Trung Quốc giảm xả CO2, Trái đất bớt nóng

Google News

Các chuyên gia mô tả cam kết mới đây về “carbon trung tính” của Trung Quốc là bước đi chính sách khí hậu nổi bật nhất trong 5 năm qua. Nếu đạt mục tiêu, nhiều khả năng có thể hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu 0,2-0,3 độ C trong thế kỷ này.

 

Trung Quoc giam xa CO2, Trai dat bot nong

 

Nhà máy nhiệt điện than tại Trung Quốc: Ảnh: ABC News

Tại cuộc họp Ðại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 22-9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết nước này sẽ đạt mức phát thải cao nhất trước năm 2030 và đến năm 2060 sẽ chạm mục tiêu “carbon trung tính” (không tăng lượng khí thải ròng). Ông Tập cho rằng thỏa thuận chung về biến đổi khí hậu Paris đã “vạch ra các bước tối thiểu cần thực hiện để bảo vệ Trái đất và tất cả các nước phải tôn trọng văn kiện này”.

Tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc nhận được sự khen ngợi từ rất nhiều chuyên gia. Joeri Rogelj, chuyên gia khí hậu tại Viện Grantham (Anh), gọi cam kết của Bắc Kinh là “bất ngờ và mở mang tầm mắt”. Helen Mountford, chuyên gia khí hậu thuộc Viện Tài nguyên Thế giới (Mỹ), cho rằng phát biểu trên sẽ thúc đẩy làn sóng tích cực trong giới ngoại giao và các cam kết khí hậu lớn hơn từ các nước khác.

Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được 195 nước thông qua tại Pháp tháng 12-2015. Các quốc gia nhất trí cắt giảm lượng CO2 và khí thải khác từ đốt nhiên liệu hóa thạch nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu. Nỗ lực chung của các nước sẽ giúp giữ cho nhiệt độ Trái đất nóng lên chỉ khoảng 2,7 độ C vào năm 2100 so với thời kỳ tiền công nghiệp, theo tổ chức Theo dõi hành động khí hậu (CAT). Và nếu Trung Quốc điều chỉnh cam kết trong thỏa thuận Paris, thì thế giới được dự báo chỉ ấm lên thêm 2,4-2,5 độ C. Thật ra, con số này vẫn còn cao hơn nhiều so với giới hạn 1,5 độ C mà các nhà khoa học cho rằng sẽ giúp tránh khỏi những tác động nghiêm trọng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. Nhưng để giữ cho nhiệt độ hành tinh tăng ở mức 1,5 độ C, tổng lượng phát thải CO2 trên toàn cầu phải được kéo xuống mức 0 vào giữa thế kỷ này, tức sớm hơn cam kết của Trung Quốc 10 năm.

Dù vậy, tuyên bố của quốc gia xả CO2 nhiều nhất thế giới có thể khơi mào hành động chống biến đổi khí hậu. Ðược biết, quốc gia Ðông Á này chiếm xấp xỉ 29% lượng phát thải CO2 toàn cầu. CAT ước tính những cam kết của Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Mỹ trong việc hạ lượng khí thải ròng về bằng 0 vào giữa thế kỷ có thể sẽ đặt mục tiêu kiềm chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C trong tầm tay.

►Còn nhiều việc cần làm

Trong phản ứng, Ủy ban châu Âu hoan nghênh tham vọng mới của Trung Quốc, song cũng nhấn mạnh nước này phải ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ở trong và ngoài nước, vốn thuộc Sáng kiến “Vành đai, Con đường”.

Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình không đề cập trực tiếp đến ngành than, lĩnh vực chiếm lượng lớn phát thải carbon ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Lượng phát thải CO2 của Trung Quốc trong năm ngoái đã tăng khoảng 2%, trong khi 65% tăng trưởng trong tiêu thụ năng lượng thường niên đến từ nhiên liệu hóa thạch.

Về vấn đề này, Li Shuo - chuyên gia về chính sách khí hậu Trung Quốc - nhận định việc Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra cam kết chỉ vài phút sau bài phát biểu trước LHQ của Tổng thống Mỹ Donald Trump “rõ ràng là một bước đi được tính toán kỹ lưỡng” (ông Trump đã rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris). Theo Li, động thái như vậy cho thấy Bắc Kinh muốn tận dụng chương trình nghị sự về khí hậu để phục vụ cho mục đích địa chính trị.

Nhật thúc đẩy thực hiện mục tiêu xã hội không carbon 

Ngày 24-9, Bộ Môi trường và Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) đã nhất trí hợp tác chặt chẽ để thực hiện mục tiêu xã hội không carbon, đồng thời hai cơ quan sẽ nỗ lực để kêu gọi các nguồn vốn đầu tư vào doanh nghiệp nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ðể thực hiện mục tiêu xã hội không carbon, tháng 6-2020, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua Chiến lược tăng trưởng dựa trên Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Nhật Bản đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ cắt giảm 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hiện thực hóa xã hội không carbon chậm nhất vào nửa cuối của thế kỷ 21.

Theo Hạnh Nguyên/Baocantho