Truy tìm lục địa bí ẩn thứ 8

Google News

Các nhà khoa học tìm hiểu mảng lục địa khổng lồ từng nối Australia và New Zealand cách đây 75 triệu năm.

Mảng lục địa có tên Zealandia đã bị phá vỡ trong một vụ va chạm hơn 50 triệu năm trước và chìm xuống biển. Cho đến bây giờ, Zealandia luôn là một câu hỏi bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu.

Truy tim luc dia bi an thu 8

Zealandia ước tính có diện tích 5 triệu km2.(Ảnh: GSA)             

Nhóm nghiên cứu Đại học Quốc gia Australia và New Zealand đã tìm hiểu về lịch sử và cấu trục của lục địa mới phát hiện có tên Zealandia ở khu vực phía đông Australia, bao gồm lãnh thổ New Zealand và vùng lãnh thổ New Caledonia thuộc Pháp. Zealandia ước tính có diện tích khoảng gần 5 triệu km 2.

Nhà nghiên cứu địa chất Mortimer của New Zealand cho biết: “Hơi phức tạp đối với các nhà địa chất của chúng tôi khi lục địa chìm dưới đáy đại dương. Nếu chúng ta có thể rút hết nước tại đại dương thì sẽ nhận thấy các dãy núi và một lục địa lớn nằm trên đáy của đại dương”.

Giáo sư Sutherland, Đại học Victoria (Wellington, New Zealand) cho biết, một chiếc tàu khoan dài 143 m với tháp khoan cao tới 61 m, có khả năng thu thập các lớp trầm tích ở độ sâu hơn 1 km. Con tàu được trang bị hiện đại với sự tham gia của 55 nhà khoa học, kỹ thuật viên và đoàn thủy thủ gồm 50 người.

Nhóm nghiên cứu hy vọng chuyến đi của họ sẽ cung cấp thêm hiểu biết về vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực hay xảy ra động đất và hiện tượng phun trào núi lửa cũng như đứt gãy sau khi lục địa Zealandia phân tách.

Giáo sư Neville Exon, Đại học Quốc gia Australia cho biết chuyến thám hiểm cũng sẽ làm sáng tỏ những thay đổi chính trong hoạt động kiến tạo mảng toàn cầu, bắt đầu cùng lúc vành đai lửa Thái Bình Dương hình thành cách đây 53 triệu năm, khi đó lục địa Zealandia được cho là đã ngừng trôi dạt.

Kết quả nghiên cứu cũng sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn các vấn đề về khí hậu, lịch sử hải dương học, các miền khí hậu khắc nghiệt, đời sống dưới đáy biển, kiến tạo địa tầng và các vùng phát sinh động đất, sự vận động của các cung đảo và các rãnh đại dương.

Zealandia, từng là một phần của Australia cách đây 75 triệu năm. Sau đó phần lục địa này bắt đầu phân tách và dịch chuyển dần về phía đông bắc. Sự dịch chuyển này ngừng lại cách đây 53 triệu năm.

Zealandia hội tụ đủ 4 đặc điểm của một lục địa: có độ cao và độ đặc lớn hơn so với lớp vỏ đại dương, có sự hiện diện của 3 loại đá (đá núi lửa, đá biến chất và trầm tích), có diện tích đủ lớn.

Khái niệm “Zealandia” được các nhà khoa học đề cập vào năm 1995. Họ đã nghiên cứu trong suốt thập kỷ qua nhằm khẳng định nó bao gồm một lớp vỏ địa chất đủ lớn để được gọi là một lục địa.

Trái Đất thường được cho là có7 lục địa, gồm Phi, Á, Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Nam Cực, Úc.

 
Theo Vũ Anh Tuấn/VOV