Tàu Hải Dương 8 trở lại Bãi Tư Chính: TQ xâm phạm ngang ngược, mưu đồ xấu phơi bày?

Google News

(Kiến Thức) - Giới chuyên gia đã chỉ rõ mưu đồ của Trung Quốc khi đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 và các tàu hộ tống của nước này quay lại xâm phạm trắng trợn vùng biển Việt Nam.

Tàu Trung Quốc lại xâm phạm vùng biển Việt Nam
Ngày 13/8/2019, Tàu Hải Dương 8 trở lại Bãi Tư Chính và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế.
Đây là lần thứ hai trong vòng hơn một tháng, các tàu của Trung Quốc tiến hành các hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. 
“Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
Tau Hai Duong 8 tro lai Bai Tu Chinh: TQ xam pham ngang nguoc, muu do xau phoi bay?
Tàu Haijing 3901 của Trung Quốc. Ảnh: SCMP. 
Trung Quốc không hề có vùng biển hợp pháp nào có thể chồng lấn hay tranh chấp với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nơi tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm trái phép.
Chính vì vậy, việc Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 trở lại hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành vi vi phạm nghiêm trọng UNCLOS.
"Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.
Tàu Hải Dương 8 trở lại Bãi Tư Chính: Thấy rõ mưu đồ của Trung Quốc
Theo giới chuyên gia, việc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 và các tàu hộ tống của Trung Quốc quay lại xâm phạm vùng biển Việt Nam là hành vi có ý đồ của nước này.
Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, nhận định hành động của Trung Quốc không chỉ nhằm mục đích quấy rối mà còn gia tăng áp lực với Việt Nam. 
Còn Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á của CSIS, đánh giá Trung Quốc muốn thể hiện rằng tất cả các tài nguyên hydrocarbon nằm trong "đường 9 đoạn" mà Bắc Kinh tự vẽ ra ở Biển Đông đều thuộc về Trung Quốc.
Giữa lúc Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 quay trở lại xâm phạm vùng biển Việt Nam, Mỹ đã lên án hành vi của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh sử dụng "thủ đoạn bắt nạt" tại Biển Đông, đồng thời tuyên bố Washington sẽ chống lại các nỗ lực của Bắc Kinh.
"Những nỗ lực gần đây của Trung Quốc nhằm đe dọa các bên khác từ bỏ hoạt động khai thác tài nguyên ở Biển Đông là đáng lo ngại. Mỹ kiên quyết đứng về phía những bên chống lại hành vi cưỡng ép và các thủ đoạn bắt nạt đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực", Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, ông John Bolton, tuyên bố.
Tau Hai Duong 8 tro lai Bai Tu Chinh: TQ xam pham ngang nguoc, muu do xau phoi bay?-Hinh-2
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton. Nguồn: Reuters. 
Trước đó, tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 cùng một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng 7 đến ngày 7/8.
Hoạt động của nhóm tàu Hải dương Địa chất 8 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không chỉ vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), mà còn xâm phạm trắng trợn các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông.

Mời độc giả xem thêm video: Tàu Trung Quốc Hải Dương 8 xâm phạm thềm lục địa Việt Nam (Nguồn: VTC1)

Chuyên gia Swee Lean Collin Koh thuộc Học viện Chiến lược và Quốc phòng (Singapore) từng nhận định, bằng việc gửi tàu đến khu vực gần bãi Tư Chính, Trung Quốc muốn phát đi thông điệp rằng nếu Trung Quốc không được phép khai thác tài nguyên ở đây thì các nước khác cũng phải chịu như vậy.
Có thể thấy, các bước đi này nằm trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc nhằm độc chiếm biển Đông cũng như kiểm soát hoàn toàn tài nguyên trong "đường lưỡi bò", chiếm 80% diện tích biển Đông, mà Bắc Kinh tự vẽ ra.
Thiên An