Những điều kỳ diệu quanh cái chết của một cư sĩ

Google News

Trong phút lâm chung, từ bức hình Tây phương Tam Thánh trên tường phát 3 luồng hào quang sáng xẹt đến thân cư sĩ Thiện Nhơn, mùi hương lạ ngạt ngào cả căn nhà...

Cư sĩ Thiện Nhơn tên là Nguyễn Xuân Phương sinh năm Mậu Thìn ( 1928), nguyên quán tại số nhà 139 Vùng Nam, thôn Phương Danh, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Cư sĩ Thiện Nhơn lúc trẻ làm nghề thầy giáo. Năm 20 tuổi lập gia đình với bà Kiều Thị Tuyết sương và sinh ra 4 trai, 5 gái.

Trong cuộc sống đời thường với bổn phận gia đình ông là một người đàn ông mẫu mực, một người chồng, người cha đáng kính.

Năm 1978, khi vô thường bất ngờ ập đến, người bạn đời đột ngột ra đi để lại cho ông một đàn con dại, nhưng ông đã làm tròn bổn phận chăm lo chu tất từng đứa con thành đạt nên người.

 Cư sĩ Nguyễn Xuân Phương.

Cuộc sống cứ thế nhanh chóng trôi qua cũng đã hơn nửa đời người, nhìn lại quãng đời còn lại chẳng còn là bao lâu nữa mà cuộc sống thì luôn vô thường giả tạm trong: Sanh, Lão, Bệnh Tử của con người như kiếp sống phù du, nên ông hướng về Tam Bảo và phát nguyện thọ Tam quy trì Ngũ giới với Hòa thượng Thích Giác Nhu tại Tịnh xá Trung Tâm với Pháp danh là Thiện Nhơn khi tuổi đời đã bước sang cái tuổi “ Thất thập cổ lai hy”

Từ đó, với câu lục tự A Di Đà, trên con đường tu tập của cư sĩ Thiện Nhơn ngày càng tiến bước. Được sự trợ duyên của chư tôn Hòa thượng , Thượng tọa, Đại đức, tăng, ni cùng gia đình các con và bạn đạo, ông đã chọn một đường quyết chí tiến tu, với pháp môn Tịnh Độ để hành trì mong được vãng sanh về Tây phương Cực lạc.

Ông vào Sài Gòn lần đầu tiên nhập Phật thất khóa thứ 12 tu học ở chùa Hoằng Pháp. Sau 7 ngày trở về là dấu ấn, là bước ngoặc trong cuộc đời ông thẳng tiến từ đây.

Vì kế sinh nhai, các con ông mỗi người một phương, còn lại một mình ông nơi quê nhà hiu quạnh, với thân già gần tuổi 80 nhưng ông vẫn một lòng tinh tấn ngày 2 thời lễ lạy hồng danh sám hối, thời gian còn lại là câu Lục tự Di Đà không rời tâm ông.


Ngoài ra ông luôn đóng góp công góp sức xây dựng đạo tràng niệm Phật nơi tịnh xá Ngọc Duyên (Đập Đá Bình Định ). Thấy ông già yếu đau bệnh, mọi người khuyên ông nên nghỉ ngơi, nhưng ông đã nói “ Tôi muốn được góp chút công xây dựng xong tịnh xá, dù có ra đi tôi cũng yên lòng”.

Và ông lập hạnh pháp thí, tài thí cho những ai cuộc sống khó khăn, những ai thiếu pháp. Ông cũng muốn cho hàng Phật tử con cháu ông noi theo hạnh cúng dường Tam bảo, ấn tống kinh sách, băng đĩa, tượng Phật…như ông.

Dù đang  lúc già yếu bệnh hoạn nhưng ông cũng dõng mãnh phát tâm cúng dường 25 trường Hạ, trước khi vãng sanh chỉ có 4 ngày mà ông vẫn còn hăng hái đi làm Phật sự cúng dường trai tăng trong mùa Vu Lan tự tứ PL 2551.

“ Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”. Với tấm lòng đầy nhiệt huyết với Đạo Pháp, cho chúng sanh, với hạnh nguyện quyết chí vãng sanh, nhớ đến lời Phật dạy trong kinh A Di Đà : “ Không thể có chút ít thiện căn phước đức nhơn duyên mà được sanh về thế giới Cực Lạc !” nên ông nỗ lực hơn nữa.

Ngoài việc lạy sám, niệm Phật mỗi ngày, ông làm tất cả những gì ông có thể làm được như: giúp đỡ người nghèo khó, người khuyết tật, bệnh nhân phong cùi, đồng bào lũ lụt, biết được nơi đâu có hoạn nạn ông đều dấn thân tham gia cứu giúp…để tròn hạnh nguyện “ Phước Huệ song tu”.

Cư sĩ, Phật tử Nguyễn Xuân Phương, pháp danh Thiện Nhơn là một gương hạnh đức để cho con cháu noi theo, một tấm gương sáng đời đẹp đạo. Khi tâm nguyện đã hoàn thành, ông xin về với Phật A Di Đà, để rồi trong giờ phút cuối đời, ra đi với lòng thanh thản, không lưu luyến, hoan hỷ ông buông bỏ vạn duyên.

Ông biết trước ngày chết, nên có dặn dò con cháu trước lúc ra đi, hãy niệm Phật cho ông đủ  8 tiếng đồng hồ, để qua 48 giờ rồi mới được đi thiêu, đi thiêu để huyễn thân cát bụi trở về với cát bụi, đi thiêu để nhường đất cho người sống, ông dặn con cháu chớ nên coi ngày giờ tẩm liệm, không nhận tiền phúng điếu. Rồi ông viết trên tấm giấy sai con cháu dán lên tường câu: Cám ơn chư vị đến thăm/ Xin câu niệm Phật Tây phương tôi về.

Ông bảo: “Các con không cần thỉnh mời nhưng sẽ có quý Hòa thượng, Thượng tọa, đại đức tăng ni, và các Phật tử sẽ đến lo cho ba !”.

Và nhiệm mầu thay y như lời ông nói, quý chư tôn đức, các Phật tử nghe ông chuẩn bị về với Phật đều đến trợ niệm rất đông.  Vào lúc 2 giờ sáng ngày 19 tháng 7 âm lịch năm Đinh Hợi ( 2007), cư sĩ Thiện Nhơn nói với mọi người ông thấy Phật A Di Đà đang hiện thân đến rước ông, ông cùng đại chúng đồng thanh niệm Phật một lúc rồi ông mở mắt đưa tay vẫy chào rồi trút hơi thở cuối cùng ra đi theo Phật A Di Đà hưởng thọ 80 tuổi.

Trong giờ phút lâm chung, đại chúng đang hộ niệm thì trên bức hình Tây phương Tam Thánh trên tường phát 3 luồng hào quang sáng xẹt đến thân cư sĩ Thiện Nhơn ( chư tăng, Phật tử, gia đình lúc đó đồng thấy điều vi diệu này ). Mùi hương lạ ngạt ngào cả không gian căn nhà trong giờ phút lâm chung, và nhiều sự lạ lùng xảy ra mà không biết dùng lời gì để diễn tả.

Cuối đời ông mắc chứng bệnh ung thư gan nên mặt, mắt đều vàng, da xấu, nhưng điều kỳ diệu là trước và sau khi lâm chung sắc diện  ông trở nên hồng hào, sau 8 tiếng đồng hồ trợ niệm mà tay chân ông vẫn mềm mại.

Đám tang ông không nhạc, không kèn, mà chỉ có tiếng tụng kinh, tiếng niệm Phật từng lớp lớp người đến thay nhau không ngớt suốt mấy ngày đêm.

Không mời đội khâm liệm, chỉ có các con tự làm hết, việc mà trong gia đình chưa ai từng làm bao giờ, thay vì cho vào trà khô, các con không biết nên cứ rải hoa tươi lấp hết thân ông, đầy cả trong quan tài để cúng dường cho cha, đáng lẽ sẽ bị úng hôi, nhưng kỳ diệu thay trải qua mấy ngày đêm và suốt trên 250 cây số từ Bình Định đến lò thiêu ở Nha Trang mà quan tài vẫn khô ráo tỏa hương điều chưa từng có.

Tiết trời tháng 7 miền Trung nắng gay nắng gắt, nhưng trước lúc di quan trời bỗng đổ một cơn mưa mát mẻ quét  sạch mọi nẻo đường cát bụi như để tiễn ông trong giờ phút đi xa suốt trên đường, và lạ lùng thay đoàn xe chạy đến đâu luôn được đám mây che mát.

Cư sĩ tại gia Nguyễn Xuân Phương, pháp danh Thiện Nhơn vãng sanh đã hiện ra nhiều điềm lành hiếm thấy và đã lưu lại nhiều viên xá lợi đủ màu khiến cho mọi người một vùng quê hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, việc chưa từng thấy: Pháp môn Tịnh độ, một Pháp môn khó tin nhưng thật vi diệu, khiến cho con cháu trong gia đình và mọi người con Phật nơi đây càng thêm tinh tấn, càng tin sâu vào Pháp môn Tịnh độ với câu Phật hiệu Nam mô A-di-đà Phật và tin rằng một đời siêu thoát, một ánh đạo nhiệm mầu.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế giới tiếp dẫn đạo sư A Di đà Phật.

TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Theo Chùa Phúc Lâm