Tổng thống Trump đẩy trách nhiệm cho WHO để che đậy sai sót chống dịch?

Google News

Tổng thống Mỹ nói ông sẽ dừng tài trợ cho tổ chức y tế hàng đầu thế giới vì "thúc đẩy thông tin sai lệch từ Trung Quốc", nhưng chính ông ban đầu đã ca ngợi cách xử lý của Bắc Kinh.
 
 

"Những sai lầm của họ đã gây ra rất nhiều cái chết", tổng thống Mỹ phát biểu với các phóng viên trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, nói về Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Hôm 14/4, tổng thống tuyên bố chính quyền của ông sẽ tạm dừng tài trợ cho WHO và cáo buộc tổ chức này đã phạm một loạt sai lầm nghiêm trọng trong nỗ lực ngăn chặn virus. Ông cho biết chính quyền Mỹ sẽ tiến hành đánh giá liệu WHO có trách nhiệm trong việc "xử lý sai trầm trọng và che đậy" dịch bệnh hay không.
Tuy nhiên, theo New York Times, trong nhiều tuần, chính Tổng thống Trump là người phải đối mặt với cáo buộc tắc trách trong việc chống dịch, dẫn đến hơn 600.000 ca nhiễm và 26.057 ca tử vong ở Mỹ (theo số liệu của CNN), biến nước này thành nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Chính quyền liên bang bị chỉ trích vì phản ứng chậm và không hiệu quả, không nhanh chóng áp dụng các biện pháp y tế công cộng có thể ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy số người Mỹ không hài lòng với cách ông Trump xử lý khủng hoảng này nhiều hơn số người hài lòng.

Thoái thác trách nhiệm
Theo New York Times, ông Trump đã cáo buộc tổ chức y tế hàng đầu thế giới phạm phải mọi sai lầm mà ông phạm phải kể từ khi virus này xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc và sau đó lây lan nhanh chóng.
Tính đến ngày 15/4, toàn thế giới đã có khoảng 2 triệu ca nhiễm và gần 125.000 ca tử vong.
Cuộc tấn công nhắm vào WHO, tổ chức được thành lập sau Thế chiến II, trực thuộc Liên Hợp Quốc để "thúc đẩy và bảo vệ sức khỏe của tất cả mọi người", là ví dụ mới nhất về nỗ lực của ông Trump nhằm thoái thác trách nhiệm xuyên suốt cuộc khủng hoảng.
Tong thong Trump day trach nhiem cho WHO de che day sai sot chong dich?
Tổng thống Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 14/4. Ảnh: New York Times. 
Trong nhiều tháng qua, ông Trump đã liên tục kêu gọi truyền thông, các thống đốc, các thành viên đảng Dân chủ trong quốc hội Mỹ và cựu tổng thống Barack Obama phải chịu trách nhiệm về số lượng ca nhiễm khiến các bệnh viện trên toàn quốc rơi vào cảnh quá tải.
Hồi giữa tháng 3, khi được hỏi thẳng về việc liệu ông có nhận trách nhiệm về việc năng lực xét nghiệm trong nước không đáp ứng nhu cầu, ông Trump nói "tôi không chịu trách nhiệm gì cả".
Cơ sở cho sự giận dữ của tổng thống đối với WHO là luận điểm rằng tổ chức này đã vội vàng tin vào thông tin về virus từ chính phủ Trung Quốc vào thời điểm đáng lẽ họ phải nghiêm khắc hơn. Ông nói rằng WHO "đã sẵn lòng chấp nhận sự đảm bảo của Trung Quốc với những gì họ cung cấp" và "thúc đẩy thông tin sai lệch từ Trung Quốc".
Song chính ông Trump là người đã ca ngợi cách chính phủ Trung Quốc ứng phó với virus, một cách công khai và liên tục vào thời điểm đầu năm, khi chính quyền của ông đang đàm phán một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Vào ngày 24/1, khoảng một tháng sau khi virus được phát hiện ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, ông Trump nói trên Twitter: "Trung Quốc đã làm hết sức để ngăn chặn virus corona. Mỹ đánh giá rất cao những nỗ lực và sự minh bạch của họ". Đó là vài ngày sau khi WHO tuyên bố rằng "không có bằng chứng rõ ràng cho thấy có sự lây nhiễm từ người sang người của virus".
Trong cuộc tranh luận qua lại với các phóng viên hôm 14/4 sau tuyên bố của ông tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã từ chối bình luận sự mâu thuẫn đó, nói rằng ông "rất muốn có mối quan hệ tốt với Trung Quốc", ngay cả khi ông đặt cây hỏi tại sao "tôi là nhà lãnh đạo duy nhất đóng cửa biên giới với Trung Quốc?". (Thật ra Italy đã cấm các chuyến bay từ Trung Quốc trước Mỹ).
Khi được hỏi tại sao bây giờ lại hành động, ông Trump nhấn mạnh rằng WHO "đã quá thiên vị Trung Quốc" mà không giải thích điều đó có nghĩa là gì hoặc tại sao điều đó sẽ khiến một số lượng lớn người bị nhiễm virus.
Tranh cãi về hành động của WHO
Trong một tuyên bố được đưa ra vào tối 14/4, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã bảo vệ WHO, nói rằng tổ chức "phải được hỗ trợ, vì nó vô cùng quan trọng đối với những nỗ lực của thế giới để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Covid-19".
Ông Guterres nói rằng "có thể các thực thể khác nhau có cách lý giải khác nhau đối với cùng một thực tế", nhưng ông nhấn mạnh rằng giữa lúc đại dịch đang diễn ra thế này không phải là thời điểm để giải quyết những khác biệt đó.
"Đây cũng không phải là lúc để cắt giảm các nguồn lực cho các hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới hoặc bất kỳ tổ chức nhân đạo nào khác trong cuộc chiến chống lại virus", ông nói.
Tong thong Trump day trach nhiem cho WHO de che day sai sot chong dich?-Hinh-2
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres (trái) và Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong một cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Liên Hợp Quốc. 
Ngân sách mỗi hai năm của WHO là khoảng 6 tỷ USD, đến từ các quốc gia thành viên trên thế giới. Năm 2019, năm gần nhất có số liệu, Mỹ đã đóng góp khoảng 553 triệu USD.
Có nhiều chỉ trích và nghi ngờ về việc WHO đã không đủ quyết liệt trong việc khuyến nghị hành động ngăn chặn virus lây lan. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã lưu ý rằng lãnh đạo của tổ chức đã không thách thức khẳng định của Trung Quốc vào giữa tháng 1 rằng virus không lây từ người sang người.
Theo ông Trump, WHO đã "đấu" với Mỹ sau khi ông ra lệnh giới hạn các chuyến bay từ Trung Quốc vào ngày 31/1. Ông dường như đề cập đến việc các quan chức WHO quyết định đưa ra tuyên bố rằng việc "hạn chế di chuyển của người dân và hàng hóa trong trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng là không hiệu quả trong hầu hết tình huống".
WHO đã không chỉ trích Mỹ, vốn không phải là quốc gia duy nhất áp đặt các hạn chế đi lại. Song trong lịch sử, tổ chức này đã phản đối việc đóng cửa biên giới hoặc cấm đi lại khi dịch bệnh bùng phát, vì chúng không bao giờ giúp ngăn chặn được dịch bệnh, tạo ra nỗi sợ hãi và gây thiệt hại kinh tế trên diện rộng.
Virus corona đã kiểm tra những giả định đó ở các nước giàu có, và nhiều chuyên gia đồng ý rằng việc cấm Mỹ cấm nhập cảnh trước tiên đối với người Trung Quốc và sau đó là người từ châu Âu có thể đã cho Mỹ thêm thời gian quý báu và có hạn để chuẩn bị ứng phó. Song phe chỉ trích cho rằng Nhà Trắng đã lãng phí thời gian đó, và ông Trump đã tranh thủ cơ hội để đổ lỗi cho WHO.
WHO đã đưa ra những khuyến cáo khẩn cấp trong suốt tháng 1 về những mối nguy hiểm tiềm tàng từ virus và tuyên bố rằng đây là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế, một ngày trước khi chính quyền Trump đưa ra tuyên bố tương tự.
Từ ngày 22/1, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, lặp lại một câu thần chú trong cuộc họp báo hàng ngày về dịch bệnh: "Chúng ta có cửa sổ cơ hội để ngăn chặn virus này. Nhưng cánh cửa đó đang nhanh chóng đóng lại".
Tiền hậu bất nhất
Luận điểm của ông Trump rằng WHO quá thân thiết với Trung Quốc có thể xuất phát từ những lời khen mà tổ chức này dành cho các biện pháp cứng rắn mà Trung Quốc đã thực hiện để ngăn chặn virus.
Bắc Kinh tổng cộng đã điều động 40.000 nhân viên y tế từ khắp Trung Quốc đến Vũ Hán, xây dựng hai bệnh viện khẩn cấp, đào tạo 9.000 người làm nhiệm vụ truy vết và bắt đầu theo dõi, kiểm tra và cách ly không chỉ tất cả những người nhiễm virus mà cả những người bị sốt.
Tong thong Trump day trach nhiem cho WHO de che day sai sot chong dich?-Hinh-3
Một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: AP. 
Chiến thuật của Trung Quốc cuối cùng đã có hiệu quả. Đến ngày 18/3, Trung Quốc đã có thể báo cáo không có ca nhiễm mới nào ở nước này và một số thành phố được phép dỡ bỏ phong tỏa vào tháng 3. Các chuyên gia y tế công cộng gọi những gì Trung Quốc đạt được là thành công chưa từng có.
Do đó, cáo buộc của ông Trump rằng sự ì ạch của WHO đã gây ra nhiều cái chết bởi virus trái ngược với thực tế rằng tổ chức này đã ủng hộ các biện pháp quyết liệt của Trung Quốc.
Những lời chỉ trích của tổng thống Mỹ đối với tổ chức y tế hàng đầu thế giới cũng đi ngược lại đánh giá của chính ông về tổ chức này chỉ 6 tuần trước.
Vào cuối tháng 2 - trước một số lời chỉ trích gay gắt nhất về sự chậm trễ của ông Trump, vị tổng thống đã dành nhiều lời khen ngợi cho WHO, nói rằng tổ chức này đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).
"Virus đang được kiểm soát rất tốt tại Mỹ", ông nói trên Twitter. "Chúng tôi đang liên hệ với tất cả mọi người và tất cả các nước liên quan. CDC & Y tế Thế giới đã làm việc rất chăm chỉ và rất thông minh. Tôi thấy thị trường chứng khoán bắt đầu cho thấy tín hiệu tốt!"
Được thành lập vào năm 1948, WHO đặt trụ sở tại Geneva, nhưng có 7.000 nhân viên tại 150 văn phòng trên toàn thế giới. Trong các trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng, họ tìm cách xác định các mối đe dọa và giảm thiểu rủi ro, hỗ trợ phát triển các công cụ y tế trong khi dịch bệnh bùng phát.
Trong những ngày đầu dịch bệnh, Bắc Kinh đã phớt lờ đề nghị của WHO về việc cử quan sát viên đến Trung Quốc, nhưng vào đầu tháng 2, nước này đã tiếp nhận một đội ngũ quốc tế bao gồm hai người Mỹ, một từ CDC và một từ Viện Y tế Quốc gia.
Mặc dù chính quyền Trump tuyên bố rằng các nhà khoa học Trung Quốc từ chối chia sẻ dữ liệu, nhưng đa số nhà khoa học Mỹ không đồng tình.
Họ cho biết một phòng thí nghiệm Trung Quốc đã công bố trình tự gene của virus vào đầu tháng 1, giúp các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới có thể bắt đầu phát triển công cụ xét nghiệm. Kể từ đó, các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố hàng chục bài báo chứa đầy dữ liệu.
Ông Trump hôm 14/4 cho biết rằng Mỹ sẽ xem xét làm gì với số tiền hiện được gửi cho WHO, rằng "WHO có thể sẽ thay đổi và có thể sẽ không".
Theo Đông Phong/Zing News