Đừng đùa với lửa

Google News

Thử với chúng chẳng khác đùa với lửa, chắc chắn sẽ bị bỏng tay, cháy nhà.

Có những việc mà người ta không nên xem thường, không nên làm dù chỉ là “thử qua cho biết”. Bởi vì khi thử sẽ rơi vào cạm bẫy của chúng, tuy là nói thử nhưng thực ra là hoàn toàn thật. Thử với chúng chẳng khác đùa với lửa, chắc chắn sẽ bị bỏng tay, cháy nhà.

Nhiều người nghiện ma túy chỉ vì muốn thử qua cho biết, nghĩ rằng chỉ sử dụng một lần hay một ít thôi, hoặc vì đáp trả sự khiêu khích, thách thức của bạn bè. Có người chủ quan cho rằng: Chỉ thử qua một lần thôi thì làm sao nghiện được. Có người thì tự tin bảo: Nghiện hay không là do mình thôi! Nhưng không đơn giản như người ta tưởng, sau khi tiếp xúc với ma túy một lần thì lại muốn tiếp xúc với nó lần thứ hai, và vài lần tiếp xúc thì kể như rơi vào cạm bẫy của nó. Lúc đó cũng giống như con muỗi vướng vào tơ nhện khó thoát ra. Con muỗi muốn thử sức mình mặc dù thấy xác của những con muỗi khác đong đưa trên mạng nhện. Nó không nghĩ rằng nếu không vượt qua được sự thử thách, đánh đố đó thì mất mạng; nó cũng quên rằng trong muôn ngàn con muỗi chỉ một hai con thoát ra khỏi lưới nhện được mà thôi. Tự đặt ra cho mình một thử thách không cần thiết nhưng vô cùng mạo hiểm, đó không phải là việc hay ho gì.

 Ảnh minh họa.
Khi nghiện ma túy rồi thì thần kinh, não bộ lệ thuộc vào chất ma túy, tâm lý lệ thuộc vào ảo giác. Một khi lên cơn mà không có thuốc thì con nghiện sống dở chết dở, khổ sở tột cùng. Lúc đó họ không còn nhớ đến ai (không coi ai quan trọng cả), không còn biết gì nữa, họ có thể làm bất cứ việc gì, chỉ cần được thỏa mãn cơn nghiện mà thôi. Nhìn thấy những người rơi vào tình cảnh nghiện ngập nguy hại như thế thì không nên thử ma túy làm gì. Nghiện rượu, nghiện cà-phê, thuốc lá còn khó bỏ, phải lệ thuộc nó, huống chi nghiện ma túy, độ ghiền của ma túy gấp trăm ngàn lần cà-phê, thuốc lá. Người nghiện rượu không có rượu thì tay yếu chân run không làm gì nổi. Người nghiện cà-phê, thuốc lá nếu thiếu thì đầu óc không tỉnh táo, cảm giác thấy thèm, không có tinh thần làm việc.

Người Phật tử nếu giữ gìn giới thứ năm trong Ngũ giới thì sẽ không vướng vào vòng nghiện ngập. Giới thứ năm của người Phật tử là không sử dụng các chất gây say, gây nghiện (rượu bia, ma túy, thuốc lá v.v...). Nếu có tâm thọ trì giới này thì người Phật tử không thử sử dụng các chất gây say, gây nghiện, bởi vì một khi đã thử thì đã phạm giới.

Đối với bài bạc, rượu bia, ma túy, tình dục, có nhiều người chỉ muốn thử qua cho biết, nhưng khi thử rồi thì ham thích, đắm nhiễm, sa đọa vào những thứ đó không còn làm chủ được bản thân, làm hư hỏng tương lai, cuộc đời mình, gây hệ lụy cho gia đình, xã hội.

Thời gian gần đây trong giới trẻ có hiện tượng sống thử. Sống thử là sống với nhau như vợ chồng trước khi đi đến hôn nhân chính thức được gia đình và pháp luật công nhận. Quan niệm của những người sống thử là muốn trải nghiệm đời sống vợ chồng để hiểu rõ hơn về hôn nhân, hiểu rõ hơn về người bạn đời tương lai của họ, xem cuộc sống vợ chồng của họ có hòa hợp, hạnh phúc hay không (hòa hợp trong tính cách, quan niệm, lối sống, cách ứng xử, hòa hợp trong sinh hoạt giới tính, tình dục). Nếu sau một thời gian sống chung diễn ra tốt đẹp, họ có khao khát, hứng thú sống chung với nhau đến suốt cuộc đời thì họ sẽ tiến đến hôn nhân thật sự, hợp pháp. Họ sẽ làm đám cưới với sự chứng minh của cha mẹ, họ hàng hai bên. Họ sẽ đăng ký kết hôn để được pháp luật thừa nhận.

Đây tưởng chừng là một ý tưởng hay nhưng hậu quả của nó vô cùng tệ hại. Tuy nói là sống thử nhưng kể ra mọi thứ đều thật cả, không có cái gì là thử hay giả bộ hoặc có thể làm lại được. Đôi trai gái sống chung đụng với nhau, ở chung một nhà, ăn chung một mâm và ngủ chung một giường, quan hệ như vợ chồng, tất cả đều là thật 100%, sao gọi là thử?

Người phụ nữ không nghĩ rằng nếu cuộc sống thử không thành công, tức là họ không thể sống hòa hợp, không thể sống chung với nhau thì họ phải làm sao đây? Liệu họ có trở lại được với tình trạng ban đầu? Chắc chắn là không được, tuổi tác lên cao, nhan sắc họ cũng đã tàn phai ít nhiều, lòng tin đối với tình yêu, đối với đời sống hôn nhân gia đình cũng không còn vững chắc. Liệu sau lần thất bại đó, có người đàn ông nào có tình yêu bao dung, rộng lượng để mang đến cho họ hạnh phúc hôn nhân hay không trong khi thành kiến xã hội, phong tục tập quán, văn hóa mỗi nơi mỗi khác, không phải ai cũng chấp nhận được.

Đó là chưa nói đến những anh chàng sở khanh lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người phụ nữ để thỏa mãn dục vọng. Sau khi hoa tàn nhụy rữa, bướm chán ong chê, những anh chàng sở khanh sẽ tìm cách vứt bỏ. Phần thiệt thòi luôn về phía người phụ nữ, những anh chàng sở khanh đểu giả sẽ kiếm cớ để chuồn, viện cớ là hai người sống với nhau không hợp nên phải chia tay, người phụ nữ sẽ phải ngậm bồ hòn gánh lấy những tàn tích, đổ vỡ.

Tình trạng sống thử cũng là một trong những nguyên nhân của tệ nạn nạo phá thai, một việc làm gây nguy hiểm và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người phụ nữ, đồng thời làm tổn hại nghiêm trọng đến đạo đức. Những người mẹ sống thử không muốn để cho đứa con ngoài ý muốn ra đời, khi mà  hoàn cảnh chưa cho phép, do đó họ tìm cách bỏ nó đi, giết đi một mầm sống, một sinh mạng mới tượng hình, cướp đi cơ hội làm người của một chúng sinh. Riêng đối với người mẹ trẻ, việc phá bỏ mầm sống đó cũng có thể giết chết cô ta nếu như xảy ra bất trắc, nếu không thì cũng ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe và gây trở ngại cho những lần thọ thai sau này hoặc khi sinh nở. Niềm vui ái ân kết thúc từ lâu nhưng hệ lụy thì kéo dài và đôi khi người trong cuộc không sao gánh nổi.

Sống thử đã có từ lâu ở các nước phương Tây và một vài nước phương Đông như Hồng Kông chẳng hạn, đến khi nó “du nhập” vào xã hội Việt Nam đã gây ra nhiều hệ lụy. Mỗi đất nước có nền văn hóa, đời sống xã hội khác nhau. Đối với xã hội Việt Nam, đối với nền văn hóa Việt Nam, lối sống này không mấy phù hợp. Ở các nước phương Tây người ta xem nhẹ truyền thống gia đình, xem nhẹ quan hệ vợ chồng, thay đổi người tình như thay áo vẫn có những hệ lụy không ít. Nhưng đối với một nước có truyền thống văn hóa phương Đông và xem trọng vai trò của gia đình như Việt Nam, thì việc xem nhẹ đời sống hôn nhân gia đình gây ảnh hưởng, tác hại rất nhiều cho cá nhân, gia đình và xã hội, cho cả thế hệ con em sau này. Không chỉ về mặt văn hóa, mà về phương diện đạo đức cũng không chấp nhận điều đó.

Đối với người Phật tử, các trường hợp quan hệ giới tính phi pháp như sống thử hoặc sống với nhau như vợ chồng nhưng không được gia đình và pháp luật thừa nhận, ngoại tình, quan hệ với gái bán hoa, trai bao đều vi phạm đạo đức Phật giáo, trong trường hợp này điều giới thứ ba của người Phật tử gọi là tà dâm. Vì thế, giữ giới thứ ba là một trong những chuẩn mực đạo đức quan trọng để bảo vệ hạnh phúc cho mình và mọi người.
Theo Giác Ngộ