năm 2025. Tuy nhiên, trong cuộc tranh luận tại Quốc hội vào ngày 4/12, ông Barnier vẫn khẳng định trước các nhà lập pháp rằng ông “không sợ hãi”, đồng thời cảnh báo rằng việc loại bỏ ông sẽ khiến “mọi thứ trở nên khó khăn hơn”.

“Tôi không sợ hãi với những cam kết chính trị của mình. Điều đang bị đe dọa là khả năng chung của chúng ta để tiến tới với nhau, để vượt qua những căng thẳng và chia rẽ đã làm tổn thương đất nước chúng ta rất nhiều, để chúng ta có được chiếc la bàn duy nhất đó là lợi ích chung. Điều nên đoàn kết chúng ta lại đó là chính trị, theo cách tôi hiểu, nó phải bao gồm việc tạo ra tiến bộ chung”, ông Barnier nói.

Hiện giờ, nội các của ông Barnier sẽ phục vụ với tư cách chính phủ lâm thời cho đến khi Tổng thống Macron bổ nhiệm lãnh đạo mới. Tổng thống Macron dự kiến có bài phát biểu trước toàn dân vào cuối ngày 5/12 (giờ địa phương) về diễn biến mới trên chính trường.

Thực tế vị thế của Tổng thống Macron cũng đã suy giảm nhanh chóng trong nhiều tháng qua. Sự trỗi dậy của tư tưởng chính trị cánh hữu, cũng như thất bại lớn của phe trung dung do ông lãnh đạo trong cuộc bầu cử lập pháp bất ngờ hồi tháng 7 khiến sự ủng hộ của ông ngày một tụt giảm. Bất chấp những chỉ trích và kêu gọi từ chức, đến nay ông Macron vẫn nêu rõ quyết tâm phục vụ hết nhiệm kỳ của mình vào năm 2027.

Theo bà Marine Le Pen- lãnh đạo Đảng cực hữu RN, với kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 4/12, áp lực càng thêm đè nặng lên Tổng thống Macron.

“Ông ấy là người duy nhất sẽ đưa ra quyết định, người sẽ có tiếng nói cuối cùng, về việc liệu ông ấy có muốn người dân Pháp lại bỏ phiếu trước năm 2027 hay liệu ông ấy có muốn tiếp tục giữ chức vụ này bằng mọi giá hay không”, bà Le Pen cho hay.

Tình hình rối ren hiện tại khiến Pháp đối mặt nguy cơ kết thúc năm 2024 mà không có một chính phủ ổn định hay ngân sách cho năm 2025, mặc dù hiến pháp cho phép áp dụng các biện pháp đặc biệt để tránh tình trạng chính phủ đóng cửa như ở Mỹ. Hơn nữa, khủng hoảng chính trị của Pháp có khả năng góp phần làm suy yếu EU vốn đã lao đao bởi sự tan rã của chính phủ liên minh ở Đức.

Theo Phương Anh/Báo điện tử VOV