Vẫn tồn tại “Bức tường Berlin” giữa 2 miền nước Đức?

Google News

(Kiến Thức) - 25 năm đã trôi qua kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ nhưng hai miền nước Đức vẫn đang có những sự chia cắt. 

Ngày 9/11/2014, nước Đức kỉ niệm 25 năm ngày Bức Tường Berlin sụp đổ, đánh dấu một ngã rẽ mới trong lịch sử nước này và là biểu tượng cho sự thống nhất đất nước.
Bức tường ngăn cách 2 phần đất nước đã bị dỡ bỏ trong sự vui sướng của người Đức, nhưng đến nay nước Đức vẫn chưa có thể được coi là thống nhất hoàn toàn, đặc biệt là trong vấn đề phát triển kinh tế và chất lượng cuộc sống.
Dù ¼ thế kỉ đã đi qua kể từ sự kiện lịch sử trọng đại đó, hai miền nước Đức vẫn đang có những sự chia cắt. 
Theo Viện nghiên cứu Kinh tế Halle, khu vực trước kia là Đông Đức có tốc độ phát triển kinh tế chậm hơn cũng như cơ sở công nghiệp yếu kém hơn so với Tây Đức. Người dân ở Leipzig hay Magdeburg có mức lương thấp hơn so với người dân ở Frankfurt và Dusseldorf, những nhà đầu tư cũng sẽ ưu tiên khu vực Baden-Württemberg hay Nordrhein-Westfalen ở miền tây nước Đức, thay vì vùng Thüringen hay Sachsen ở miền đông.
Bản đồ Bức Tường Berlin trước kia 
Tình hình càng tệ hơn khi nhiều người trẻ tuổi di cư từ miền đông sang miền tây để tìm kiếm việc làm tốt hơn và lương cao hơn. Tỉ lệ thất nghiệp ở miền đông đang ở mức khá cao là 9.7%, so với trung bình trên cả nước Đức chỉ là 5.4%.
Những tập đoàn kinh tế khổng lồ của Đức cũng tập trung chủ yếu ở miền tây khi môi trường kinh tế ở đây thuận lợi hơn rất nhiều so với ở miền đông. Điển hình là các tập đoàn hàng đầu của Đức do Forbes bình chọn như Daimler Chrysler, Siemens và Deutsche Bank, đều có trụ sở chính tại Stuttgart, Munich và Frankfurt, những thành phố giàu có nhất nước Đức.
Vậy nên, mức độ di cư và chênh lệch kinh tế cho thấy nước Đức vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hoàn toàn thống nhất đất nước. Tuy nhiên, ông Jörg Zeuner, nhà kinh tế hàng đầu trong nhóm KfW, đã nói: “không có đất nước nào hoàn toàn cân bằng” và sự khác biệt về kinh tế tồn tại ở mọi quốc gia.
Ông Zeuner cũng cho biết: “Nước Đức sau thống nhất đã đạt được sự phát triển kinh tế mang tính lịch sử. Mức tăng trưởng trên đầu người trong 25 năm trở lại đây đã đạt đến mức tương đương với sự phát triển kinh tế thần kì của thời kì hậu chiến tranh”. Minh chứng là theo tính toán mới nhất của Deutsche Welle, thu nhập bình quân ở miền đông nước Đức đã đạt đến 17700 Euro, xấp xỉ 84% so với ở miền tây.
Phong Đức